TS Nguyễn Văn Vịnh:

Cười ra nước mắt từ "hiện tượng Lệ Rơi"

VOV.VN - “Hiện tượng Lệ Rơi" cũng xẹp đi để “dọn đường” cho những hiện tượng khác, song tôi vẫn thấy trò đùa này buồn cười từ đầu chí cuối”.

Trong một khoảng thời gian ngắn, từ những clip dở tệ, Lệ Rơi (tên thật là Nguyễn Đức Hậu) bỗng chốc trở thành “người của công chúng”. Đến thời điểm hiện tại, bên cạnh việc chăm mấy sào ổi vườn nhà, Hậu phải đối mặt với một áp lực khác - áp lực của người "nổi tiếng".

TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục chia sẻ những ý kiến về hiện tượng truyền thông đặc biệt này.

 

TS Nguyễn Văn Vịnh (Ảnh: Phạm Mỹ)

PV: Ông nghĩ sao về “hiện tượng Lệ Rơi”?

TS Nguyễn Văn Vịnh: Mọi người đều hát một cách nghiêm túc, hát đúng với bài hát, trường hợp Hậu bỗng dưng thành hài hước. Đây có thể coi là một dạng hiệu ứng ngược. Chẳng qua, mọi người thấy nó sai lệch và ngược mọi chuẩn mực thì cảm thấy thích thú. Đây là những dấu hiệu không quá đáng sợ trong đời sống thẩm mỹ.

Tôi tin, đây không phải là thủ pháp hay điều gì trong tính toán của Hậu cả. Chỉ đơn giản là cậu hát sai và lệch tâm niệm bình thường của mọi người nên người ta thấy vui vui, thích xem và chia sẻ. Tôi thấy, thị hiếu chung của xã hội cũng không bệnh hoạn tới mức coi đó là chuẩn mực hay khen ngợi cậu hát hay.

PV: Nhưng nếu chỉ vậy thôi chắc có nhiều người khác nổi tiếng lâu rồi...?

TS Nguyễn Văn Vịnh: Ngoài sự lệch chuẩn, hiện tượng Hậu bỗng trở thành cơn sốt do hội tụ được những yếu tố khác nữa trong bối cảnh dư luận xã hội và truyền thông. 

Đầu tiên là Hậu xuất hiện trong thời điểm đời sống thẩm mỹ đang nhạt nhẽo khi Gameshow bão hòa chiêu trò, “bội thực” giọng hay dáng đẹp. Thứ hai, giờ cũng là thời điểm Internet và mạng xã hội đang phát triển cực thịnh. Nên bất cứ điều gì khác thường, lạ thường hay nhất hoặc dở nhất, miễn là làm con người quan tâm, thì nó đều được chia sẻ và lan nhanh như Virus.

Cũng như vậy, việc đám đông chú ý vào một hiện tượng, nhấn phím “like”, comment vài câu ủng hộ không đồng nghĩa với hiện tượng ấy có giá trị.

"Ca sĩ Lệ Rơi"

PV: Nhưng những điều “giễu nhại”, “thảm họa âm nhạc” lên ngôi, có lẽ không ổn cả về mặt giáo dục, dư luận xã hội lẫn đời sống văn hóa, thưa tiến sĩ?

TS Nguyễn Văn Vịnh: Đương nhiên là khi giá trị bị đảo lộn thì ta không thể coi đó là ổn được. Nhưng cũng nên công tâm rằng giới trẻ (nhất là ở thời điểm công nghệ hiện đại) thường thích và gây ồn ào với những điều mới mẻ, lạ lẫm (không quan trọng giá trị thực). 

Dù vẫn biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng nhìn lại những hiện tượng truyền thông mạng như Running Man, Bà Tưng... nổi tiếng nhanh và lãng quên cũng rất nhanh. Và tôi tin trường hợp Hậu cũng vậy, đó chỉ là một trò đùa. Cười một lần rồi thôi chứ chẳng ai có thể cười mãi được. Thêm nữa, sự tự cân bằng của văn hóa trước những biến động cũng sẽ đào thải những thứ lạc nhịp so với giá trị nguồn nên tôi không tin “hiện tượng Lệ Rơi” có thể kéo dài.

Bởi vậy, cá nhân tôi nghĩ, không nên quá nặng lời phê phán các bạn trẻ. Mà hãy để họ xem nếu họ thấy vui rồi đâu lại vào đấy.

PV: Thế giả dụ hiện tượng mạng này tìm cách gia nhập Showbiz bằng trò tếu của mình thì liệu rằng có “đâu vào đấy” được không, thưa ông?

TS Nguyễn Văn Vịnh: Tôi không tin cậu ấy đủ khả năng vào làng giải trí. Vì ngoài diễn vài trò tếu phá giọng ra, để có thể kiếm tiền bằng tiếng cười còn đòi hỏi nhiều thứ khác. Mà những thứ tối quan trọng là: ngoại hình và đặc biệt là tài năng thì cậu ấy không có.

Nên tôi vẫn khẳng định hiện tượng này sẽ lướt qua để chúng ta cùng soi lại đời sống văn hóa của mình chứ thực chất nó sẽ không đi đến đâu cả.

PV: Vậy “hiện tượng Lệ Rơi” qua đi, đọng lại trong tiến sĩ, người nghiên cứu xã hội, giáo dục là điều gì?

TS Nguyễn Văn Vịnh: Tôi thấy có gì đó mỉa mai, chua chát. Trước Lệ Rơi, nhiều người sẵn sàng làm mọi thứ để nổi tiếng (nào là khoe của, nào là khoe thân, nào là gắng tạo tranh cãi, nào là xây dựng hình tượng thật độc...) mà vẫn chẳng thể “hot”. Trong khi một anh nông dân, dáng điệu quê mùa, hát sai cả nhạc cả lời bỗng chốc trở thành hiện tượng “phủ sóng” khắp nơi.

Tất nhiên, rồi hiện tượng của cậu cũng xẹp đi để “dọn đường” cho những hiện tượng khác với những sự phản chiếu xã hội dưới lăng kính khác song tôi vẫn thấy trò đùa này buồn cười từ đầu chí cuối. Cười ra nước mắt...

PV: Cảm ơn TS Nguyễn Văn Vịnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thấy gì từ hiện tượng Lệ Rơi?
Thấy gì từ hiện tượng Lệ Rơi?

VOV.VN - Cái đẹp không thiếu nhưng chẳng ai quan tâm, còn cái xấu thì lại được bàn luận, chia sẻ nhiều nên lan nhanh như virus.

Thấy gì từ hiện tượng Lệ Rơi?

Thấy gì từ hiện tượng Lệ Rơi?

VOV.VN - Cái đẹp không thiếu nhưng chẳng ai quan tâm, còn cái xấu thì lại được bàn luận, chia sẻ nhiều nên lan nhanh như virus.