Chè Lam Sơn Vi: Ngọt ngào hương vị Tết quê

VOV.VN -Phong tục làm chè lam ngày Tết từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa ẩm thực của người dân làng Sơn Vi.

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, khi nhà nhà sắm sửa đào, quất, tất bật chuẩn bị cho một mâm cỗ đủ đầy với bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành… thì  người dân ở làng Sơn Vi (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) cũng bắt tay vào làm chè lam - một món ăn truyền thống quen thuộc chỉ có trong dịp Tết.

Chè lam vốn là món ăn dân dã, có ở nhiều vùng miền, nhưng mỗi vùng lại đem tới một hương vị và cách chế biến khác nhau. Nhắc tới chè lam, nhiều người thường nghĩ ngay đến thương hiệu chè lam Thạch Xá nổi tiếng ở ngoại thành Hà Nội, hay chè lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)… Còn ở làng Sơn Vi, người dân làm chè lam để gia đình, bạn bè cùng thưởng thức chứ không vì mục đích kinh doanh. Bởi vậy, chỉ những vị khách tới chơi nhà vào đúng dịp Tết cổ truyền mới có cơ hội được nếm món ăn này. Chè lam là món ăn mà vị của nó gợi nhắc cho con người ta thời khắc đất trời chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Nia chè lam nóng hổi mới ra lò

Nấu chè lam ngày Tết từ lâu đã trở thành phong tục và nét đẹp văn hóa ẩm thực của người dân làng Sơn Vi. Thậm chí, bên cạnh bánh chưng, bánh dày, ở Sơn Vi, nhà nào không làm chè lam thì nhà đó coi như không có Tết. Hàng năm, cứ vào khoảng ngày 25 đến 27 tháng Chạp âm lịch, các bà, các mẹ trong làng lại rục rịch chuẩn bị nguyên liệu nấu chè lam, bao gồm bột gạo nếp, củ lạc, củ gừng, hạt vừng, đường mía. Tất cả đều bắt nguồn từ những sản phẩm nông nghiệp vô cùng gần gũi, thân thuộc với đời sống của bà con nông dân.

Bà Nguyễn Thị Xuân, năm nay ngoài 70 tuổi, một trong những người nắm giữ kinh nghiệm làm chè lam ở làng Sơn Vi cho biết, nguyên liệu làm chè lam không cần cầu kỳ và cách chế biến cũng không quá phức tạp. Gạo nếp sau khi xay thành bột sẽ được cho vào máy nổ thành bỏng gạo, từ bỏng gạo lại nghiền thành bột, sau đó sẽ phải lọc để bột được mịn và nguyên chất hơn. Kế đến là rang lạc và vừng cho chín vàng để trộn cùng với bột gạo nếp. Gừng tươi rửa sạch, gọt vỏ rồi đập nhỏ.

Nhâm nhi chè lam Sơn Vi cùng những ngụm trà ấm, nói dăm ba câu chuyện trong cái lạnh của những ngày đầu năm mới càng khiến không khí Tết của vùng quê Phú Thọ thêm nồng nàn và ấm cúng

Khi nổi lửa, đường mía được hòa vào với nước theo tỉ lệ rồi trút vào nồi gang to, đun nhỏ lửa để tránh bị cháy khét. Theo bà Xuân, trước đây, chè lam được làm chủ yếu từ mật mía, nhưng khi đời sống trở nên khấm khá, người dân làng Sơn Vi thay mật mía bằng đường để kẹo có vị ngọt thanh hơn.

Nồi đường mía sôi khoảng 15 phút, bà Xuân bắt đầu trút gừng đã băm nhỏ vào quấy. Đến khi hỗn hợp dậy lên mùi thơm của gừng cay, bà cho bột (đã trộn lạc vừng) vào nồi. Đây là công đoạn quan trọng nhất, quyết định chất lượng của nồi chè lam. Một khi bột bắt đầu dinh dính, người làm sẽ phải dùng đũa cả quấy liên tục cho đến khi nồi chè đặc sánh lại.

“Phải đánh mạnh và đều tay thì kẹo mới dẻo, để được lâu và ăn ngon hơn. Nếu lười quấy, kẹo bị vón cục, nhanh bở và chóng hỏng lắm” – vừa nói, bà Xuân vừa dồn sức quấy đều nồi chè. Ở cái tuổi ngoài 70, bà Xuân vẫn có một sức khỏe dẻo dai đến lạ kỳ. Đôi tay bà thoăn thoắt chuyển động theo từng vòng quay của nồi chè cho đến khi đạt độ sánh nhất định, bà nhanh chóng bắc nồi, trút chè lam còn đương nghi ngút khói vào tấm nia to đã được rắc sẵn “áo vừng”.

Không giống như chè lam ở những nơi khác, thay vì dùng bột gạo nếp làm “áo kẹo”, chè lam Sơn Vi được khoác trên mình tấm “áo vừng” thơm ngậy. Chè lam còn nóng được dàn đều ra nia vừng, rồi sau đó được “khoác” thêm một lớp vừng nữa lên trên cho đẹp và khỏi dính.

Khi chè nguội và rắn lại, bà Xuân dùng dao cắt thành từng miếng con con bằng đầu ngón tay, bày gọn gàng ra đĩa. Chè lam Sơn Vi có vị dẻo thơm của gạo nếp, vị cay dịu của gừng, vị bùi ngậy của vừng, của lạc, vị ngọt thanh của đường mía. Nhâm nhi chè lam Sơn Vi cùng những ngụm trà ấm, nói dăm ba câu chuyện trong cái lạnh của những ngày đầu năm mới càng khiến không khí Tết của vùng quê Phú Thọ thêm nồng nàn và ấm cúng.

Trong tâm thức của bà Xuân, không biết phong tục làm chè lam ngày Tết ở làng Sơn Vi có tự bao giờ, nhưng đây là một món ăn không thể thiếu mỗi dịp đầu năm mới. Thời kháng chiến gian khổ, cũng như những ngày bao cấp, đời sống của người dân khó khăn đến mức không đủ cơm ăn, thì dân làng Sơn Vi gần như không nấu chè lam. Căn bếp quê trở nên lạnh lẽo vì thiếu ánh lửa hồng của nồi chè lam thơm ngọt. Đó là những ngày Tết buồn nhất.

Cho đến khi đời sống được cải thiện, người dân làng Sơn Vi lại tiếp tục khôi phục truyền thống nấu chè lam ngày Tết tự lâu đời. Ngày nay, dù các gia đình có khó khăn hay bận rộn đến đâu cũng không thể thiếu món chè lam ngày Tết. Chè lam được đặt lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên bên cạnh cặp bánh chưng thể hiện tấm lòng thảo thơm của con cháu mỗi dịp Tết đến xuân về.

Bà Xuân chia sẻ: “Đã là truyền thống cha ông để lại, con cháu làng Sơn Vi như tôi cũng muốn phong tục làm chè lam ngày Tết mãi được lưu truyền qua các thế hệ. Dù cuộc sống ngày càng hối hả, hiện đại, có thêm nhiều thứ quà bánh khác, nhưng chè lam vẫn là món ăn không thể thiếu trong cái Tết của người dân trong làng”.

Bên cạnh hàng trăm nghìn thứ kẹo bánh hiện đại ngon mắt, bạn bè, khách khứa mỗi khi đến chúc Tết người dân làng Sơn Vi cũng chỉ thích thú với mỗi kẹo chè lam, món quà quê dân dã, dung dị, ngọt ngào và gần gũi. Trong cái lạnh se se của những ngày đầu năm mới, bên mùi hương trầm ngày Tết, ở làng Sơn Vi, người ta mời chào nhau miếng kẹo chè lam ngọt dai, cay nồng, cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm mới nhiều niềm vui và an lành./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thịt trâu và những món ăn đặc sắc
Thịt trâu và những món ăn đặc sắc

Miếng thịt vừa chín tới, chấm gọn một gắp vào chén cơm mẻ chua ngọt để thấm thía vị cay, thơm của món ăn ngon và bổ dưỡng.

Thịt trâu và những món ăn đặc sắc

Thịt trâu và những món ăn đặc sắc

Miếng thịt vừa chín tới, chấm gọn một gắp vào chén cơm mẻ chua ngọt để thấm thía vị cay, thơm của món ăn ngon và bổ dưỡng.

Món ăn tinh thần không thể thiếu
Món ăn tinh thần không thể thiếu

Hơn 30 năm từ ngày thống nhất đất nước đến nay, nhu cầu về thưởng thức âm nhạc qua sóng phát thanh vẫn phát triển mạnh mẽ, cho dù đã có nhiều kênh truyền hình ra đời.

Món ăn tinh thần không thể thiếu

Món ăn tinh thần không thể thiếu

Hơn 30 năm từ ngày thống nhất đất nước đến nay, nhu cầu về thưởng thức âm nhạc qua sóng phát thanh vẫn phát triển mạnh mẽ, cho dù đã có nhiều kênh truyền hình ra đời.

Ngọt ngào chè lam Thạch Thất
Ngọt ngào chè lam Thạch Thất

(VOV) - Để có những bánh chè lam ngọt ngào, thơm dẻo, người dân quê tôi phải hết sức khéo léo và kỳ công trong từng quá trình chế biến.

Ngọt ngào chè lam Thạch Thất

Ngọt ngào chè lam Thạch Thất

(VOV) - Để có những bánh chè lam ngọt ngào, thơm dẻo, người dân quê tôi phải hết sức khéo léo và kỳ công trong từng quá trình chế biến.

15 món ăn của Việt Nam được đề cử kỷ lục châu Á
15 món ăn của Việt Nam được đề cử kỷ lục châu Á

Tổ chức kỷ lục Việt Nam vừa chính thức đề cử đợt một 15 món ăn nổi tiếng đầu tiên, chỉ có ở Việt Nam, đến Tổ chức Kỷ lục châu Á. 

15 món ăn của Việt Nam được đề cử kỷ lục châu Á

15 món ăn của Việt Nam được đề cử kỷ lục châu Á

Tổ chức kỷ lục Việt Nam vừa chính thức đề cử đợt một 15 món ăn nổi tiếng đầu tiên, chỉ có ở Việt Nam, đến Tổ chức Kỷ lục châu Á. 

Kỳ diệu món ăn Việt
Kỳ diệu món ăn Việt

Chuyên gia ẩm thực người Anh Rick Stein – chủ nhân chuỗi cửa hàng ăn uống đông khách tại vùng biển Cornwall phía Bắc nước Anh – đã dành hẳn một góc trang trọng trên trang web của riêng ông, giới thiệu về văn hóa ẩm thực quyến rũ của Việt Nam.

Kỳ diệu món ăn Việt

Kỳ diệu món ăn Việt

Chuyên gia ẩm thực người Anh Rick Stein – chủ nhân chuỗi cửa hàng ăn uống đông khách tại vùng biển Cornwall phía Bắc nước Anh – đã dành hẳn một góc trang trọng trên trang web của riêng ông, giới thiệu về văn hóa ẩm thực quyến rũ của Việt Nam.