Bảo tàng gốm cổ Kim Lan được trao giải Bùi Xuân Phái
VOV.VN - Bảo tàng là kết quả của tình yêu, sự tâm huyết của nhiều thế hệ người dân Kim Lan cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Công trình sưu tầm các cổ vật và xây bảo tàng gốm cổ cho làng Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) do các cụ cao tuổi trong nhóm "Tìm về nguồn cội" của làng gốm cổ Kim Lan (Gia Lâm- Hà Nội) và Tiến sĩ Nhật Bản Nishimura Masanari thực hiện đã được trao giải Việc làm - Vì Tình yêu Hà Nội tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội lần thứ 6 - năm 2013 diễn ra chiều 29/8 tại Hà Nội.
Bảo tàng là kết quả của tình yêu, sự tâm huyết của nhiều thế hệ người dân Kim Lan, cùng các nhà khoa học, nhằm gìn giữ các hiện vật vô giá, cùng chung tay xây dựng một bảo tàng khảo cổ học cộng đồng, đánh thức lịch sử một làng gốm cổ có niên đại hàng trăm năm trên đất Thăng Long.
Từ chuyện nhặt những mảnh gốm...
Nhà trưng bày gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan (Gia Lâm- Hà Nội) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2013. Đây là bảo tàng cấp xã đầu tiên trong cả nước, đồng thời sự ra đời của bảo tàng cũng đánh dấu sự thành công đầu tiên của khảo cổ học cộng đồng ở nước ta.
Bảo tàng Kim Lan nằm liền kề với khuôn viên UBND xã Kim Lan, mở cửa vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Bảo tàng rộng khoảng 200m vuông, có phần mái được thiết kế cách điệu theo kiểu lò bầu và lò đứng - các kiểu lò nung gốm của người dân Kim Lan từ xưa đến nay.
Ông Nguyễn Văn Nhung (áo xám) cùng ông Nguyễn Đức Trí (áo trắng) giới thiệu các hiện vật cho khách thăm quan. |
Bảo tàng do Tiến sĩ Nishimura Masanari (Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa Việt - Nhật) và các bậc cao niên trong nhóm "Tìm về nguồn cội của làng" Kim Lan chung sức dựng nên.
Bảo tàng Kim Lan hiện nay trưng bày khoảng 300 hiện vật (kể cả các sản phẩm, hiện vật mới của làng gốm). Dù không gian không rộng, hiện vật không nhiều nhưng khá đa dạng loại hình, chất liệu, niên đại và được bày biện rất khoa học, hiện đại.
Các hiện vật rất phong phú bao gồm nhiều vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, tiền đồng và đặc biệt đồ gốm sứ, gạch Giang Tây Quân - loại gạch dùng để xây thành Đại La. Tại đây cũng trưng bày các sản phẩm mới của làng và các mô hình các lò gốm như: lò bầu và lò đứng.
Kim Lan từng là trung tâm sản xuất gốm sứ cổ vào thế kỷ 13-14. Sau những trận lụt, bờ sông Hồng sụt lở. Người dân ở đây nhặt được nhiều mảnh gốm cổ, thậm chí có cả những món đồ gần như nguyên lành và những chiếc lọ đầy ắp tiền cổ. Vì đều là những người gia đình làm gốm sứ, nên lúc đầu mục tiêu mà ông và các cụ cao tuổi như các ông Nguyễn Văn Nhung, Nguyễn Văn Viện, Nguyễn Tiến Cung, Nguyễn Văn Lanh... sưu tầm các mảnh gốm cổ là để tìm hiểu cách làm xương gốm, họa tiết, màu men của người xưa.
Ông Nguyễn Việt Hồng và Nguyễn Văn Nhung say sưa trao đổi về các sản phẩm gốm trưng bày tại nhà ông Hồng. |
“Tôi đã làm bài ru cháu có câu: Đất nuôi ta lớn lên người/ Giữ trong lòng đất bao đời tổ tiên/ Từ thời thiên phúc khai nguyên/ Đất nung đồ gốm dựng nên làng nghề. Chỉ mấy câu ấy đã gói trọn tâm tư của chúng tôi, lòng đất nuôi tôi đến tận lúc chết. Làng tôi là một làng cổ.
Chúng tôi là người trong nghề, khi cầm một mảnh vỡ lên biết xương, da, men, hình dáng của nó như thế nào. Có những hoa văn âm được khắc rất khéo, giống như họa tiết của gỗ, hoa văn nổi bên trong. Vì là người trong nghề nên càng khâm phục các cụ ngày xưa không có các phương tiện hiện đại như bây giờ, nhưng sao lại có thể tạo nên các sản phẩm đẹp thế, mỏng thế..." - ông Nguyễn Việt Hồng cho biết. Trước khi về nghỉ hưu, ông Hồng từng là Quản đốc phân xưởng mỹ nghệ gốm Bát Tràng.
