“Chiếu chèo chiến sĩ” 50 năm làm theo lời Bác

VOV.VN - Có một chiếu chèo 50 năm qua luôn thực hiện lời dạy sâu sắc của Bác hết lòng phục vụ bộ đội và nhân dân.

Dẫu đã 50 năm, từ cái ngày Đoàn Văn công Tổng cục Hậu cần (tiền thân của Nhà hát Chèo Quân đội) được vinh dự vào Phủ Chủ tịch biểu diễn cho Bác Hồ cùng Bộ Chính trị xem vở chèo “Anh lái xe và cô chống lầy” cùng một số tiết mục ca nhạc khác, thì với thế hệ những nghệ sĩ đầu tiên của Nhà hát, kỷ niệm ấy không thể phai mờ. Đặc biệt là khi Bác ân cần căn dặn: “Các cháu là người lính, người nghệ sĩ, các cháu phải rèn luyện để diễn cho bộ đội, cho nhân dân xem ngày càng hay hơn…”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Quân đội đưa nhiều vở diễn của đoàn đi phục vụ khắp các binh trạm dọc đường Trường Sơn. “Chiếu chèo chiến sĩ” là đơn vị nghệ thuật đầu tiên theo chân bộ đội, đem lời ca tiếng hát tới động viên quân và dân dọc đường kháng chiến bất chấp gian khổ, hy sinh. Miền Nam giải phóng, các nghệ sĩ lại đem tiếng Chèo cách mạng, một sản phẩm văn hóa đặc trưng của đồng bằng sông Hồng đến với đồng bào  miền Nam ruột thịt. Hơn 100 đêm diễn với các vở: “Trần Quốc Toản ra quân”; “Người năm ấy”; “Cô thủ kho”; “Đôi mắt”… đã gây xúc động hàng vạn khán giả miền Nam.

Vừa “tác chiến” vừa xây dựng lực lượng, khi thì sáp nhập Đoàn Văn công của sư đoàn 330 (Nam Bộ), lúc lại thành Đoàn văn công Trường Sơn, cũng có lúc tách thành ba đội xung kích đi biểu diễn ở Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây… tính cơ động của một đơn vị Văn công quân đội cách mạng cũng không khác gì một đơn vị bộ đội tác chiến. Nhưng điều đáng quý là các nghệ sĩ luôn giữ vững nhiệt huyết và tinh thần phục vụ khán giả hết mình.

Nhiều năm gắn bó với “Chiếu chèo chiến sĩ”, nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Minh Tiến chia sẻ: "Một chiến sĩ một nghệ sĩ đẹp trên sân khấu đẹp cả ngoài đời, cũng truyền lại cho các thế hệ trẻ những cái tư duy, những cái mình đã học được, truyền lại tất cả những cái mình học được trong cuộc sống, trong nghề ngiệp để cho các thế hệ nối tiếp nhau. Vẫn ở trong cái nôi chèo cổ ấy nhưng người lính có thể diễn những tác phẩm về người lính, và cả dã sử lẫn lịch sử nhưng có cách thoại riêng và cách diễn riêng, chủ yếu để phục vụ bộ đội và nhân dân".

Một tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm 50 năm "Chiếu chèo chiến sỹ".

Nhớ lời Bác dặn, các nghệ sĩ nhà hát Chèo Quân đội xác định phải sáng tạo những tác phẩm chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả. Không quản vất vả, mỗi năm, Nhà hát chia thành 2-3 đoàn, đi biểu diễn từ địa đầu Móng Cái đến đất mũi Cà Mau, ngoài phục vụ chiến sĩ, còn tích cực biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa. Cứ có lệnh điều động là những nghệ sĩ nhà hát Chèo Quân đội lại vác ba lô lên đường. Dẫu có lúc gia đình bận rộn, khó khăn, những chiến sĩ - nghệ sĩ ấy vẫn luôn tươi cười bước lên sân khấu, đem lời ca tiếng hát phục vụ nhân dân.

