Bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc

Không chỉ riêng trang phục của những dân tộc ít người mới cần bảo tồn mà ngay cả dân tộc Kinh cũng cần được giữ gìn.

Lần đầu tiên, trang phục truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam sẽ được Uỷ ban Dân tộc Chính phủ giới thiệu và trình diễn tại Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam trong 3 ngày từ 25-28/11/2001. Lễ hội nhằm mục đích tôn vinh và bảo tồn giá trị văn hoá của các trang phục truyền thống này trong đời sống.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Chính phủ về ý nghĩa của việc trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam năm 2011.

PV: Thưa ông, trang phục của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, phải đến tận bây giờ, những bộ trang phục này mới được giới thiệu tới đông đảo người dân một cách đầy đủ và hệ thống. Xin ông cho biết ý nghĩa của việc tổ chức trình diễn lần này? 

Trang phục dân tộc

Ông Hoàng Xuân Lương: Chúng tôi tổ chức cuộc trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ I này có 2 mục đích. Thứ nhất, chương trình nhằm tôn vinh vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam thông qua bộ trang phục truyền thống để khơi dậy vẻ đẹp đó trong đời sống hằng ngày của các dân tộc Việt Nam. Qua đó, tìm cách bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các dân tộc.

Thứ hai là thông qua đợt trình diễn này, Uỷ ban dân tộc Chính phủ sẽ phối hợp với Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch, đặc biệt là các nhà khoa học liên quan đến hoạt động của đồng bào dân tộc để tư vấn cho nhà nước có giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị từ bộ trang phục của các đồng bào dân tộc.

PV: Những bộ trang phục dân tộc được trình diễn sẽ được tuyển chọn như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Xuân Lương: Chúng tôi có văn bản gửi về 63 tỉnh, thành cả nước đề nghị và hướng dẫn cơ sở thành lập một hội đồng thẩm định gồm các nhà nghiên cứu văn hoá, các nhà quản lý để thẩm định các bộ trang phục. Các bộ trang phục được chọn phải được căn cứ vào nguồn gốc, hoạ tiết, kiểu dáng, đặc thù của từng dân tộc. Đặc biệt, bộ trang phục đó phải được đông đảo người dân trong cộng đồng dân tộc đó chấp nhận là trang phục của họ.

PV: Một số dân tộc thiểu số của Việt Nam hiện nay không còn giữ được trang phục truyền thống. Vậy những dân tộc này có được tham dự trình diễn trang phục lần này không, thưa ông?

Ông Hoàng Xuân Lương: Đúng là trong 54 dân tộc anh em chúng ta có khoảng 6-7 dân tộc không còn giữ được những trang phục truyền thống của mình như dân tộc Ơ đu, Chứt, Striêng. Chúng tôi đã đề nghị các địa phương đi đến tận các nơi dân tộc đó sinh sống, khảo sát lại xem trang phục gốc của tộc đó như thế nào, chụp ảnh lại, sau đó sử dụng kinh phí địa phương để khôi phục lại bộ trang phục đó theo hoạ tiết, kiểu dáng đó. Ví dụ, dân tộc Ơ đu Nghệ An không còn giữ được trang phục của mình.

Qua nghiên cứu, chúng tôi biết, người Ơ-đu chỉ ở huyện Tương Dương, Nghệ An, trước kia di cư từ Lào sang. Chúng tôi đã cử chuyên gia sang Lào để nghiên cứu và tìm trang phục. Sau đó về chúng tôi may lại, khôi phục lại họa tiết hoa văn và coi đó là bộ gốc của đồng bào.

PV: Trang phục của nhiều đồng bào dân tộc hiện nay không còn giữ được chất liệu vải truyền thống nữa. Việc tuyển chọn để trình diễn lần này có xem xét đến vấn đề này không, thưa ông?

Ông Hoàng Xuân Lương: Chúng tôi chọn dựa theo tiêu chí là hoạ tiết, hoa văn, kiểu dáng mang đặc trưng của dân tộc và được dân tộc đó chấp nhận. Còn chất liệu theo thời gian phải thay đổi. Chúng ta cũng phải chấp nhận. Ví dụ như ngày xưa, chất liệu để may trang phục của một dân tộc là vỏ cây. Bây giờ họ không còn dùng vỏ cây để may quần áo nữa, vì vậy, chúng ta không thể bắt họ phải mặc lại.

PV: Việc trình diễn trang phục dân tộc sẽ do được chính những người dân tộc trình diễn chứ, thưa ông?

Ông Hoàng Xuân Lương: Đúng vậy, người dân tộc nào sẽ trình diễn trang phục của dân tộc đó. Không có chuyện sân khấu hoá hay dân tộc “giả cầy”. Chúng tôi quy định các địa phương chọn con em dân tộc mình tham dự với tiêu chí nam, nữ tuổi đời từ 18-40. Nam cao 1,6m trở lên. Nữ cao 1,55m trở lên để tham dự trình diễn. Ngoài ra, chúng tôi cũng không chấm điểm cho các động tác diễn trên sân khấu vì các em đều là những người dân tộc, chưa được luyện tập nhiều nên không thể đòi hỏi chuyên nghiệp được. Chúng tôi chỉ chấm điểm xem trang phục đó có đúng nguyên gốc không để có kế hoạch bảo tồn trong tương lai.

PV: Dân tộc Kinh chiếm đa số trong cộng đồng 54 dân tộc anh em sẽ trình diễn trang phục gì trong lần này, thưa ông?

Ông Hoàng Xuân Lương: Dân tộc Kinh tuỳ theo từng vùng có những trang phục khác nhau nhưng chủ yếu là áo bà ba, trang phục áo dài, khăn xếp, áo mớ ba mớ bảy sẽ được kiểm kê lại toàn bộ. Không chỉ riêng trang phục của những dân tộc ít người mới cần bảo tồn mà ngay cả dân tộc Kinh cũng cần phải bảo tồn trang phục truyền thống. Tôi thấy rằng chính người dân tộc thiểu số, họ bảo tồn trang phục của dân tộc họ tốt hơn người Kinh.

PV: Uỷ ban Dân tộc Chính Phủ có kế hoạch gì để bảo tồn trang phục của các dân tộc sau buổi trình diễn này, thưa ông?

Ông Hoàng Xuân Lương: Trước tiên, chúng tôi dự định sẽ dùng nguồn kinh phí của Ủy ban Dân tộc Chính phủ mua lại 54 bộ trang phục của 54 dân tộc, coi đó là trang phục gốc của 54  dân tộc. Sau đó, sẽ đưa vào bảo tàng dân tộc học để phục vụ tham quan và nghiên cứu. Qua đợt trình diễn lần này, chúng tôi sẽ có những đánh giá, xem trang phục dân tộc nào cần khôi phục, trang phục nào đang mai một và làm thế nào để người dân tộc tự hào khi mặc trang phục của mình… Sau đó, sẽ trình lên Chính phủ, đề nghị hướng bảo tồn và phát huy.

PV: Việc trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc liệu có được tổ chức thường niên nhằm mục đích tôn vinh giá trị truyền thống không, thưa ông?

Ông Hoàng Xuân Lương: Thường niên thì hơi khó, nhưng 2 năm một lần là được.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên