Bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng
Cần định kỳ tổ chức các ngày hội văn hóa các dân tộc, khôi phục lễ hội dân gian.
Hội thảo Bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng diễn ra chiều 30/9 tại Hòa Bình, nhân dịp kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh.
Tại hội thảo, các nhà khoa học khẳng định, trong kho tàng di sản văn hóa của người Mường- dân tộc chiếm phần lớn dân số tại Hoà Bình, cồng chiêng là nét văn hoá đặc trưng, độc đáo. Đây là loại hình sinh hoạt gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần và tín ngưỡng từ khi sinh ra đến khi về với đất trời, là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, góp phần làm đa dạng nền văn dân tộc Việt Nam.
Cồng chiêng đã gắn bó với cuộc sống của người Mường từ ngàn đời, nhưng nay đang đứng trước nguy cơ mai một. Để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường, nhiều ý kiến cho rằng: Cần định kỳ tổ chức các ngày hội văn hóa các dân tộc, khôi phục lễ hội dân gian. Qua đó, nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, lòng tự tôn dân tộc của người dân với việc bảo tồn di sản văn hóa do cha ông để lại.
Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng là việc cần có sự tham gia, phối hợp của tất cả các ngành; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục trong đồng bào về ý thức giữ gìn và có biện pháp ngăn chặn việc mua bán cồng chiêng Mường cổ ở các bản Mường. Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, già làng, trưởng bản khảo sát, kiểm kê lại số huyện có cồng chiêng và số nghệ nhân biết sử dụng cồng chiêng; có chính sách cụ thể để giúp đỡ các gia đình nghệ nhân có điều kiện thuận lợi để truyền dạy lại cho thế hệ sau.
Ông Kiều Trung Sơn, Viện Nghiên cứu Văn hóa, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng: “Chúng ta đã làm nhiều việc từ thống kê, sưu tầm các bài cồng chiêng nhưng lại xem nhẹ những nghệ nhân cồng chiêng. Cần phải quan tâm đến đối tượng này. Nhiều nghệ nhân đã có nhiều cuộc trình diễn trong lễ hội sau đó không ai quan tâm đến họ nữa. Sau những lễ hội đó, bỏ quên người ta, không có chế độ gì cho họ cả”./.