Và cứ như thế, các mảnh vỡ theo các cụ trong nhóm về chất đầy nhà. Đến giờ, nhà ông Hồng vẫn còn một chiếc tủ lớn chất đầy các hiện vật gốm và một bộ sưu tập tiền cổ rất quí.
Nhiều người cho là các cụ "dở hơi", nhưng họ vẫn làm vì niềm say mê với gốm cổ. Sau khi tập hợp được rất nhiều hiện vật, nhóm của ông Hồng đã gửi những báo cáo của mình lên Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở VH-TT&DL Hà Nội), Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam... Sự nhiệt huyết của họ cuối cùng cũng đem lại kết quả.
Tháng 4/2000, một đoàn cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã về Kim Lan và những di vật do nhóm "Tìm về nguồn cội của làng" cung cấp đã khiến các nhà sử học sửng sốt. Liên tục từ năm 2001 - 2003, đã có 3 đợt khai quật được Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành trên bãi Hàm Rồng.
Một bộ sưu tập tiền cổ do nhóm ông Hồng sưu tầm được. |
Đợt khai quật đã thu được sưu tập hiện vật có số lượng lên tới con số hàng nghìn, trải dài suốt 10 thế kỷ, từ thế kỷ 7 - 17. Trong đó đáng kể hơn cả là những đồ gốm sứ thời Trần với nhiều tiêu bản nguyên vẹn hoặc có thể phục nguyên... Những đợt khảo cổ ấy cũng tìm thấy rất nhiều gạch Giang Tây Quân (sau này cũng phát hiện được loại gạch tương tự tại Hoàng thành Thăng Long).
“Có 3 kết luận mà chúng tôi thấy rất có giá trị: Thứ nhất, Kim Lan là một làng cổ, khai quật cả cột móng nhà, nền nhà cũ; Thứ hai, ở đây có dấu tích sản xuất gốm sứ từ xưa và có hàng xuất khẩu từ thế kỷ 13-14; Thứ ba, Kim Lan rất giàu có, dân chúng tôi nhặt được nhiều tiền, tôi còn giữ được hai vỏ hũ đựng tiền đem về trưng bày ở bảo tàng.”- ông Nguyễn Văn Nhung nhớ lại.
Vậy là cùng với những di sản văn hoá phi vật thể khác, những hiện vật gốm đã góp phần khẳng định, Kim Lan đã từng là một làng gốm cổ. Sau này các cụ cao niên trong làng còn chung sức hoàn thành cuốn sách "Kim Lan xưa và nay" để làm rõ cội nguồn của làng.
... Đến khi xây bảo tàng
Đến Kim Lan lần đầu tiên vào tháng 4/2000 cùng với đoàn khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, bằng tình yêu với gốm cổ, Tiến sĩ Nishimura Masanari đã tình nguyện gắn bó với đất và người Kim Lan hơn một chục năm trời.
“Khi tôi và Nishi gặp nhau năm 2000, chúng tôi thấy ngay mình là đồng đạo, cùng ham tìm hiểu về lịch sử và nghề nghiệp. Anh ấy có lý thuyết. Tôi có thực hành, chúng tôi bổ sung cho nhau"- ông Hồng chia sẻ.
Chính ông Hồng đã cung cấp nhiều tư liệu cho Nishimura để ông hoàn thành luận án Tiến sĩ của mình về văn hoá Việt Nam. Còn T.S Nishimura tận tình hướng dẫn nhóm của ông Hồng phân loại các hiện vật đã sưu tập được, tham gia khai quật ở bãi Hàm Rồng, cho đến việc quyên góp hơn 30.000 USD để xây dựng bảo tàng, hay thiết kế, sắp đặt, viết lời bình trong bảo tàng… đều do ông thực hiện. Ông còn hiến tặng một số gốm cổ châu Á từ bộ sưu tập cá nhân để người xem dễ bề so sánh với Kim Lan.
Theo ông Nguyễn Văn Nhung, những việc làm đầy ân tình của vợ chồng T.S Nishimura để lại trong tâm trí người dân Kim Lan những ấn tượng khó quên. "Cách lao động của Nishimura rất nghiêm túc, tận tình, cả hai vợ chồng tận dụng mọi điều kiện để hỗ trợ cho Kim Lan. Hai vợ chồng Tiến sĩ Nishimura đến Kim Lan từ lúc chưa cưới đến khi họ cưới và có hai con đã đi học. Chúng tôi coi ông như người thân trong gia đình, như người nhà...".
