Chuẩn bị Lễ tế đàn Xã Tắc
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa đồng ý để Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ tế đàn Xã Tắc vào ngày 24/3/2009.
Đàn Xã Tắc ở kinh đô Huế dưới thời Nguyễn là nơi tế thần Đất và thần Lúa, cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt. Đàn được xây dụng năm Gia Long thứ 5 (1806) ở phía Tây Hoàng thành. Khi khởi công, tất cả các thành, dinh, trấn trong toàn quốc theo lệnh vua phải đóng góp đất sạch để đắp đàn. Bởi vậy, đàn Xã Tắc tượng trưng cho đất đai của Tổ quốc.
Lễ tế Xã Tắc được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu, xếp vào hàng Đại tự, chỉ đứng sau lễ tế Nam giao. Hầu như tất cả các vị vua Nguyễn đều đã từng chủ trì lễ tế quan trọng này.
Sau hơn nửa thế kỷ bị quên lãng, Lễ tế đàn Xã Tắc được phục hồi cơ bản đầy đủ các nghi thức truyền thống (trước đó, Lễ tế đàn Xã Tắc cũng đã được tái hiện lần đầu tiên vào dịp Festival Huế năm 2008).
Lễ tế gồm 2 phần: Lễ xuất cung và Lễ tế. Trong đó, Lễ xuất cung bắt đầu từ 18h30 ngày 24/3/2009 (28/2 Âm lịch), xuất phát từ khu vực Ngọ Môn đến đàn Xã Tắc; Lễ tế từ 19h - 21h ngày 24/3/2009 tại đàn Xã Tắc với các nghi tiết: Lễ Quán tẩy, Lễ Thượng hương, Lễ Nghinh thần, Lễ Điện ngọc bạch, Lễ Truyền chúc, Lễ Hiến tước, Lễ Tứ phúc tộ, Triệt soạn, Tống thần, Tư chúc bạch soạn.
Hiện nay việc trùng tu di tích đàn Xã Tắc đang được tiến hành, và Trung tâm đang tiến đến xây dựng hồ sơ khoa học về lễ tế Xã Tắc và hoàn tất các thủ tục xin công nhận là Di sản Văn hoá Phi vật thể và Truyền khẩu đại diện của nhân loại.
** Sáng 26/2, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức khánh thành Công trình tái thiết Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (tại 15 Lê Lợi, Huế), sau hơn 20 tháng thi công, công trình đã cơ bản hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Trung tâm Văn hóa Liễu quán tại Huế được xây dựng năm 1970 gồm 1 tầng trệt. Đến năm 2007, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng và tái thiết lại trung tâm này gồm 2 tầng nổi và 1 tầng hầm, với tổng diện tích sàn là 1.210m2.
Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán là nơi nghiên cứu học tập cho tăng ni và Phật tử và người dân không phân biệt tôn giáo.../.