Cây di sản: sau khi vinh danh, ai bảo vệ?
(VOV) - 9 cây muỗm ở đền Voi Phục vẫn đang bị sâu ăn rỗng từng ngày và các bên liên quan vẫn loay hoay tìm kinh phí chữa trị và bảo vệ.
Chỉ sau khi báo chí lên tiếng về một trong 9 cây muỗm ở đền Voi Phục (Hà Nội) bị sâu bệnh ăn rỗng bên trong, người ta mới giật mình. Đền Voi Phục thuộc địa bàn quận Tây Hồ, là nơi có nhiều cây Di sản nhất và cũng là nơi được đánh giá có phong trào bảo vệ cây Di sản tốt nhất. Cây bị sâu bệnh là chuyện xưa nay không hiếm, thế nhưng, để đến mức bị ăn rỗng mà chính quyền không biết và không xử lý thì lúc ấy mới ngỡ ngàng: chúng ta đã bảo vệ di sản như thế nào?
1 trong 9 cây muỗm bị sâu ăn rỗng ở Đền Voi Phục (ảnh: ANTĐ) |
Ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng ban quản lý đền Voi Phục cho biết: “Sau khi phát hiện ra cây bị bệnh, chúng tôi đã báo cáo lên Viện Lâm nghiệp và có 2 chuyên gia của Australia về xem xét. Thế nhưng, từ đó đến nay đã gần 2 tháng mà vẫn chưa có biện pháp giải quyết gì. Viện Lâm nghiệp cũng đặt vấn đề với chúng tôi lên dự án bảo vệ 9 cây với giá gần 70 triệu. Số tiền đó quá lớn, chúng tôi không đảm đương được cho nên chỉ đề nghị nghiên cứu từng cây một để chữa bệnh nhưng vẫn chưa thấy Viện Lâm nghiệp trả lời...”.
Trách nhiệm bảo vệ cây Di sản được quy định cụ thể trong tiêu chí vinh danh cây Di sản là thuộc về chủ sở hữu (chùa, đình, làng, xã, cá nhân, tập thể…). Cây muỗm ở đền Voi Phục thuộc quyền sở hữu của đền nhưng lại chịu sự quản lý của UBND quận Tây Hồ. Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam sau khi vinh danh xong cũng có trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ trong việc bảo vệ cây. Một số cơ quan khác như Viện Lâm nghiệp là cơ quan chuyên môn, hỗ trợ xem xét cụ thể tình hình phát triển của cây. Sự liên đới trách nhiệm đã tạo ra nhiều mối liên hệ cần thiết nhưng khi có vấn đề lại không thể giải quyết một cách nhanh gọn.
Ông Huỳnh cũng cho biết thêm: “Việc bảo vệ cây muỗm ở đền Voi Phục vẫn phải tiếp tục làm. Vấn đề là kinh phí. Chúng tôi sẽ tìm cách gặp gỡ, trao đổi thêm với lãnh đạo, các nhà khoa học, Hội Bảo vệ thực vật để bàn việc đó”.
Việc bảo vệ cây Di sản cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng ban quản lý đền Voi Phục nêu ra ý kiến thành lập quỹ bảo vệ thiên nhiên và môi trường với nguồn tiền xã hội hóa. “Xã hội hóa là chúng tôi cùng Hội vận động thành lập quỹ bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Nơi nào cần sẽ hỗ trợ nơi ấy, đồng thời vận động nhân dân quyên góp thêm. Có tiếng nói của Hội thì mới có giá trị chứ riêng chúng tôi vận động thì hơi khó”, ông Tùng cho biết.
9 cây Muỗm ở đền Voi Phục là những cây cổ thụ đầu tiên được vinh danh ở nước ta (ảnh ANTĐ) |
Trong lúc loay hoay với bài toán xã hội hóa, kêu gọi kinh phí thì cây Di sản ở đền Voi Phục vẫn chưa được chữa trị. 9 cây Muỗm ở đền Voi Phục là những cây cổ thụ đầu tiên được vinh danh, đúng dịp cả nước kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Giá trị của cây Di sản có lẽ cũng không phải bàn thêm. Không chỉ về khoa học tự nhiên, cây Di sản còn có giá trị đặc biệt về văn hóa-lịch sử. Bảo vệ cây Di sản không chỉ là bảo vệ nguồn gene mà còn là bảo vệ những giá trị gắn liền với quá trình lịch sử - văn hóa, xã hội của địa phương đó.
Ngày 12/10/2012, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và UBND quận Tây Hồ, Hà Nội tổ chức tổng kết 3 năm thực hiện chương trình vinh danh cây Di sản Việt Nam, nhằm đánh giá và rút kinh nghiệm về quá trình tổ chức, thực hiện bảo vệ Cây Di sản Việt Nam trong suốt 3 năm qua và định hướng hoạt động trong thời gian tới. Với mục tiêu đó, hy vọng câu hỏi ai sẽ bảo vệ cây Di sản và bảo vệ như thế nào, sẽ được trả lời một cách thỏa đáng./.