Bom tấn 3D “John Carter” - thế giới cổ đại trên sao Hỏa

Để có được những cảnh quay đẹp giống như thật trong bộ phim "John Carter" từ đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên... đã phải nỗ lực làm việc trong nhiều năm trời.

Có rất hiếm những địa danh trên thế giới lại đẹp, lạ kỳ và có địa hình đặc biệt như vùng Nam của bang Utah, nước Mỹ. Đất phù sa bị bào mòn bởi nước của hồ Bonneville cổ đại cách đây 25,000 năm, những vách đá màu cát nhô lên và những tảng đá hình vòng cung vĩ đại cùng tồn tại dưới một bầu trời rộng lớn bao la.

Những loại cây chỉ có ở sa mạc như cây ngọc giá và cây thùa điểm xuyết thêm cho phong cảnh hùng vĩ nơi đây. Bên cạnh vẻ đẹp và sự độc đáo của thiên nhiên, còn có những nét tinh tế và vô hình khác ở vùng đất sa mạc này: mùi hương nhè nhẹ của đất muối, mùi đặc trưng của đất nhiễm mặn, vị ngọt của phấn hoa trong những cơn gió và mùi hăng của cây ngải đắng.

 Đất phù sa bị bào mòn bởi nước của hồ Bonneville cổ đại cách đây 25,000 năm, những vách đá màu cát nhô lên là điều đã khiến  đạo diễn/nhà biên kịch từng đoạt giải Oscar Andrew Stanton chọn  bang Utah, nước Mỹ làm bổi cảnh phim

Tất cả những yếu tố trên chính là lý do khiến đạo diễn/nhà biên kịch từng đoạt giải Oscar Andrew Stanton (các phim “Đi tìm Nemo”, “Wall-E”) lại chọn Utah làm trường quay cho phần ngoại cảnh trong bộ phim có diễn viên thật đóng đầu tiên của ông, đó là chính là bom tấn phiêu lưu hành động “John Carter”. Bởi phần lớn bộ phim diễn ra trên sao Hỏa, Stanton hiểu rằng Utah sẽ mang tới cho ông những hình ảnh hoàn hảo để tái tạo lại hành tinh này theo một cách mà chưa từng ai nghĩ tới.

Nhà sản xuất Jim Morris cũng đồng ý về việc câu chuyện phim và quang cảnh ở Utah là một sự kết hợp hoàn hảo trong “John Carter”.

“Thời điểm diễn ra bộ phim là sau cuộc nội chiến, khoảng năm 1875, nên công nghệ khoa học trên sao Hỏa sẽ khá tương đồng với Trái đất. Các bộ tộc trên sao Hỏa chiến đấu với nhau bằng kiếm và súng hỏa mai, nhưng có một điểm mà họ tiên tiến hơn chúng ta đó là họ đã phát triển các phương tiện giao thông rất mạnh. Thay vì dùng tàu thủy và động cơ hơi nước, họ đã tìm ra cách để tận dụng các tia ánh sáng. Họ có những con thuyền có thể kết nổi và điều khiển bằng ánh sáng. Bộ phim này vì thế như nói về một nơi vào một thời đại mà con người chưa từng biết tới” - Jim Morris chia sẻ.

Các thành phố trong phim phải có vẻ ngoài thật xa xưa

Nhà thiết kế sản phẩm Nathan Crowley (“Batman Begins”) chia sẻ về tính nghệ thuật và mục tiêu trong các thiết kế của phim: “Bộ phim diễn ra trên sao Hỏa, một hành tinh đang chết dần chết mòn, vì thế ngay từ đầu chúng tôi đã quyết định rằng các thành phố trong phim phải có vẻ ngoài thật xa xưa. Nền văn minh ở đây đang đi dần tới ngày tận thế. Ví dụ như người Thark, họ đến từ một nền văn minh đã 2000 hoặc 3000 tuổi rồi. Các tòa nhà và đền thờ của họ cần phải thể hiện được dấu ấn của thời gian. Giống như chúng ta đi tìm những tàn tích của người Ai Cập cổ đại vậy”.

Chuyên gia hiệu ứng hình ảnh Peter Chiang cũng rất hào hứng với quá trình làm phim. Để khiến cho những người Thark trông giống thật, Chiang cùng đồng nghiệp đã sử dụng những diễn viên thật, bao gồm: Willem Dafoe, Thomas Haden Church, Samanth Morton và Polly Walker đi trên cà kheo, mặc những bộ đồ áo liền quần màu ghi dính đầy những cảm biến màu đen và những chiến mũ có gắn camera luôn ghi lại khuôn mặt của họ.

