Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: “Sẽ cấm lễ hội phản văn hóa”
Theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có địa phương coi lễ hội như ngành kinh tế mũi nhọn nên không dễ thuyết phục để quy hoạch lại.
Dù vậy, Bộ khẳng định quyết tâm loại bỏ những lễ hội không có tính giáo dục, làm ảnh hưởng hình ảnh quốc gia.
PV: Mùa lễ hội đầu xuân đã để lại dư âm không tốt về nạn bạo lực, chen lấn, trộm cắp… Kiểm tra các lễ hội năm nay, Bộ trưởng đánh giá như thế nào?
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: So với năm trước, những tệ nạn trong lễ hội năm nay đã được chấn chỉnh một cách nghiêm túc, tình trạng rải tiền đã giảm hẳn. Tuy nhiên, chúng ta không thể tuyệt đối hóa mọi việc. Biến tướng của lễ hội năm nay sang năm mới có thể chấn chỉnh nhưng tôi nghĩ sẽ lại có biến tướng khác.
Người dân đến chốn linh thiêng nơi đình chùa, lễ hội để gửi gắm niềm tin với những mong cầu. Biến tướng xảy ra làm phần thiêng giảm đi, phần lợi, thậm chí là trục lợi từ lễ hội tăng lên. Từ đó, họ không nghĩ tới việc giữ gìn chuẩn mực văn hóa, dẫn đến tình trạng trộm cướp, giẫm đạp…Nếu không sớm chấn chỉnh, không chỉ có phần lễ mất đi tính thiêng, mất đi giá trị mà phần hội sẽ trở thành nhốn nháo, người tham gia lễ hội bị vẩn đục.
PV: Bộ có những hành động cụ thể nào để chấn chỉnh tình trạng tiêu cực trong các lễ hội?
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã triển khai việc rà soát lễ hội ở các tỉnh thành thời gian qua. Sau khi có tổng kết, đánh giá, Bộ sẽ tham mưu lên Chính phủ, lễ hội nào phản văn hóa, không có tác dụng giáo dục, làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia thì đề xuất cấm, lễ hội nào có công đoạn phải loại bỏ thì bỏ, những nghi lễ nào cần khu biệt thì khu biệt.
Quan điểm của Bộ là truyền thống tốt đẹp chúng ta giữ, những hành vi phi văn hóa đi ngược với nếp sống văn minh thì nên loại bỏ. Tôi không nhất trí quan điểm cho rằng việc điều chỉnh lễ hội truyền thống là áp đặt tư duy, văn hóa phương Tây. Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, không phải cái gì truyền thống cũng phù hợp cuộc sống hiện tại.
Việc này sẽ có lộ trình thận trọng, lấy ý kiến rộng rãi từ chuyên gia, nhà quản lý, người dân và báo chí. Bộ đã có công văn gửi các tỉnh thành để chấn chỉnh việc tổ chức hoạt động lễ hội, yêu cầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra hành động phản cảm.
Bộ cũng được giao thực hiện Đề án quy hoạch lễ hội. Qua căn cứ và nghiên cứu thực tế, chúng tôi sẽ tham mưu lên Chính phủ để giảm tần suất, quy mô lễ hội, nhưng giá trị tinh thần, hàm lượng văn hóa sẽ tăng lên.
PV: Một số chuyên gia cho rằng, gần 8.000 lễ hội vẫn chưa đủ so với số lượng các hội thôn /làng… xưa kia và cần tiếp tục phục dựng để đáp ứng nhu cầu văn hóa thiết thực của người dân. Quan điểm của Bộ trưởng thế nào?
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Chúng ta đã trải qua thời chiến tranh, rồi trải qua thời bao cấp nghèo khổ, đến nay khi đời sống đã ấm no thì nhu cầu về tinh thần trỗi dậy, đó là nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhưng rất cần thiết phải có chuẩn mực trong đó, hạn chế tính thương mại hóa. Một khi đã thương mại hóa lễ hội thì người ta sẽ bất chấp hành vi, chỉ quan trọng hiệu quả về kinh tế.
PV: Thực tế, không ít lễ hội đang mang lại nguồn thu lớn cho một số địa phương. Vậy tính khả thi của việc giảm quy mô, tần suất tổ chức lễ hội sẽ ra sao, thưa ông?
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Đây chính là một nguyên nhân khiến việc quy hoạch lễ hội gặp khó khăn. Một số yêu cầu Bộ đưa xuống địa phương đã được thực hiện không nghiêm do lợi ích của nơi tổ chức lễ hội. Ví dụ việc quản lý hòm công đức, sau bao nhiêu năm cuối cùng cũng ra được văn bản, quá trình soạn thảo đã gặp phản ứng từ một số nhóm lợi ích, người ta thấy quyền lợi của mình bị đụng chạm, lễ hội cũng vậy.
Có người nói thẳng, có địa phương tổ chức lễ hội như một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, vì thế không dễ gì người ta bỏ đi nguồn lợi của mình. Dẫu vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải có giải pháp cụ thể; phải yêu cầu địa phương đảm bảo được những tiêu chí mà lễ hội đặt ra, đồng thời xử phạt, từ phạt hành chính đến phạt kinh tế, thậm chí cách chức ban tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương nếu để xảy ra sự cố.
Có trong tay công cụ quản lý mà không thực hiện thì năng lực của anh yếu hoặc là anh có sự tiếp tay. Chính quyền địa phương phải có chế tài rất cụ thể chứ đừng để khi làm xong lại xin lỗi suông. Quy hoạch lễ hội sẽ có những cản trở nhất định, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không làm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu, kiến nghị với Chính phủ để có chính sách quản lý tốt hơn./.