Bảo tồn văn hóa và tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập

Ở thế hệ Việt kiều thứ 2, 3, văn hóa và tiếng Việt đang dần bị mai một.

Trong 2 ngày 14 và 15/9 tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn tiếng Việt”, với sự tham gia của các đại biểu Bộ Ngoại giao; Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; cùng đông đảo Việt kiều từ các nước Ba Lan, Đức, Lào, Pháp, Mỹ, CH Czech và Nga.

Các đại biểu cho rằng, hiện nay bạn bè quốc tế đến Việt Nam ngày một đông và chúng ta cũng đi ra bên ngoài ngày càng nhiều. Quốc tế hiểu như thế nào về Việt Nam phần lớn phụ thuộc vào việc quảng bá của chính chúng ta.

Đảng và Nhà nước đã có những chiến lược, chính sách và hành động cụ thể để đưa những sản phẩm độc đáo của Việt Nam ra giới thiệu với bạn bè quốc tế. Cho đến nay, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) đã công nhận 7 di sản của Việt Nam là di sản vật thể thế giới, 5 di sản phi vật thể của nhân loại, 2 di sản tư liệu thế giới và 1 công viên địa chất.

Hội thảo nhấn mạnh vai trò của cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam và tiếng Việt. Với khoảng 4,5 triệu người Việt phân bố khắp các châu lục, cộng đồng người Việt trên thế giới rất đoàn kết và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Thông qua hình ảnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hình ảnh đất nước, văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam được giới thiệu, quảng bá đến bạn bè quốc tế một cách hiệu quả.

 Các đại biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh: “Bảo tồn, phát triển, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là điều hết sức quan trọng. Hội nhập kinh tế, giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ tác động nhiều mặt đến đất nước, trong đó có bản sắc văn hóa. Nhiệm vụ đặt ra là phát triển đất nước nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa tốt đẹp của cha ông”.

Tuy nhiên, theo nhà văn hóa Hữu Ngọc, ngày nay xuất hiện thế hệ Việt kiều thứ 2, thứ 3, những người được sinh ra ở nước sở tại, vì thế bản sắc dân tộc và tiếng Việt của họ đang bị mai một. Ông đề xuất ở mỗi nước có cộng đồng người Việt sinh sống nên xây dựng một “Nhà văn hóa Việt Nam” – đây chính là nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Việt cũng như giáo dục các thế hệ Việt kiều sau này. Ông Ngọc cũng cho rằng, việc truyên truyền văn hóa Việt hướng vào đối tượng Việt kiều vừa là công dân bản địa, vừa mang quốc tịch Việt Nam là rất quan trọng, bởi đây chính là lực lượng chưa có thái độ “đóng cửa” trở thành “người bản địa 100%”.

Các đại biểu cũng đặt vấn đề cần làm rõ khái niệm đâu là “bản sắc dân tộc” cần được giữ gìn, trong khi lối sống hiện đại, đô thị hóa… đang tác động mạnh mẽ tới cuộc sống của người Việt Nam. Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhấn mạnh: “Điều đáng lo ngại là là sự suy đồi về văn hóa ở một bộ phận người dân. Suy đồi văn hóa là một trong những con đường làm suy yếu dân tộc một cách nhanh chóng”.

Theo ông Phan Cẩm Thượng, ở đâu còn tồn tại sự lạc hậu thì bản sắc chưa bị phai nhạt. Do đó, trong quá trình hội nhập cần coi trọng gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc, bên cạnh sự du nhập văn hóa quốc tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên