Chọi bò giữa cao nguyên đá
Con bò của đồng bào nơi đây không đơn giản là công cụ lao động, mà còn là niềm tự hào, là đặc sản của cao nguyên đá khắc nghiệt này.
Mèo Vạc đầu thu, trên các sườn núi bao quanh phố huyện nhỏ toàn thân cây ngô vàng úa sau mùa thu hoạch của bà con dân tộc. Hội chọi bò ở đây xôm tụ và tưng bừng như lúc các thôn bản nghỉ tay chơi Tết vậy. Ít người biết rằng, con bò của đồng bào nơi đây không đơn giản là công cụ lao động, mà còn là niềm tự hào, là đặc sản của cao nguyên đá khắc nghiệt này.
Chạy ngược từ cao nguyên địa chất Đồng Văn, con đường “Hạnh phúc” nổi tiếng đưa chúng tôi qua Mã-Pì-Lèng, dốc núi theo tiếng Mông có nghĩa là “Đến con ngựa leo lên cũng phải thở dốc”.
Từ trên cao nhìn xuống, dòng sông Nho Quế lặng lẽ chảy giống một sợi chỉ vắt giữa thung lũng, và huyện Mèo Vạc hiện ra như thách thức sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Đối với đồng bào ở Cao nguyên đá, con bò mới là đầu cơ nghiệp |
Nơi đây, chỉ có loài cỏ voi mọc xanh rờn 2 bên đường, vừa làm hàng rào cho bà con dân tộc, vừa là thức ăn cho giống bò cao nguyên, vừa là một trong những loại cây trồng của đồng bào dân tộc. Không biết có phải vì ăn thứ cỏ to như cây mía non, mọc mạnh mẽ giữa cao nguyên đá này hay không, mà giống bò ở Mèo Vạc cũng như 3 huyện lân cận to và đẹp một cách lạ thường.
Chỉ tầm 5-6 tuổi, nhưng trung bình mỗi chú bò cũng nặng từ 5 tạ, cá biệt có con lên đến gần 1 tấn. Gù lưng nhô cao và vô cùng hữu ích khi cùng bà con vượt đá tai mèo, canh tác trên những dẻo núi vắt vẻo giữa tầm cao hơn 1000m ở dãy cao nguyên đá hùng vĩ của 4 huyện Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ và Đồng Văn.
Nhân dịp kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Hà Giang, trong các ngày 23-24/8 những chú bò thân thiết của bà con đồng bào có dịp phô diễn vẻ đẹp cũng như sức lực tại giải chọi bò lần đầu tổ chức tại huyện Mèo Vạc.
Ông Trịnh Chính Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Hà Giang, thành viên BTC giải cho biết: “Ngoài công cụ lao động sản xuất ở núi đá cheo leo thì bò còn là hàng hóa ở các phiên chợ vùng cao thường mang lên trao đổi”.
Quả thật việc đem bò đi thi đấu còn là một sự bỡ ngỡ với bà con dân bản nơi đây, bởi từ bao năm nay chú bò trở thành thành viên trong gia đình, là công cụ canh tác hữu hiệu của đồng bào. Chính vì thế, nhiều trận đấu diễn ra với những tình huống khá hài hước. Lúc thì 2 chú bò chỉ nhìn nhau như người bạn, có chú còn tưởng đối thủ là bạn tình, có những chú khi bước ra sân đấu lại lặng lẽ gặm cỏ một cách ngẩn ngơ.
Những chú bò mập mạp với cặp sừng rắn chắc |
Tuy nhiên, không vì thế mà giải đấu bò trở nên buồn tẻ bởi có những cặp đấu khiến cho hàng ngàn khán giả có mặt tại sân vận động huyện Mèo Vạc nổ bùng bởi 2 “đấu sĩ” lao vào nhau vô cùng quyết liệt.
Để có thể lựa chọn trong đàn một “vận động viên” bò tốt nhất, bà con thường nhắm vào những con bò nghịch nhất, gù lưng nhô cao, sừng không quá dài nhưng sắc nhọn và đặc biệt cũng là con bò ăn khỏe nhất đàn.
Anh Vàng Minh Cá, một chủ bò người dân tộc Tày của huyện Mèo Vạc chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò: Ở đây nuôi bò phải cho ăn nhiều cỏ, bỗng rượu nó mới béo.
Giải đấu bò lần đầu tiên của Hà Giang được tổ chức ở Mèo Vạc đã thành công tốt đẹp với giải nhất thuộc về “đấu sĩ bò” của xã Lũng Pù cùng phần thưởng 19 triệu đồng.
Bà con nơi đây đã chứng minh cho mọi người thấy sức sống mãnh liệt và sự tìm tòi, sáng tạo trong lao động để bám trụ lại nơi mà đất thịt còn ít hơn đá tai mèo. 30 chú bò của 18 xã vùng cao huyện Mèo Vạc được tuyển chọn kỹ lưỡng bằng kinh nghiệm của chủ bò đã đem đến những phút giây kịch tính và vui nhộn.
2 “đấu sĩ” lao vào nhau vô cùng quyết liệt |
Khác với chọi trâu ở Đồ Sơn, bà con dân tộc nơi đây coi chọi bò là thú chơi, ít ai giết thịt chúng. Và ở núi đá khô cằn này, “con trâu là đầu cơ nghiệp” không thể sống khỏe và hữu ích như những chú bò này.
Giải chọi bò lần đầu tiên đã thành công tốt đẹp, với sự hứng khởi của đồng bào khi con bò của họ được khắp nơi biết đến. Điều này hứa hẹn sẽ tăng thêm thu nhập vào các dịp hội chợ, nơi mà lái buôn từ miền xuôi vẫn đánh xe lên chợ Mèo Vạc để mua bò với giá từ 15- 30 triệu một con, nhiều hơn hẳn khoản thu nhập vào ngô và đậu tương của đồng bào nơi đây. Và đó cũng là cơ sở để người dân có thể tự tin hơn khi phát triển giống bò độc đáo của cao nguyên đá./.