Đại sứ Phạm Sanh Châu: Ngày Tết, tôi rất nhớ bàn thờ ông bà, tổ tiên
VOV.VN - Theo Đại sứ Việt Nam Phạm Sanh Châu, cứ ra khỏi Việt Nam, không khí Tết không được như ở nhà.
“Chúng tôi mong muốn đưa Việt Nam trở thành điểm du lịch-sự kiện giải trí hàng đầu đối với Ấn độ nói riêng và các nước khác nói chung”, đó là những chia sẻ của Đại sứ Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam trước thềm Xuân mới Kỷ Hợi 2019. Từ Ấn độ, ông đã dành cho VOV cuộc trò chuyện ngắn về Tết, về những dự định mà ông đang ấp ủ để đưa Việt Nam trở thành một điểm đến toàn cầu.
Đại sứ Phạm Sanh Châu (thứ hai từ trái sang) trong bộ áo dài truyền thống
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Xin kính chào quý thính giả của VOV
PV: Thưa Đại sứ, Tết đã đến rồi và cảm xúc của ông như thế nào ạ?
ĐS Phạm Sanh Châu: Thời điểm hiện tại tôi đang đi công tác ở xa, tôi rất nhớ nhà. Nhưng trong lòng tôi vẫn hình dung mình ở Hà Nội đang làm gì. Tôi sẽ đi xem hội Báo xuân, tôi nhớ cảnh tôi thay mặt Lãnh đạo Bộ NG chúc Tết những cán bộ cũ của Bộ Ngoại giao, mỗi ngày Tết đường phố rất đông, tôi chỉ đi chúc Tết được hai, ba người nhưng trong lòng cảm thấy rất ấm áp. Tóm lại tôi ngồi đây nhưng tôi hình dung ra có rất nhiều hoạt động ở quê nhà. Cảm giác là người Việt Nam, thuộc về Việt Nam.
PV: Vâng, Tết đến khiến mỗi chúng ta rất xao xuyến. Còn ông, đã nhiều lần đón Tết xa quê, điều khiến ông nhớ nhất mỗi độ Tết về, đặc biệt là chiều 30 Tết như thế nào?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Cứ ra khỏi Việt Nam, không khí Tết không được như ở nhà. Nên tôi phải tạo được không khí tết cho anh em ở Đại sứ quán, ở cộng đồng làm sao ấm áp như ở nhà. Năm nay bên này tôi tổ chức gói bánh chưng cho anh em, gói bánh trưng ở Ấn độ thười điểm này làm tôi nhớ lại thời bao cấp. Đầu tiên là phải nhờ mua được lá, rồi chuyển lá sang bên đây; rồi đi mua gạo nếp, đỗ xanh…Ở bên này lại đi bắt lợn, chia ra rồi đến đoạn thuê nồi để nấu. Năm nay chúng tôi nấu ba nồi, chúng tôi phân công nhau từng cán bộ đi rửa lá, đãi đỗ rồi gói bánh…Chúng tôi cũng đặt cành đào từ Hà Nội sang. Một bạn về Việt Nam sang mang được hai cành nhưng người ta chỉ cho mang một cành thôi. Nên có được một cành đào là rất quý. Ai cũng chạy đến ngắm càng đào và chụp ảnh để giữ lấy sắc Xuân…Tóm lại không khí Tết rất vui.
Đặc biệt vui nữa là cả cơ quan tập văn nghệ hát bài “Xuân ơi xuân, xuân đã về” và mời toàn bộ cộng đồng ở cả ba nước Ấn độ, Nepal và Bhutan tham gia hát. Mọi người đều nhớ nhà. Nhưng thời khắc chúng tôi cảm nhận rõ nhất đó là mọi người mặc áo dài. 50 cán bộ chúng tôi mặc áo dài và ra công viên NewDhli Garden, nơi có rất nhiều ngôi mộ cổ ở nước bạn để chụp ảnh. Rất nhiều người xúc động vì được mặc áo dài. Họ nhắn tin cho tôi “Cảm ơn Đại sứ đã cho tôi cảm giác là người Việt Nam, thuộc về dân tộc Việt Nam”. Cuối cùng, thời điểm chúng tôi xúc động nhất là tổ chức văn nghệ và ăn bánh trưng, và đốt pháo. Trước khi ra về, mỗi người chúng tôi được ăn một bát bún măng, và chúng tôi còn đánh một tý bài nữa (cười)….
Đại sứ Phạm Sanh Châu rất vui khi được cùng bà con tổ chức tết cổ truyền ở nơi xa xứ.
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Ở Ấn độ cộng đồng ít hơn và họ cũng không có nhiều điều kiện, không được đi chơi nhiều. Do đó, sự gắn bó cộng đồng lớn hơn, mật thiết hơn. Mọi người hẹn tôi, khi tôi đi công tác về, mọi người sẽ đến để chúc Tết. 30 tết năm nay tôi đi công tác nên mọi người hẹn đến mùng 3. Mọi người chúc tết nhau để vơi đi nỗi nhớ nhà. Tôi xoay vé đi xoay vé về để kịp chiều 30 Tết để đón Xuân cùng bà con, nhưng hội nghị hôm ấy lại gặp ông Thống đốc. Nên cảm giác cũng rất là buồn.
