Bia đá Văn Miếu- Quốc Tử Giám đón Bằng công nhận là Di sản tư liệu thế giới

Danh hiệu mà UNESCO trao tặng cho 82 Bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám một lần nữa khẳng định bề dày lịch sử và văn hoá của thành phố Hà Nội.

Sáng 7/4,  Thành phố tại Hà Nội và Ủy ban UNESCO Việt Nam tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận 82 Bia đá các khoa thi tiến sỹ triều Lê, Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu Thế giới.

Hồ sơ Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê, Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới giữa tháng 3/2010 tại Macao Trung Quốc, trong phiên họp toàn thể thường niên Ủy ban Ký ức Thế giới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của UNESCO.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long nhấn mạnh: “Việc 82 bia đá Tiến sĩ ở Văn Miếu được vinh danh là di sản tư liệu thế giới là món quà tặng đầy ý nghĩa đối với Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, nhất là khi Thủ đô thân yêu của chúng ta đang chuẩn bị Đại lễ chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Các bia tiến sỹ này được UNESCO công nhận là di sản của thế giới, đây là sự tôn vinh, sự đánh giá đối với nền văn hoá dân tộc của chúng ta. Chúng ta vô cùng tự hào và vinh dự về sự kiện này”.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhận Bằng công nhận là Di sản tư liệu thế giới cho Bia đá Văn Miếu- Quốc Tử Giám (Ảnh: Mỹ Trà)

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng hoan nghênh các cơ quan chuyên môn của Hà Nội, các nhà nghiên cứu văn hóa- lịch sử, Uỷ ban UNESCO của Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc đề cử hồ sơ này thành công tốt đẹp; cảm ơn Ủy ban UNESSCO thế giới đã dành cho Việt Nam tình cảm tốt đẹp, sự tôn vinh cần thiết đối với nền văn hóa của dân tộc Việt Nam và bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị đại sứ của các nước ở Việt Nam, các nhà ngoại giao đã có tiếng nói quan trọng để ủng hộ cho các sự kiện văn hóa của Việt Nam, trong đó có việc vinh danh 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và các đơn vị, địa phương có liên quan tiếp tục đề cử, tuyên truyền, vận động để UNESCO công nhận các di sản khác của Hà Nội, đặc biệt là công nhận Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hoá Thế giới.

Văn Miếu- Quốc Tử Giám, khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng nằm giữa Thủ đô Hà Nội, là biểu tượng muôn đời của văn hiến và trí tuệ Việt. Với bề dày gần 1.000 năm, nơi đây đã đào tạo nên hàng ngàn các bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước. Với vai trò là một trung tâm giáo dục lớn nhất của nước ta thời xưa.

Trước đó, bà Ngô Thị Thanh Hằng- Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: Những tấm bia tiến sĩ tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám được vinh danh không chỉ là việc công nhận một di sản quí của cha ông để lại cho Hà Nội, mà đó còn là một phần trong bức tranh đẹp của Thủ đô có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến. Sự kiện này cũng chính là bước khởi đầu tốt đẹp cho chuỗi sự kiện văn hóa, xã hội trong năm đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, góp phần quảng bá để bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về truyền thống hiếu học, tôn trọng hiền tài của người Việt Nam.

Danh hiệu Di sản Tư liệu Thế giới mà UNESCO trao tặng cho 82 Bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám một lần nữa khẳng định bề dày lịch sử và văn hoá của thành phố Hà Nội. Katherin Muller-Marin- Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội đã nhấn mạnh điều này tại lễ đón nhận danh hiệu và chúc mừng UBND TP Hà Nội và UB Quốc gia UNESCO VN đã hết sức nỗ lực xây dựng bộ hồ sơ đề cử với chất lượng cao nhất.  Danh hiệu này đã khẳng định đánh giá cao của các chuyên gia thế giới về ý nghĩa lịch sử và biểu trưng của  82 bia Tiến sĩ đang được lưu giữ tại Văn Miếu- nơi trở thành một phần bản sắc văn hóa của mỗi người Việt.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Mỹ Trà)

Bà Katherin Muller bày tỏ niềm vui khi thấy thế hệ trẻ ngày nay vẫn đang trân trọng và lưu giữ ký ức và di sản văn hóa của các thế hệ đi trước. Chính các bạn học sinh sinh viên sẽ là lực lượng nòng cốt gánh vác các giá trị và các biểu trưng của di sản và bảo vệ các ký ức văn hóa- xã hội của Hà Nội. Vì thế, chúng ta cần khuyến khích sự tham gia tích cực của thế hệ trẻ trong việc tìm ra giải pháp hài hòa giữa việc bảo vệ di sản và nhu cầu phát triển, để Hà Nội tiếp tục vững bước trên chặng đường trở thành một đô thị quốc tế hiện đại và phồn vinh, nhưng vẫn trân trọng và lưu giữ những giá trị ký ức và quí báu của thành phố./.                                                                                   

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên