Chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh túy của hoa sen trên 100 cổ vật
VOV.VN -Hình tượng hoa sen trên cổ vật cung đình triều Nguyễn, trong nghệ thuật Phật giáo, trong đời sống xã hội… đều toát lên vẻ đẹp tinh túy, thanh tao.
Sáng 14/5, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Sen trên cổ vật”, nhằm giới thiệu tới công chúng trong và ngoài nước tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp tinh túy và ý nghĩa của biểu tượng hoa sen trong tâm thức của người Việt, góp phần phác họa lịch sử phát triển của nghệ thuật tạo hình và trang trí gắn với biểu tượng hoa sen trong dòng chảy văn hóa Việt.
Từ lâu, hình tượng hoa sen đã đi vào cuộc sống và nghệ thuật của người Việt. Sen được dùng khá phổ biến trong nghệ thuật tạo hình, cách điệu trong trang trí kiến trúc và đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ, đồ ngự dụng trong cung đình. 100 hiện vật tiêu biểu có niên đại từ thế kỷ 7 - 9 tới thời Nguyễn (1802 - 1945) được trưng bày thành nhiều nhóm gồm: Sen trên cổ vật cung đình triều Nguyễn, sen trong nghệ thuật Phật giáo, vật dụng nghi lễ và đồ thờ cúng, sen trên vật liệu kiến trúc, sen trong đời sống xã hội, tranh thêu đề tài hoa sen.
Trong triển lãm này, cổ vật cung đình triều Nguyễn có sen thường là đồ ngự dụng được chế tác từ những chất liệu quý hiếm như ngọc, vàng, bạc, ngà. Dưới bàn tay tài khéo của những người thợ, hình tượng hoa sen được khắc họa hết sức tinh xảo, mềm mại làm cho các đồ dùng của Hoàng gia trở nên sang trọng, quý giá.
Không chỉ trong Phật giáo, trong cung đình, sen còn hiện hữu rất phong phú đa dạng trong cuộc sống thường nhật qua sưu tập đồ dùng sinh hoạt hàng ngày. Vào thời Lý, Trần, Lê, hình tượng hoa sen phổ biến trên các đồ gia dụng như bát, đĩa, bình, ấm, chân đèn, hũ, thống, thạp…, làm họa tiết trang trí kiến trúc trên gạch, ngói, hay trong các tác phẩm nghệ thuật… Hình tượng hoa sen góp phần tạo nênvẻ đẹp thanh thoát, tao nhã, quý phái cho từng món đồ.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Hoa sen là một loài thảo mộc tồn tại và phát triển trên mọi miền đất nước, gắn bó với đời sống và trở thành một phần trong tâm thức người dân. Hoa sen trong đời sống tự nhiên của nó, ngoài đóng vai trò như một loài hoa trang trí, còn có nhiều giá trị sử dụng. Quan trọng nhất, hoa sen mang vẻ đẹp trở thành mô típ, nguồn cảm hứng cho mỹ thuật, kiến trúc. Hoa sen cũng gần như một biểu tượng về tinh thần. Không phải tự nhiên mà chúng ta lựa chọn trong muôn loài hoa, bông sen có một cái gì đó gần gũi đến mức, có lúc chúng ta đang đặt vấn đề đó là quốc hoa của dân tộc ta. Hơn nữa, hoa sen phổ biến rất nhiều ở các quốc gia theo đạo Phật như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc… cũng là một yếu tố có thể gắn kết được các cộng đồng, các nền văn hóa với Việt Nam”.
Triển lãm sẽ kéo dài từ nay đến hết tháng 9 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia./.
Một số hình ảnh trong triển lãm:
Chân nến hình khóm sen bằng vàng, thế kỷ 19 - 20