Đàm Vĩnh Hưng và bê bối văn hoá ứng xử

(VOV) - “Sự cố” với 2 sư thầy xảy ra hơn 1 tuần, Đàm Vĩnh Hưng đã viết thư xin lỗi nhưng dường như công chúng vẫn chưa thể bỏ qua.

Trong những ngày qua, khi VOV online đăng tin về lá thư xin lỗi của Đàm Vĩnh Hưng, rất nhiều ý kiến của độc giả đã gửi về bày tỏ sự bất bình với hành động của Đàm Vĩnh Hưng. Và lá thư, dù được gọi là “tâm thư” của anh vẫn chưa thể xoa dịu công chúng. Vì sao vậy?

Trong thư, Đàm Vĩnh Hưng tự ý thức được rằng: “Theo lẽ thường, nếu tôi im lặng thì mọi chuyện cũng sẽ trôi đi” vì đó hoàn toàn là “sự cố”, là “những hình ảnh dễ gây hiểu lầm”.

Đàm Vĩnh Hưng lý giải việc mình mang rượu đến đấu giá và có đưa ra lời treo thưởng bằng “hai nụ hôn” với mục đích bày tỏ sự biết ơn và bày tỏ một cách thành thật nhất với người mua chai rượu.

Khi tìm được người thắng cuộc mua chai rượu, ngẫu nhiên rơi vào 2 sư thầy, biết vậy, nhưng vì giữ lời hứa, anh phải thực hiện hành động “hôn môi” theo yêu cầu.

Trang cuối của lá thư dài 6 trang viết tay Đàm Vĩnh Hưng gửi báo giới và khán giả


Đàm Vĩnh Hưng khẳng định đó là hành vi “với tinh thần lành mạnh và hướng thiện”, “là một hành động mang tính ước lệ, như một lời cảm ơn chứ chính tôi không có suy nghĩ rằng nó sẽ gây ra một sự phẫn nộ như vậy, khi hình ảnh được đưa lên truyền thông với những lời bình luận có phần ác”. 

Đàm Vĩnh Hưng tỏ ra am hiểu giáo lý nhà Phật: “Dư luận vẫn luôn là dư luận, bản thân tôi sẽ có trách nhiệm với những quyết định của mình. Ai hiểu, cảm thông, rộng lượng và chia sẻ thì tôi xin ngàn lần cảm tạ, còn những ai vẫn giữ ác cảm, thì tôi cũng xin chịu và sẽ đợi quý vị ở ngưỡng cửa Từ Bi”.

Đàm Vĩnh Hưng cũng tự nhận: “Tôi là một nghệ sỹ và tôi có lòng tự trọng đủ lớn, để biết mình cần ứng xử cho đàng hoàng hơn, tỉnh táo hơn...” Anh cũng nhận hết mọi phiền toái về mình và “xin khán giả, các tăng ni, phật tử hãy nhận từ Đàm Vĩnh Hưng lời xin lỗi thành tâm nhất”.

Tuy vậy, đọc những lời  anh viết, nhiều độc giả lại thấy hình như  anh vẫn còn thái độ “ngạo mạn, coi thường người khác”.

Lẽ thường, là một người của công chúng, hơn ai hết, Đàm Vĩnh Hưng phải hiểu nhất cử nhất động đều có ánh mắt soi xét của công chúng. Người như anh không thể “hôn môi” bừa bãi được, đặc biệt là với các vị tu hành.

Có lần trả lời báo chí, chính Đàm Vĩnh Hưng tự nhận: "Tôi thích gây sốc khiến người khác phải ngoái lại nhìn". “Sự cố” lần này liệu có nằm trong chủ đích tạo scandal hay không, chỉ anh mới biết. Việc Đàm Vĩnh Hưng làm là phản văn hoá, việc anh viết thư với thái độ như vậy cũng là phản cảm.

Hành vi của anh bị lên án mạnh mẽ là điều dễ hiểu vì nghệ sĩ nổi tiếng như vậy có ảnh hưởng rất lớn đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ, những người đang trên đường hoàn thiện nhân cách.

Chính bởi thế, các cơ quan quản lý văn hoá cần có thái độ rõ ràng và kịp thời, những hành vi như vậy cần có chế tài nghiêm khắc, mang ý nghĩa răn đe với những nghệ sĩ khác. Tất nhiên, các nhà quản lý có thể dễ dàng xử phạt một hành vi phản văn hoá như vậy, nhưng để tạo ra một lớp nghệ sĩ có văn hoá, ứng xử lịch sự, phù hợp trên sân khấu cũng như ngoài đời, lại là một việc không dễ dàng.

Điều đó phụ thuộc vào tầm văn hoá của cả xã hội, liệu có được nâng lên đúng tầm với sự phát triển của kinh tế hay không./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên