Có nên lùi lịch ăn Tết của người Mông vào Tết Nguyên đán?
VOV.VN - Thực ra sự thay đổi lịch ăn Tết này là sự sắp xếp cho phù hợp với tất cả mọi người, không ảnh hưởng đến văn hóa của người Mông.
Sau cuộc họp giữa 4 xã tiếp giáp của tỉnh Sơn La và Hòa Bình, mới đây, UBND xã Pà Cò (huyện Mai Châu, Hòa Bình) đã có văn bản thông báo về việc chuyển lịch ăn Tết cổ truyền của người Mông sang ăn Tết Nguyên đán cùng với cả nước khiến cho dư luận bàn tán xôn xao. Việc chuyển đổi lịch ăn Tết của người Mông sẽ được thực hiện ngay trong mùa xuân này. Thông tin trên nhận được nhiều ý kiến trái chiều, phản đối có và đồng tình cũng có. Phóng viên VOV ghi nhận ý kiến của một số người Mông xung quanh câu chuyện này.
Văn bản của UBND xã Pà Cò. |
Nỗi trăn trở của Khang A Tủa
Trò chuyện với Khang A Tủa, người Mông ở huyện Mù Căng Chải, Yên Bái, hiện đang là sinh viên trường Đại học Fulbright Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh, cậu cho biết, nhiều bạn bè của mình ở xã Pà Cò, gia đình làm thuần nông, tự cung, tự cấp thì sự thay đổi về lịch đón Tết ảnh hưởng trực tiếp đến lịch sản xuất nông nghiệp.
Lịch ăn Tết hiện nay của người Mông thường sớm hơn lịch ăn Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng. Như thường lệ, ăn Tết xong, người Mông sẽ bắt đầu đi làm luôn. Việc lùi lịch ăn Tết sẽ khiến lịch nông bị lùi hoặc bị trùng. Mà Tết của người Mông gồm cả lễ và hội, muốn có hội thì phải có cộng đồng, mà muốn có cộng đồng tham gia vào các lễ hội truyền thống thì buộc phải không trùng với lịch làm nông nghiệp.
Hình ảnh người Mông vui Xuân. |
Nếu trùng chỉ có hai phương án lựa chọn là dịch chuyển lịch sản xuất nông nghiệp hay là bỏ lễ hội. Nếu nhìn vào sự lựa chọn này thì cả hai phương án đều bất lợi cho người Mông. Bỏ lễ hội thì chính họ cũng sẽ không nhận ra đó là Tết cổ truyền của dân tộc mình. Còn nếu thay đổi lịch sản xuất nông nghiệp thì ảnh hưởng đến mùa màng và sự cân bằng lịch nông nghiệp cũng như cân bằng cuộc sống.
Khang A Tủa trong sự kiện Tết Mông xuống phố |
Việc chuyển đổi này không đáng làm ầm ĩ
Nhưng với những người trẻ đi học xa nhà bao năm nay như Vừ Pát Ly thì lại thấy việc thay đổi lịch ăn Tết của dân tộc Mông cùng với Tết Nguyên Đán lại là cơ hội cho Ly. Ly cho biết, chỉ là thời gian thay đổi còn các phong tục, nghi lễ trong ngày Tết của người Mông không thay đổi. Họ vẫn ăn Tết như thường ngoại trừ chậm hơn 1 tháng so với lịch cũ.
Vừ Pát Ly quê ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết, Tết người Mông ở Việt Nam, mỗi vùng, mỗi nơi ăn một lịch khác nhau. Hiện nay, người Mông không còn thống nhất ngày như ngày xưa nữa. Ngay như gia đình Ly cũng đã chuyển về ăn cùng với lịnh chung cả nước cách đây 3 - 4 năm. Cá nhân Ly cũng như nhiều bạn bè cùng hoàn cảnh đều thấy việc chuyển đổi này không đáng làm ầm ĩ, bởi nhiều người hiểu nhầm văn bản của xã Pà Cò là bỏ Tết người Mông mà thực chất văn bản đó là thông báo lùi lịch ăn Tết cùng với cả nước mà thôi.
Ly đưa ra ngay ví dụ về bản thân mình. Đi học nội trú huyện từ năm lớp 6. Sau khi học xong phổ thông, Ly xuống Hà Nội học đại học. Nhiều năm liền học xa nhà, Ly ít có cơ hội ăn Tết với gia đình mình. Ngay cả những phong tục tập quán, lễ hội cũng không có điều kiện được chứng kiến. Ngày đó, nhà nghèo như nhà Ly chỉ mong chờ Tết đến mới dám mổ vài con gà và 1 con lợn.
Với nhà giàu thì việc đó không là gì nhưng với những gia đình khó khăn thì để có cái Tết tươm tất cũng phải dành dụm cả năm. Mà khi đó, con cái thì không về được, bố mẹ thì không lỡ ăn khi gia đình không đầy đủ thành viên. Đó cũng là một trong những lý do khiến cho nhiều gia đình có con đi học xa đều lùi lại thời gian ăn Tết của dân tộc Mông cùng với lịch Tết nguyên đán. Còn nhiều nhà hàng xóm của Ly vẫn đón Tết Mông như bình thường.
Thực ra sự thay đổi lịch ăn Tết này là 1 sự sắp xếp cho phù hợp với tất cả mọi người, không ảnh hưởng đến văn hóa của người Mông. Cái cần giữ không phải là thời điểm ăn Tết mà là giữ nội dung ăn Tết mới quan trọng
Việc ăn Tết trước hoặc sau 1 tháng đều có mặt tốt và hạn chế của nó. Nhưng theo Ly thì không ảnh hưởng gì đến văn hóa của người Mông.
Lùi lại 1 tháng cùng với Tết Nguyên đán có ưu điểm là những gia đình có con cái đi học xa, người đi làm xa, những người làm công chức nhà nước thì đương nhiên họ được nghỉ Tết Nguyên đán theo quy định của nhà nước sẽ có thời gian sum họp với gia đình.
Vừ Pát Ly quê ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La |
Liệu đó có phải là phương án tốt nhất cho người Mông không khi mà công việc của họ là làm nông nghiệp, quanh năm bám mặt vào đất. Vậy làm 11 tháng nghỉ xả hơi 1 tháng liệu có quá ích kỷ khi áp nhãn quan vào cuộc sống của người Mông hay không?
Vì vậy hãy để người Mông được chủ động đón Tết và tổ chức Tết theo cách của riêng họ vốn có từ bao đời nay./.