Chàng hoạ sĩ không chuyên và mối tình dang dở với Hà Nội
Khi giấc mơ về Hà Nội ngàn năm còn bỏ ngỏ, khi những bảng màu pha còn loang lổ chưa tìm được chỗ trú chân trên những bức tranh, và khi mối tình với mảnh đất quê hương thân yêu đang ở độ thắm, anh ra đi, mãi mãi.
Có một Hà Nội mộng mơ, cháy bỏng trong tranh Bùi Việt Hưng
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, những ký ức về một thuở thiếu thời của Bùi Việt Hưng, chàng cử nhân kinh tế chưa từng được đào tạo về hội hoạ, in dấu đậm sâu trên con phố Phùng Hưng – con phố được coi là vành đai của Hà Nội cổ. Tình yêu với Thủ đô của anh khi đó chỉ dừng ở những bức tranh trẻ con, trong những bài tập về hội hoạ ở trường và trong tâm trí.
Trái với suy nghĩ của nhiều người khi xem tranh của Hưng, đam mê lớn nhất của anh khi còn nhỏ, lại là Vật lý. Tự mua sách và học ôn, anh thi đỗ vào khối chuyên Lý, trường PTTH Hà Nội – Amsterdam rồi sau đó chuyển qua khối chuyên lý Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Anh tham gia câu lạc bộ Ngôi nhà hàng không, thích thú tìm hiểu về động cơ máy bay và thường sáng tạo đồ chơi hình những phi cơ, xe tăng, robot… Nhiều lần anh viết báo về kiến thức vật lý đăng trên các tờ Thiếu niên Tiền phong, Hoa học trò… Trong những năm tháng ấy, mối tình của anh với Hà Nội cũng lớn dần, cùng với đam mê hội hoạ.
Năm 1996, anh thi đỗ 3 trường Đại học và quyết định chọn ĐH Kinh tế Quốc dân làm điểm đỗ kế tiếp trong hành trình sách vở của mình. Sau khi tốt nghiệp, anh được nhận vào làm cho một công ty xuất nhập khẩu. Cuộc đời của anh, những tưởng sẽ cứ như thế, bình dị trôi…
Năm 2002, giữa bộn bề công việc, Hưng quyết định bỏ tất cả, để theo đuổi một giấc mơ, giấc mơ mà anh nguyện sẽ dành cả cuộc đời để hoàn thiện: 1.000 bức vẽ Hà Nội vào đúng dịp kỉ niệm ngàn năm Thăng Long.
Con người Á Đông thường quan niệm cuộc đời gắn với duyên số. Cuộc đời đã cho Hưng cái duyên được sống và yêu Hà Nội. Nhưng có lẽ, anh đoản duyên, số phận an bài, anh phải bỏ dở mối tình đậm sâu và thiết tha ấy.
5 năm sau ngày mất của anh, trong những nỗi đau còn chưa thể xoá nhoà, khi niềm nhớ còn khôn nguôi, gia đình anh quyết định tổ chức buổi triển lãm tranh “Hà Nội trong tôi” với mong muốn hoàn thành phần nào tâm nguyện cũng như truyền được tình yêu của anh - một người trẻ, cháy bỏng một tình yêu với Hà Nội đến với mọi người.
“Người nghệ sĩ, lang thang hoài con phố”…
Những hình ảnh về Bùi Việt Hưng vẫn còn hằn rất rõ trong tâm trí và trong trái tim những người thân của gia đình anh.
“Hưng hay lang thang phố cổ những buổi sáng sớm, nhìn ngắm những con đường, những ngôi nhà mái ngói liêu xiêu, ghi chép, ký hoạ rồi chiều về nhà vẽ. Những ngày đi xa, Hưng gọi điện về nhà báo không ăn cơm, khi trở về, lại tập trung vào vẽ trong phòng riêng. Có lần, tôi bảo Hưng sao không treo tranh dưới nhà, nó bảo khi nào đủ 1.000 bức, con mới treo” – Cha của anh, bác Bùi Đức Hiệp trầm ngâm khi hồi tưởng lại về con trai trong những ngày xưa.
“Hưng là người sống nội tâm, hay giúp đỡ mọi người. Tính tình rất đôn hậu, quý mến trẻ em, khi nào ai có việc gì nhờ đều tận tuỵ giúp hết sức mình mà không quản ngại vất vả. Nghệ sĩ nghèo, Hưng thường phải tự căng toan vẽ, đóng khung tranh. Giấy dó là mảng tranh được Hưng vẽ nhiều, phần vì là chất liệu giấy của dân tộc, phần nào cũng vì giá thành rẻ… ”.
Chàng hoạ sĩ đơn thân rong ruổi trong những chuyến hành trình riêng, dù nắng, dù mưa, dù xa xôi. Dễ dàng mỉm cười hạnh phúc khi được những đứa trẻ bán hàng rong gọi “Chú hoạ sĩ ơi…”, thích đàn những bản guitar cổ điển và ngân nga hát những khúc ca một mình khi hoàn thành xong một bức hoạ, Bùi Việt Hưng, trong những năm tháng cuối của cuộc đời, đã sống đúng với tình yêu của mình, với đam mê và giấc mơ cháy bỏng.
Triển lãm “Hà Nội trong tôi” trưng bày gần 50 bức vẽ trên chất liệu giấy dó của anh, khai mạc ngày 26/6 tại Triển lãm Ngô Quyền nhận được sự ngợi khen và xúc động của cả những hoạ sĩ tiếng tăm cũng như những khán giả đến xem. Tranh của Hưng, tuy không phải là tranh của một người được học hành bài bản, nhưng lại có những nét vẽ rất chuyên nghiệp và nồng nàn cảm xúc.
Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng, Họa sĩ Thành Chương viết: "Vô cùng xúc động và cảm phục một tấm lòng và tài năng của một họa sĩ trẻ với phố cổ Hà Nội, với quê hương Việt Nam".
Nữ hoạ sĩ Mộng Bích chia sẻ cảm nhận về tranh của Hưng: “Cái thực gặp với cái hư ảo đem lại cảm xúc kỳ lạ. Rất Hà Nội… Sự hoà sắc, hoà âm trong bức tranh giống như một bản nhạc hay vậy”.
Trong cuộc đời Hưng, có lẽ khó có một bóng hồng nào có thể thay thế được với Hà Nội – tình yêu, nhiệt huyết, tất cả của con người anh. Năm 2002, anh lao vào sáng tác, vẽ được tới 200 bức. Những năm tiếp theo, anh vẫn đều đặn vẽ tranh, ký hoạ, lặng thầm cho một giấc mơ mà phải 5 năm sau khi anh mất, công chúng mới có dịp được biết đến.
Mong rằng, ở nơi yên bình kia, anh có thể mỉm cười khi thành quả của anh, tình yêu của anh được mọi người trân trọng.
Xin được trích lời một người thân của anh, người bác ruột luôn gắn bó với gia đình, làm lời kết cho bài viết: “Hưng đã ra đi, nhưng tình yêu của cháu thì còn lại mãi, và nhiệt huyết, ước vọng của cháu sẽ được ghi nhận để góp một phần nhỏ bé vào đại lễ kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long”./.