Ông Nhung giới thiệu về mô hình lò bầu- loại lò gốm cổ trước kia. |
Hơn một chục năm gắn bó với nhân dân Kim Lan, T.S Nishimura đã được coi là công dân danh dự của làng Kim Lan. Điều tâm niệm của T.S Nishimura và các cụ trong nhóm "Tìm về cội nguồn" của làng Kim Lan khi chung sức xây dựng Bảo tàng gốm cổ của làng là nhằm giúp các thế hệ sau yêu làng, yêu nghề hơn và có quyết tâm làm giàu từ nghề gốm. Sau khi đột ngột qua đời trong một tai nạn giao thông trên Quốc lộ 5, T.S Nishimura đã được đưa về yên nghỉ ở đất làng Kim Lan.
Ông Nguyễn Đức Trí - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lan cho biết, chính quyền và nhân dân Kim Lan vô cùng trân trọng những đóng góp của vợ chồng T.S Nishimura và các cụ trong nhóm "Tìm về nguồn cội" của làng Kim Lan.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Trí, qua một năm hoạt động, bảo tàng đã bước đầu đem lại hiệu quả: "Ý nghĩa và giá trị của bảo tàng đã được nhân dân Kim Lan đón nhận, nhiều người dân Kim Lan đến thăm, học tập kinh nghiệm của cha ông để áp dụng cho công việc sản xuất của địa phương. Rồi các đoàn khách của người Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, học sinh, sinh viên... cũng đã thường xuyên qua thăm, nghiên cứu Bảo tàng vào các ngày thứ bẩy, chủ nhật.
Ông Nhung nhận giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội cùng người bạn của T.S Nishimura |
Tuy nhiên, số lượng người chưa được đông vì phần lớn du khách mới biết tiếng làng gốm Bát Tràng, chứ chưa biết đến làng gốm cổ Kim Lan. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng thêm nhà trưng bày những sản phẩm hiện tại làng nghề đang sản xuất, có khu vực dạy nghề gốm cho con em trong xã, để học tập trao đổi kinh nghiệm để nâng cao trình độ về nhận thức, tay nghề để có những sản phẩm chất lượng cao".
Vinh dự thay mặt nhóm "Tìm về nguồn cội" của làng Kim Lan nhận Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội 2013, ông Nhung cho rằng, giải thưởng một lần nữa nhắc nhở các thế hệ người dân Kim Lan trách nhiệm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa quí giá của quê hương.
“Chúng tôi coi đây là sự ghi nhận của Nhà nước, của xã hội đối với việc chúng tôi đã làm. Đây còn là sự ghi nhận công lao của Tiến sĩ Nishiruma - người đóng góp chính trong việc xây dựng thành công của bảo tàng của Kim Lan. Tôi cho rằng giải thưởng này vừa là phần thưởng, vừa là hình thức Nhà nước giao trách nhiệm cho nhân dân Kim Lan, giữ gìn và duy trì kết quả của bảo tàng. Từ đó, giúp cho thế hệ trẻ Kim Lan có lòng tự hào, làm tốt đối với việc xây dựng địa phương giàu, mạnh." - ông Nhung nhấn mạnh./.
Chiều 29/8, Hà Nội, Ban tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội tổ chức Lễ công bố và trao giải thưởng lần 6 - năm 2013. Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng vinh dự nhận Giải thưởng Lớn, vì đã bền bỉ ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của Hà Nội hay những cảnh sống đời thường của Thủ đô, của Hồ Gươm... trong hàng ngàn bức ảnh có giá trị nghệ thuật cao, được giới thiệu tập trung trong triển lãm “Hoa rơi trên mặt hồ” hay cuốn sách song ngữ “Dạo quanh hồ Gươm”.
Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho: Bộ ảnh Hà Nội những năm 80 của thế kỷ XX của nhà ngoại giao Anh John Ramsden với hơn 1.700 bức ảnh.
Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội được trao 2 công trình: Công trình tìm kiếm các bằng chứng lịch sử, tổ chức vinh danh các liệt sĩ Hà Nội hy sinh tại Chư Tan Kra (Kon Tum) của nhóm các cựu chiến binh trong Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 và Công trình sưu tầm các cổ vật và xây bảo tàng gốm cổ cho làng Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) của nhóm “Tìm về nguồn cội của làng” (gồm ông Nguyễn Văn Nhung, Nguyễn Việt Hồng, Nguyễn Văn Viện, Nguyễn Tiến Cung Nguyễn Văn Lanh) và Tiến sĩ người Nhật Bản Nishimura Masanari cùng chính quyền địa phương.
Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho Nhóm soạn thảo Đề án Xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.