Đoàn làm phim sử dụng công nghệ bắt khuôn mặt và công nghệ giám sát 3D thông qua những chiếc camera này, sau đó, trong giai đoạn hậu kỳ, với công nghệ số thì những diễn viên này sẽ được biến thành những sinh vật cao 3 m, da màu xanh và có những chiếc ngà như trong phim.

Những nhân vật được tạo ra từ công nghệ bắt khuôn mặt và công nghệ giám sát 3D

Quá trình này cũng từng được áp dụng trong “Avatar” hay “Cuộc nổi dậy của loài khỉ”. Nó tạo ra một thế giới với những hình ảnh vô cùng mượt mà khiến cho khán giả như quên đi là mình đang xem những kỹ xảo hình ảnh.

Willem Dafoe chia sẻ: “Chúng tôi đã được hướng dẫn một chút trước khi tiến hành quay. Chúng tôi đã học ngôn ngữ của người Tharks và luyện tập sử dụng cà kheo. Việc đó giúp ích rất nhiều cho quá trình xây dựng các cảnh quay mà Andrew cần và cho cả những chuyển động của nhân vật. Nó giúp tôi chọn được thời điểm để “cử động” một cách chính xác”.

Trang phục cũng đóng một vai trò quan trọng trong “John Carter”. Nhà thiết kế trang phục Mayes Rubeo, người đã từng tham gia phim “Avatar” và “Apocalypto”, là một lựa chọn hiển nhiên của đạo diễn Stanton khi nói tới những bộ quần áo của các bộ tộc trên sao Hỏa.

Rube nói: “Chúng tôi bắt đầu thiết kế các trang phục từ con số không bởi chúng tôi nhận ra rằng mặc dù có những bộ tộc trên sao Hỏa, nhưng quần áo của họ phải phản ánh được tính chất cổ đại của nền văn mình của họ. “John Carter” không tạo ra cảm giác hướng về tương lai. Khán giả sẽ được xem một thế giới cổ đại trên sao Hỏa và đó chính là điều mà chúng tôi muốn tạo ra khi kết hợp rất nhiều yếu tố từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi đã tìm kiếm từ Trung Quốc, Mexico đến các quốc gia ở châu Phi, các nền văn minh cổ đại ở Italy như Piceni, Mesoptamia…”.

Taylor Kitsch, người vào vai John CarterTaylor Kitsch, người vào vai John Carter cùng những con người "kỳ lạ" màu xanh

Đối với Taylor Kitsch, người vào vai John Carter, một chiến binh dày dạn từ cuộc nội chiến bị đưa lên sao Hỏa một cách bí hiểm, thì sự khó khăn và cả niềm vui trong quá trình quay phim tại Utah là như nhau.

“Tôi thích nơi này. Có lẽ chỉ bởi vì tôi được ra ngoại cảnh sau một khoảng thời gian khá dài quay trên sân khấu tại London. Đây là lần đầu tiên, tôi thật sự có cảm giác rằng chúng tôi đang thực hiện một bộ phim phiêu lưu đậm chất sử thi. Tôi nghĩ rằng khán giả sẽ rất thích bộ phim này” - Jim Morris cho biết.

Khi được hỏi điều gì khiến anh đến với dự án phim này, Kitsch không hề do dự khi trả lời. “Được làm việc với đạo diễn Andrew Stanton là lý do đầu tiên. Tôi sẵn sàng tham gia bất cứ dự án nào của ông ấy. Kịch bản thật tuyệt và tôi được đóng vai chính trong đó, là một diễn viên tôi rất hào hứng trước thử thách đó. Các cú nhảy, các pha hành động và khóa huấn luyện sử dụng kiếm đều rất nặng nhọc. Hầu hết các cảnh tại sao Hỏa đều được quay khi tôi đang được treo trên hệ thống dây cáp. Chỉ riêng phần đó thôi cũng đủ mệt lắm rồi”.

“Làm việc liên tục trong 102 ngày quả thực rất thú vị” - Kitsch cười và nói. “Có thể nói tôi đã học được cách bảo toàn năng lượng cho mình. Một khi John tới sao Hỏa, mọi lúc đều là tính huống sinh tử. Tôi phải thể hiện được sự nguy hiểm, cấp bách đó một cách tốt nhất có thể”.

Peter Chiang tổng kết lại tất cả các yếu tố cần đến trong quá trình sáng tạo và biến thế giới kỳ diệu trong “John Carter” thành hiện thực: “Phủ lên một lớp áo choàng của điện ảnh cho cuốn tiểu thuyết của nhà văn Burroughs là một trong những công việc tuyệt vời nhất của đoàn làm phim”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên