Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám- di sản văn hóa vô giá

Nếu những tấm bia Tiến sĩ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám trở thành tư liệu "Ký ức Thế giới" thì đây sẽ là một sự  kiện có ý nghĩa trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội đang đến gần.

Sáng 8//8, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học để lấy ý kiến đóng góp cho việc xây dựng hồ sơ bia đá các khoa tiến sĩ tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám vào danh sách đề cử tham gia chương trình "Ký ức Thế giới", khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

Tham gia hội thảo có Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu; Giáo sư Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Sơn- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao- Chủ tịch Uỷ ban UNESCO Việt Nam;  bà M.Jensen- Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; cùng 50 nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử, quản lý văn hoá...

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh: "Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu di tích lịch sử - văn hoá đặc biệt quan trọng, nằm giữa Thủ đô, là biểu tượng muôn đời của văn hiến và trí tuệ Việt. Với bề dày 1.000 năm, nơi đây đã đào tạo nên hàng ngàn các bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước. Với vai trò là một trung tâm giáo dục lớn nhất của giáo dục nước ta thời xưa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đồng thời cũng là nơi hun đúc nên bao truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, truyền thống trọng hiện tài của dân tộc. Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày nay là điểm tham quan du lịch hấp dẫn, mỗi năm đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến thăm, là một trong những trung tâm hoạt động văn hoá khoa học lớn của Thủ đô".

Các đại biểu đã nhấn mạnh: 82 tấm bia tiến sĩ hiện đặt trong Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ lâu đã được coi là một trong những di sản văn hoá vô cùng giá trị của ông cha ta để lại. Những tấm bia này, trải dài trong suốt thời kỳ lịch sử 300 năm (từ năm 1442 đến 1780) có nhiều giá trị về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật... Những tư tưởng triết học, sử học, những quan điểm về giáo dục, về đào tạo và sử dụng nhân tài được thể hiện trong những bài văn bia đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt câu "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp" được coi như một tư tưởng lớn về việc sử dụng nhân tài của đất nước.

Trong số 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đặc biệt chú ý đến hai bia Tiến sĩ đầu tiên của Văn Miếu do Thân Nhân Trung biên soạn các năm 1484 và 1487. Hai bài văn bia này ngắn gọn, đã để lại cho đời sau những ý kiến vô cùng sâu sắc về vai trò của một người trí thứ, về chính sách đối với danh nhân, nhắc nhở đời sau một chân lý lịch sử: "Kẻ sĩ có mối quan hệ thật là quan trọng đối với sự phát triển của đất nước" (Bia 1487). Hai tấm bia nói trên vẫn tồn tại ở Văn Miếu trên 500 năm nay, thường xuyên nhắc nhở các triều đại về chính sách đối với các hiền tài, những danh nhân văn hoá trong lịch sử và nhận định về sự thịnh suy của đất nước gắn liền với sự thịnh suy của hiền tài.

Giáo sư Vũ Khiêu nhấn mạnh: "Trong tình hình hiện nay, 82 bia đá càng được toàn dân trân trọng và tôn vinh. Đất nước ta đáng tiến mạnh trong hoàn cảnh mới của dân tộc và thời đại. Giáo dục đang trở thành quốc sách hàng đầu. Văn hoá, khoa học và đội ngũ trí thức đang giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cung của đất nước. Những bài văn bia tại Văn Miếu sẽ mãi mãi là bài học quí giá và nguồn cổ vũ lớn cho chúng ta hôm nay".

Các nhà khoa học đã góp ý để bộ hồ sơ Văn Miếu - Quốc Tử Giám nêu bật và làm rõ những tiêu chí theo yêu cầu của UNESCO, đặc biệt nhấn mạnh về giá trị tư liệu, tính quốc tế và tính con người của di sản. Với kinh nghiệm vừa xây dựng hồ sơ "Mộc bản Triều Nguyễn", bà Đỗ Thị Minh Hương- Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước đề nghị chỉnh sửa một số đề mục, đưa nhiều ảnh chất lượng cao cho phù hợp.

Tiến sĩ Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam cho rằng: bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đáp ứng đủ 5 tiêu chí của UNESCO, nhưng trong hồ sơ, chúng ta cần làm rõ những tiêu chí nổi bật nhất như: tính giao lưu quốc tế văn hoá; tính tư liệu về giáo dục, nghiên cứu lịch sử, nghệ thuật, văn hoá; tư liệu về hình thức tôn vinh danh nhân độc đáo... PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh - Viện trưởng Viện Hán Nôm cho rằng hồ sơ nên nhấn mạnh về lịch sử ra đời và phát triển của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về sự ra đời của hệ thống bia Văn Miều Quốc Tử Giám. Theo ông Trịnh Khắc Mạnh, về lâu dài, chúng ta nên lập Bảo tàng về lịch sử Khoa cử Việt Nam.

Các ý kiến của các đại biểu tham gia hội thảo sẽ được Trung tâm Văn hoá - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiếp thu để hoàn chỉnh hồ sơ. Dự kiến Hồ sơ những tấm bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ được gửi đến UNESCO xem xét vào tháng 3/2010./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên