Có đáng bị “ném đá” vì... Bikini?
69 năm với nhiều thăng trầm, ngày nay, Bikini trở thành trang phục phổ biến trên thế giới.
1. Tháng 7 năm 1946, một kỹ sư người Pháp là Louis Réard và nhà thiết kế thời trang Jacques Heim phát minh ra bộ áo 2 mảnh dành cho phụ nữ tại Paris. Ở thời điểm ấy, phát minh này gây chấn động vì nó làm lung lay mọi giá trị người ta cho là cội rễ. Tên bộ trang phục được đặt đầy ngụ ý theo tên của đảo san hô đã tiến hành thử bom hạt nhân: Bikini.
Trước phát minh trên, phụ nữ Mỹ còn phải dùng “xe hỗ trợ” để đi tắm biển một cách kín đáo. Đó cũng là lý do khi Bikini ra đời, bộ trang phục này đã nhận những phản ứng trái chiều. Bộ trang phục bị xếp vào dạng “không dành cho phụ nữ đoan trang” nên những mẫu ảnh nổi tiếng thời đó đã từ chối chụp ảnh với Bikini. Những nhà thiết kế phải nhờ tới các vũ nữ thoát y để quảng bá sản phẩm.
Tranh bích họa vẽ các cô gái mặc bikini thời La Mã. |
69 năm với nhiều thăng trầm, ngày nay, Bikini trở thành trang phục phổ biến trên thế giới. Ở các bãi biển, trên sàn catwalk, trong các cuộc thi hoa hậu..., Bikini là trang phục không thể thiếu. Bikini tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, sức mạnh của những đường cong và cả thái độ nữ quyền dứt khoát: Đàn ông có quyền cởi trần mặc quần đùi, phụ nữ có quyền vận Bikini!
2. Lịch sử khéo đùa, đúng tháng 7/2015, trong lúc cả thế giới cùng nhìn lại 69 năm lịch sử bikini, dư luận Việt Nam lại xôn xao khi GĐ Sở VH,TT& DL Đà Nẵng băn khoăn rằng có nên đề xuất lập riêng khu tắm biển dành cho phụ nữ mặc Bikini. Theo đó, Sở Đà Nẵng đánh giá một số phụ nữ không mặc Bikini mà mặc áo ngủ đi tắm biển ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch biển của Thành phố. Và Thành phố đang tìm những biện pháp để khuyến khích phụ nữ tắm biển mặc Bikini.
69 năm, cuộc sống đã thay đổi. Từ việc mặc Bikini là “thiếu đoan trang” thành không mặc Bikini làm mất mỹ quan. Từ việc chỉ vũ nữ khỏa thân dám mặc Bikini nay bộ trang phục hai mảnh đang được khuyến khích để “phổ cập hóa”. Từ việc mặc Bikini là phản cảm nay thành phải vận Bikini tắm biển mới văn minh... 69 năm - con số ấn tượng và đầy ngoạn mục để nhìn lại sự đảo lộn của những giá trị.
Hơn thế, việc Đà Nẵng quan tâm tới hình ảnh du lịch từ bộ Bikini không phải trường hợp dị biệt. Trước đó, nước Cộng hòa Malta đã từng dấy lên tranh cãi khi vị giám mục Michael Gonzi đề xuất chính quyền cấm du khách mặc Bikini vì nó ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia này. Cũng là hình ảnh du lịch địa phương/ quốc gia cùng những đề xuất “táo bạo” song thời gian đã làm mọi thứ thật khác.
Nỗi băn khoăn của vị lãnh đạo ở Đà Nẵng trong những ngày qua đã nhận nhiều ý kiến trái chiều (phần nhiều là không tích cực). Song nếu đặt quan điểm có phần cực đoan của ông vào theo dòng lịch sử của Bikini, có thể thấy, ông không phải là người duy nhất quan tâm tới tầm quan trọng của bộ trang phục (tưởng chừng nhỏ) này tới việc phát triển vĩ mô.
Vậy quan điểm này của ông có đáng bị “ném đá”?
Từ lịch sử 69 năm của Bikini, thật khó để đưa ra bất cứ câu khẳng định gì vì các giá trị vẫn đổi thay ngày ngày. Và biết đâu, 96 năm sau người ta lại tôn vinh ông như người mở lối vĩ đại cho du lịch Đà Nẵng từ bộ Bikini?/.