Chuỗi giá trị thổ cẩm, hướng thoát nghèo cho phụ nữ dân tộc thiểu số
VOV.VN -Xây dựng chuỗi giá trị thổ cẩm là cách làm thiết thực nhằm vực dậy nghề dệt vải truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Xây dựng chuỗi giá trị thổ cẩm là cách làm thiết thực nhằm vực dậy nghề dệt vải truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Nếu như trước đây, sản phẩm dệt của đồng bào chủ yếu quanh quẩn trong các bản làng thì nay, sản phẩm của họ được kết nối với thị trường trong và ngoài nước. Nhiều người đã quay lại với nghề, chí thú làm ăn để thoát nghèo.
Làng văn hóa Đh’rôồng, xã Tà Lu nằm cách trung tâm thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam chừng 3 km về phía Đông Nam. Ngôi làng này được bảo tồn khá nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, trong đó có nghề dệt vải thổ cẩm.
Chị Pơ Long Thị Treng bên khung dệt. |
Chị Pơ’long Thị Treng, người tham gia Tổ hợp tác dệt thổ cẩm tại đây cho biết, ngày trước, cứ sau mỗi mùa rẫy hoặc những lúc nhàn rỗi, chị em lại quây quần bên nhau, cần mẫn với xa quay sợi, khung dệt tạo ra những sản phẩm hết sức độc đáo. Để dệt 1 tấm tút dài 5 mét, rộng 70 cm có khi mất cả năm trời. Thế nhưng, sản phẩm làm ra chủ yếu để dùng trong gia đình hoặc làm quà tặng.
Mấy năm trở lại đây, các tổ chức quốc tế và trong nước hỗ trợ khôi phục làng nghề truyền thống; hướng dẫn cách tạo mẫu sản phẩm, tập huấn kỹ năng bán hàng, định giá sản phẩm, giới thiệu ẩm thực địa phương và trình diễn các loại hình văn hóa truyền thống phục vụ du khách. Nghề dệt dần được khôi phục. Những ngày qua, chị Pơ’long Thị Treng được Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Hà Lan (Agriterra) mời đi tập huấn tại thành phố Đà Nẵng, hướng dẫn cách tiếp cận thị trường, nâng cao vị thế và thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào.
Phụ nữ Cơ Tu mày mò học hỏi mẫu mã mới. |
Chị Pơ’long Thị Treng bày tỏ: "Trước đây tụi em dệt những tấm vải lớn chỉ để tặng cho con, cho em thôi, không bán được, không ai mua vì cái tấm đó to quá. Giờ mình bán được là nhờ làm những chiếc túi, khăn, nhiều người họ dùng được. Khách tham quan ở làng họ mua. Ở Hội An em cũng có shop hàng, gửi hàng xuống để họ bán cho mình.
Xây dựng chuỗi giá trị đối với nghề dệt truyền thống không chỉ giúp đồng bào Cơ Tu, Tà Ôi ở các huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam; huyện A Lưới, tỉnh Thừa thiên Huế bảo tồn trang phục truyền thống mà còn thay đổi mẫu mã, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Thay đổi mẫu mã, mở rộng thị trường là những yếu tố quyết định trong xây dựng chuỗi giá trị thổ cẩm. |
Đôi hài bằng chất liệu thổ cẩm. |
Mới đây, tỉnh Thừa Thiên Huế công bố và trao Quyết định cấp Giấy chứng nhận công nhận nhãn hiệu tập thể Zèng A Lưới của Cục Sở hữu trí tuệ cho Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới. Theo đó, màu sắc của Zèng A Lưới được chứng nhận là đen, trắng, đỏ, màu xanh lá cây. Danh mục sản phẩm, dịch vụ nhãn hiệu gồm các sản phẩm zèng (túi xách, cặp xách, va li, túi du lịch, ví làm bằng chất liệu giả da), vải dèng (khăn trải bàn, khăn trải giường, khăn phủ gối, rèm, áo chăn, áo gối, áo nệm), các sản phầm của zèng (quần áo, cà vạt, khố, thắt lưng, khăn)…
Chị Mai Thị Hợp, người đã góp phần khôi phục và phát triển nghề dệt zèng truyền thống của đồng bào Tà Ôi cho biết, tham gia vào chuỗi giá trị giúp chị em nâng cao khả năng sáng tạo những mẫu mã, họa tiết mới. "Hiện tại mình đang làm là vừa truyền thống, vừa cải tiến được mẫu mã, tạo cơ hội cho những chị em và tạo mọi điều kiện cho chị em được tăng thu nhập trong cuộc sống gia đình và chính bản thân chị em" - chị Hợp cho biết.
Xây dựng chuỗi giá trị thổ cẩm được nhiều địa phương triển khai hiệu quả. Chẳng hạn như mô hình chuỗi giá trị dệt thổ cẩm gắn với du lịch tại HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Thông qua Hợp tác xã làm cầu nối, sản phẩm của đồng bào được thị trường biết đến và có đơn đặt hàng ổn định.
Bà Alsenoy giới thiệu khách những sản phẩm của phụ nữ Tà Ôi và Cơ Tu. |
Tại tỉnh Quảng Nam, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày sản phẩm Đhrôồng. Nơi đây, phụ nữ Cơ Tu có thể tham gia dệt tại chỗ, trình diễn sản phẩm du lịch cộng đồng. Tại đây có đủ loại sản phẩm như: Dây nịt, túi đựng điện thoại, túi đựng máy tính xách tay, ví nam, nữ, khăn trải bàn lớn nhỏ, túi xách, bao gối... đều được niêm yết giá. Mới đây, Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Hà Lan (Agriterra) cũng hỗ trợ phụ nữ Cơ Tu và Tà Ôi nghiên cứu và mở rộng thị trường, triển khai các điểm bán hàng và kết nối khách hàng; hướng dẫn chị em thực hành trên các mẫu thiết kế mới.
Bà Aldegonde Van Alsenoy, nhà thiết kế thời trang người Bỉ, chủ chuỗi cửa hàng bày bán sản phẩm thổ cẩm tại các thành phố Huế, Đà Nẵng, Hội An cho biết: "Chúng tôi tập trung hướng dẫn chị em Cơ Tu và Tà Ôi tiếp cận những mẫu thiết kế mà khi tạo ra sản phẩm, họ có thể bán được cho cả người địa phương. Với tư cách là nhà thiết kế, tôi cũng sẽ mua những tấm vải dệt của phụ nữ Cơ Tu ở huyện Đông Giang và Tà Ôi ở huyện A Lưới để đưa sản phẩm dệt thành sản phẩm đặc biệt./.