Nghệ sĩ ưu tú Thùy Linh tâm sự: "Mình là một nghệ sĩ, kiêm một người chiến sĩ thì mình phải có sự khác biệt. Thứ nhất là mình phải năng động, năng động trong mọi hoàn cảnh, thứ hai là mình phải mạnh mẽ quyết đoán, không ngại khó, không ngại khổ trong tất cả các cuộc lưu diễn từ miền núi cho đến biển đảo. Qua đó mình hun đúc lên nhưng cái của người chiến sĩ, nghệ sĩ rất lớn. Mình thấy mình phải có trách nhiệm xây dựng lên một hình ảnh người nghệ sĩ, chiến sĩ là mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm".

50 năm qua, lời dạy của Bác là niềm động viên, thôi thúc các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Quân đội say sưa sáng tạo. Các anh các chị đã liên tiếp xây dựng nên những tác phẩm đặc sắc của “Chiếu chèo chiến sĩ”.

Còn nhớ, bộ ba vở chèo “Bài ca giữ nước” của cố NSND Tào Mạt được dựng từ năm 1979 đến năm 1985 của Nhà hát đã trở thành một hiện tượng của sân khấu chèo nước nhà. Với nội dung ca ngợi những thành quả dựng nước, giữ nước của hai triều vua Lý, đi sâu vào những vấn đề của mọi thời đại… những tác phẩm ấy đi đến đâu cũng được khán giả khen ngợi và giành nhiều giải thưởng sân khấu chuyên nghiệp.

Rồi sau này là những tác phẩm: “Chiếc bóng oan khiên”, “Nữ tú tài”, “Người tử tù mất tích”, “Tiếng hát người áo rách”, “Lời ước nguyền”, “Điều đọng lại sau chiến tranh”… đều mang nét đặc sắc của “Chiếu chèo chiến sĩ”. Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Trượng, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội cho biết: "Các vở diễn nói về người chiến sĩ năm xưa, về người chiến sĩ ngày nay, nói về hậu chiến tranh, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả. Đầu tiên khán giả không yêu chèo mấy nhưng bây giờ thấy chèo quân đội đến họ xem đông lắm, mà càng xem họ càng thích. Chúng tôi thường xuyên dựng những vở lịch sử, dã sử, dân gian nhưng mà chiều sâu và nhiều hơn đó là lực lượng chiến tranh cách mạnh để đáp ứng khán giả trong cũng như ngoài quân đội".

Nửa thế kỷ nhìn lại, mỗi nghệ sĩ, chiến sĩ của chiếu chèo ngày ấy và bây giờ đều tự hào đã thực hiện lời Bác dạy để hôm nay “Chiếu chèo chiến sĩ” luôn có một vị trí vững vàng trong lòng khán giả yêu nghệ thuật hát chèo Việt Nam ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngày Xuân nói chuyện Hề Chèo
Ngày Xuân nói chuyện Hề Chèo

VOV.VN - Nghệ thuật sân khấu Chèo truyền thống là một trong những loại hình sân khấu ca kịch, mang tính dân tộc độc đáo, được khán giả nhiều nước hâm mộ. 

Ngày Xuân nói chuyện Hề Chèo

Ngày Xuân nói chuyện Hề Chèo

VOV.VN - Nghệ thuật sân khấu Chèo truyền thống là một trong những loại hình sân khấu ca kịch, mang tính dân tộc độc đáo, được khán giả nhiều nước hâm mộ. 

Nhà hát Chèo Hà Nội mang "bom tấn" đến cuộc thi nghệ thuật chèo
Nhà hát Chèo Hà Nội mang "bom tấn" đến cuộc thi nghệ thuật chèo

VOV.VN - Giành được nhiều giải thưởng, huy chương tại các hội diễn, Nhà hát Chèo Hà Nội đang ngày một tỏa sáng trên sân khấu chèo Việt Nam.

Nhà hát Chèo Hà Nội mang "bom tấn" đến cuộc thi nghệ thuật chèo

Nhà hát Chèo Hà Nội mang "bom tấn" đến cuộc thi nghệ thuật chèo

VOV.VN - Giành được nhiều giải thưởng, huy chương tại các hội diễn, Nhà hát Chèo Hà Nội đang ngày một tỏa sáng trên sân khấu chèo Việt Nam.