Nỗi nhớ thứ 2 là nhớ bàn thờ ông bà tổ tiên. Bởi vào thời khắc thiêng liêng nhất, chúng tôi không biết gửi gắm tâm hồn cảm xúc của mình vào đâu. Chúng tôi cũng nhớ không khí Tết, cái “mùi” Tết, cái sự tấp nập trên đường phố. Ở đây chúng tôi không có bàn thờ, anh chị em phải thắp hương chung. Nói chung rất thiệt thòi đối với các anh em xa xứ như chúng tôi. Cá nhân tôi rất yêu Tết và muốn gắn bó với quê hương. Nỗi nhớ quê hương dịp Tết về có thể nói là một nỗi nhớ hư vô, khắc khoải bởi vì mọi người vẫn sinh hoạt bình thường.
PV: Đối với người Việt sinh sống ở nước ngoài, giữ lại “văn hóa gốc” là một thách thức rất lớn trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ như hiện nay. Làm thế nào để bảo tồn được truyền thống văn hóa của mình, đặc biệt là khi xuân về thưa Đại sứ?
ĐS Phạm Sanh Châu: Đối với mỗi con người Việt đều có những gốc riêng và bản sắc văn hóa riêng và mỗi dịp tết, bản sắc văn hóa lại “nổi lên”. Theo một số nghiên cứu, cộng đồng người Việt ta ở nước ngoài, truyền thống văn hóa mới được bảo tồn một cách gốc nhất bởi người Việt ở nước ngoài có khả năng “tự vệ” trước sự tấn công của văn hóa bàn địa. Đó là một thách thức rất lớn, nhưng khi biết cách thì chúng ta có thể bảo tồn được truyền thống văn hóa của mình.
Chúng tôi luôn xác định rằng có 2 sự kiện quan trọng trong một năm. Thứ nhất là Quốc khánh 2.9, chúng ta mời bạn bè đến chung vui và quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam phát triển, thịnh vượng và hiếu khách. Thứ hai là Tết cộng đồng. Đó là những thời điểm kết tinh lớn nhất để tất cả chúng ta “hội tụ” lại với nhau, cùng nhau hướng về quê hương, khẳng định kiều bào ta là một bộ phận máu thịt không thể tách rời khỏi dân tộc như lời Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói.
Chúng tôi luôn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của kiều bào ta. Tôi nói ví dụ, dịp Tết chúng tôi đi thăm các tù nhân ở nước sở tại gửi cho họ chút quà, để họ thấy rằng quê hương không quên họ. Thậm chí cả cộng đồng địa phương, có người đã làm ở đây 25 năm, chúng tôi chúc tết họ, để gắn kết họ với cộng đồng của mình và họ rất xúc động.
PV: Năm 2019 này sẽ có những hoạt động lớn nào được kết nối giữa Việt nam và Ấn Độ, Nepal và Bhutan thưa Đại sứ?
Đại sứ Phhamj Sanh Châu: Chúng tôi đang mời lãnh đạo 3 nước Ấn độ, Nepal và Bhutan vào dự Đại lễ Phật đản VESAK của Việt Nam vì cả 3 nước đều có cộng đồng Phật giáo rất lớn. Ngoài ra, chúng tôi còn thúc đẩy rất nhiều hoạt động về mặt thương mại. Hiện tôi đang hỗ trợ tổ chức một đám cưới của một triệu phú Ấn độ ở Việt Nam. Nếu đám cưới Ấn độ ấy thành công sẽ có 3 chuyên cơ và 600 khách Ấn độ bay từ Ấn độ sang đảo Phú Quốc của ta tổ chức sự kiện. Họ đều là những tỷ phú, triệu phú Ấn độ. Hiện nay, toàn bộ phòng của khách sạn Mariotte Phú Quốc đã được book hoàn toàn.
Hợp đồng 3 chuyên cơ chuyên chở các vị khách từ Ấn độ sang Việt Nam cũng đã được ký kết với Vietjet . Đó là công việc mà tôi rất hào hứng bởi nếu thành công, nó sẽ đưa Việt Nam trở thành địa điểm du lịch –sự kiện tổ chức đám cưới của các gia đình tỷ phú, triệu phú Ấn độ nói riêng, các quốc gia khác nói chung. Qua đó sẽ đẩy hình ảnh Việt Nam lên quy mô toàn cầu. Chúng tôi cũng đang phối hợp với các công ty lớn của Ấn Độ xây dựng các hợp đồng sản xuất đồ gỗ trong khách sạn giữa hai nước. Đây là những dự án rất lớn.
Hiện nay một số công ty Việt Nam đã cung cấp các sản phẩm đồ gỗ cao cấp cho Hoàng gia Bhutan và được đánh giá cao. Còn cả những chương trình quảng bá thời trang áo dài Việt Nam tại Ấn độ nữa; cùng với đó sẽ là các chuyến thăm cấp cao giữa các Bộ, ngành hai nước. Nói chung sẽ có rất nhiều hoạt động mà chúng tôi kỳ vọng đưa hình ảnh Việt Nam lên tầm quốc tế mạnh mẽ hơn.
PV: Xuân mới Kỷ Hợi 2019 đã về, nhân dịp này Đại sứ mong muốn gửi lời chúc nào đến mọi người?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Năm mới vào thời khắc thiêng liêng này, khi sắc xuân đang tràn ngập từng ngõ phố, chúng tôi những người con xa xứ, đặc biệt là những người con đang sinh sống và làm việc tại Ấn độ muốn gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới đất nước, dân tộc Việt Nam. Chúng tôi mong rằng đất nước ta dân tộc ta luôn sống trong hòa bình, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc. Nhà nhà ngày càng ấm no hơn. Xin chúc VOV luôn là tiếng nói thân thương . Chúng tôi cảm giác rất ấm lòng khi nghe được tiếng nói của VOV nơi xa quê.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.