Bảo tồn và phát huy giá trị Bình Than

(VOV) -Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 730 năm diễn ra Hội nghị Bình Than lịch sử (1282 – 2012).

Ngày 11/11 tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc (Bắc Ninh) đã diễn ra “Hội thảo khoa học về vấn đề Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Văn hóa Bình Than – Nguyệt Bàn thuộc xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh". Hội thảo được tổ chức với sự phối hợp Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, Viện Sử học, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch).

Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Phó Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Nhân Chiến- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh chủ trì hội thảo cùng lãnh đạo Viện Sử học, Viện Khoa học Lịch sử, Cục Di sản văn hóa Việt Nam, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa Việt Nam.

Hội thảo đã thu hút hơn 30 báo cáo khoa học tập trung vào hai chủ đề chính: “Bình Than và cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông” và “Di tích Bình Than – bãi Nguyệt Bàn và công tác bảo tồn, phát huy giá trị”.

9 bản tham luận đã được trình bày tại hội thảo.

Theo PGS- TS Nguyễn Văn Nhật- Viện trưởng Viện Sử học, qua hội thảo này, các đại biểu đã thống nhất một số vấn đề mang tính chuyên môn, đồng thời đề nghị một số giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Bình Than – Nguyệt Bàn trong thời gian tới.

“Giá trị của hội nghị Bình Than đã được các nhà sử học từ trước đến nay khẳng định. Hội thảo hôm nay một lần nữa khẳng định lại ý nghĩa của di tích lịch sử Bình Than – Nguyệt Bàn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Đặc biệt, hội nghị hôm nay đi sâu phân tích về địa điểm diễn ra hội nghị Bình Than lịch sử qua đó, các đại biểu kiến nghị UBND huyện Gia Bình nên xây tượng đài hoặc tượng đài tưởng niệm hội nghị Bình Than để đưa ra các quyết sách đi đến cuộc chiến đấu chống quân Nguyên- Mông lần thứ hai đại thắng” – PGS –TS Nguyễn Văn Nhật nói.

Hội nghị Bình Than là một hội nghị quân sự do vua Trần Nhân Tông triệu tập vào năm 1282 để bàn phương hướng kháng chiến khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ 2. Đây là hội nghị của những người nắm giữ trọng trách lãnh đạo sự nghiệp giữ nước và chỉ bàn hai vấn đề thiết yếu nhất: đó là xác định phương hướng chiến lược chống xâm lăng và tổ chức bộ máy chỉ huy chống xâm lăng.

Ở hội nghị Bình Than, Vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã quyết định trao quyền Tổng chỉ huy quân đội cho Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn; Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư làm Phó đô tướng quân. 

Chính tại hội nghị này, Trần Quốc Toản vì quá trẻ tuổi nên không được dự đã bóp nát quả cam đang cầm trong tay rồi về tập trung hơn một nghìn gia nô và thân thuộc tham gia kháng chiến. (Nguồn: Wikipedia)
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên