Chuyện chưa biết quanh bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”
Sau 5 năm vào ra giới tuyến, dưới mưa bom bão đạn, sự gặp nhau trong tư tưởng, tình cảm và lao động nghệ thuật nghiêm cẩn của 2 nghệ sĩ tài danh đã đem lại một tài sản quý giá là kịch bản phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”.
Hơn 30 năm trước, khi bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (đạo diễn: NSND Hải Ninh) được công chiếu, có biết bao trái tim đã phải thổn thức với câu chuyện của chị Dịu - nhân vật chính trong phim. Đây là bộ phim sử thi hoành tráng, ghi lại một giai đoạn lịch sử của dân tộc trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt.
Tại Liên hoan phim quốc tế Moscow 1975, phim đã được nhận giải thưởng của Hội đồng Hoà bình thế giới cùng giải Diễn viên xuất sắc nhất đóng vai chính cho NSND Trà Giang. Nhưng ít ai biết, bộ phim có hoàn cảnh ra đời khá đặc biệt…
Từ câu chuyện đời cảm động
Vào những năm 1960, chiến tranh đang cực kỳ khốc liệt. Một đêm, trong chuyến thực tế tại giới tuyến Vĩnh Linh, đạo diễn Hải Ninh và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ được công an Cửa Tùng bố trí cho gặp 2 phụ nữ chừng ngoài 30 tuổi, ăn mặc hở hang, ở bờ Nam sông Bến Hải mới sang.
Nghe giới thiệu đó là cơ sở nằm vùng, các nghệ sĩ rất ngạc nhiên! Hoá ra, đó là kiểu áo hở cổ, hở bụng mà Trần Lệ Xuân bắt phụ nữ nông thôn miền Nam mặc. Các chị đều có chồng tập kết ra Bắc và cùng chung nỗi đau: bên kia sông Bến Hải, giặc tập trung những người có chồng tập kết lại, bắt làm giấy ly hôn, rồi bắt phải lấy người của chúng. Nhưng hầu hết chị em đều phản đối nên bị giặc nhốt vào “trại ly hôn” để “tuyên truyền, cải tạo”.
Trong cuộc đấu tranh đó, một trong 2 người phụ nữ trên - tên Diệu - đã phản đối đến cùng nên bị đưa đi hết nhà tù này đến nhà tù khác. Còn người đi cùng chị đã phải lấy một tên nguỵ. Nhưng, các chị đều không bỏ cách mạng... Chị Diệu kể lại câu chuyện đời mình bằng sự bình thản của nỗi đau đã lặn vào tim, còn 2 nghệ sĩ và người phụ nữ kia đều không cầm được nước mắt.
Đạo diễn Hải Ninh và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ nhận ngay ra chất liệu quý giá từ câu chuyện cảm động này và cùng gặp nhau ở ý tưởng xây dựng nhân vật chị Diệu thành phim. Thế là, hai ông đã nhiều lần trở lại Vĩnh Linh để lấy tư liệu, bằng phương tiện duy nhất là xe đạp. Đêm đi, ngày nghỉ để tránh bom. Ngồi nghỉ ở đỉnh đèo, lại cùng nhau đọc thơ Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, như thể đất nước chưa bao giờ có chiến tranh. Có hôm, giật mình thấy lốp xe mòn vẹt, lòi cả vải vì dùng dép lốp làm phanh mà hú vía! Căn bệnh sa ruột của đạo diễn Hải Ninh cũng bắt đầu từ những chuyến đạp xe đêm vất vả, nhao lên ngã xuống tơi bời thời đó.
Vì vậy, viết xong kịch bản, biết tin một số bà con bên kia sông Bến Hải mới được sơ tán ra Nghệ An, ông và biên kịch Hoàng Tích Chỉ lập tức đạp xe vào tận nơi. Trong một ngôi đình ở Tứ Kỳ (Nghệ An), dưới ngọn đèn dầu phòng không, hàng trăm người ngồi lắng nghe đọc kịch bản “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Nhân vật Diệu được đổi thành Dịu, còn người phụ nữ đồng hành mang tên Thương. Những tiếng nghẹn ngào cứ bật lên không nén nổi. Rồi bà con góp ý cho kịch bản hoàn thiện hơn.
Đến kíp đạo diễn, diễn viên nhiệt huyết với nghề
Sau 5 năm vào ra giới tuyến, dưới mưa bom bão đạn, sự gặp nhau trong tư tưởng, tình cảm và lao động nghệ thuật nghiêm cẩn của 2 nghệ sĩ tài danh đã đem lại một tài sản quý giá là kịch bản phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”.
Việc chọn vai Trần Sùng cũng thật tình cờ. Đọc xong kịch bản, nghệ sĩ Lâm Tới rất mê vai này. Nhưng đạo diễn lại muốn có một tên ác ôn có học, trong khi Lâm Tới lại nói cà lăm và phù hợp hơn cho vai một tên ác ôn bạo liệt. Vì thế, nhiều lần đạo diễn đã từ chối. Nhưng Lâm Tới không nản, ít hôm sau, anh đến, nói một mạch cả đoạn thoại mà không cà lăm, rồi đi đứng rõ ra phong thái của tên giặc có học. Đạo diễn Hải Ninh ngạc nhiên và bị chinh phục khi hiểu rằng, sự đam mê nghề đã đưa đến thành công. Và, với yêu cầu khắt khe của đạo diễn, Lâm Tới đã có một vai Trần Sùng thành công.
Trà Giang đã phải dành nhiều thời gian cho việc tập đi đứng, nói năng, cả cách nằm võng, đan lưới cho đạt yêu cầu “địa phương hoá” mà đạo diễn đề ra. Để có cảnh quay cuộc họp chi bộ giữa sông, chị mất cả tuần tập chèo thuyền thúng trên dòng Nhật Lệ. Lúc đó, anh Bích - người yêu chị ở nước ngoài về - ngày nào cũng có mặt giúp chị!
Vai chị Dịu thành công còn ghi dấu một lần thực tế của Trà Giang. Bên chiến hào, chị được gặp một cô gái xinh đẹp, trẻ trung 22 tuổi là nữ bí thư, đội trưởng đội du kích Gio Hà. Gia đình cô bị giặc Pháp và Mỹ tàn sát gần hết trong 2 cuộc chiến tranh...
... Trà Giang đã khóc nhiều trước câu chuyện thương tâm của người bạn gái. Chia tay, họ hẹn hết chiến tranh sẽ tìm lại nhau. Đất nước thống nhất, ĐD Hải Ninh và Trà Giang trở lại vĩ tuyến 17 nhưng cô du kích đã hy sinh! Chuyện đời cô đã giúp Trà Giang rất nhiều để vào vai một chị Dịu đầy chất anh hùng ca.
Thông điệp vượt biên giới và thời gian
Mất 2 năm, bộ phim mới được hoàn thành và lập tức làm sáng thêm lịch sử điện ảnh Việt Nam. Dịp Liên hoan phim quốc tế Moscow, các báo Liên Xô đồng loạt giới thiệu “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” - bộ phim đã giành 2 giải thưởng lớn. Một nữ phóng viên Mỹ tìm đến tận khách sạn Trà Giang ở và nói rằng: “Tôi rất xúc động khi xem phim và thấy xấu hổ cho nước Mỹ vì đã tiến hành cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam”.
Kimura - đạo diễn gạo cội của Nhật Bản - đã chuyển “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” sang tiếng Nhật. Năm 1978, Nhật Bản thành lập Ủy ban chiếu phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” và NSND Hải Ninh cùng các nghệ sỹ Trà Giang. Hồ Thái đã có mặt ở hầu khắp đất nước Mặt trời mọc dịp đó. Một phụ nữ Nhật đã khóc: “Tôi không ngờ người phụ nữ Việt Nam lại tham gia vào công việc vĩ đại như thế! Qua bộ phim, chúng tôi hiểu được phần nào lịch sử đấu tranh của Việt Nam!”.
Khi xem đoạn chị Dịu sinh con trong tù, giữa sự che chở của bà con, đồng chí, ngôi sao điện ảnh Mỹ Jane Fonda xúc động: “Những người mẹ Mỹ cũng cần phải xem đoạn này!”. Một số nước Ả Rập đã mượn phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” để chiếu thời gian dài, nhằm kích thích ý chí và lòng yêu nước của nhân dân họ trong cuộc chiến với Israel.
Lý giải sự thành công của mình, NSND Hải Ninh nói một cách giản dị: “Hiện thực đất nước sinh ra những con người và sự kiện kỳ diệu, còn đạo diễn chỉ phản ánh phần nào hiện thực đó”.
Bộ phim không chỉ đưa tên tuổi NSND Hải Ninh cùng các nghệ sĩ Trà Giang, Lâm Tới, Hồ Thái vượt ra ngoài biên giới, mà còn xuyên thời gian để truyền thông điệp của người sáng tác đến những khán giả mà tuổi đời còn ít hơn nhiều tuổi phim. Hơn 30 năm sau ngày “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” ra đời, NSND Hải Ninh vẫn nhận được sự ngưỡng mộ của lớp trẻ: “Nếu không có lòng yêu nghề và mong muốn góp sức mình vào cuộc chiến đấu chung của dân tộc thì sẽ không có bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” phải không bác? Xem phim, cháu đã khóc…” (Hồ Thị Thảo - Văn K48 - ĐHSPHN1).
Tôi có nhiều dịp nghe NSND Hải Ninh kể chuyện làm phim của ông, nhưng không hiểu sao, lần này đột nhiên ông mới kể: Có một phần sự thật về cuộc đời chị Diệu mà các tác giả không dám đưa lên phim vì quá khốc liệt: Về sau, bị địch o ép, để dễ bề hoạt động và cũng để khỏi phải lấy giặc, chị Diệu buộc phải chung sống với một người đàn ông bị câm…./.