Đặng Tin Tưởng “càng vẽ nhiều càng thấy muốn vẽ nữa”

Triển lãm “ Cảm thức Hồ Gươm” của hoạ sĩ Đặng Tin Tưởng đang diễn ra từ 22/5 – 5/6/2010 tại Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền-Hà Nội

Nếu chỉ thưởng thức những tác phẩm Hồ Gươm của hoạ sỹ Đặng Tin Tưởng tại triển lãm “ Cảm thức Hồ Gươm” (Do Hội Mỹ Thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật  Hà Nội tổ chức từ 22/5 – 5/6/2010 tại Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền-Hà Nội) không ít người xem có cảm nhận đây là những tác phẩm của một hoạ sỹ trẻ với tâm hồn lãng mạn và tràn đầy sức sống, luôn để cảm xúc dạt dào phóng khoáng tràn vào từng nét vẽ. Từng nét cọ, từng gam màu tươi sáng, đường nét có vẻ như nguệch ngoạc, nhoè mờ nhưng khi ngắm kỹ lại thì “hồn cốt” của sự vật lại bừng lên rõ nét trong tâm tưởng.  

Nhưng đó là những tác phẩm của hoạ sỹ Đặng Tin Tưởng (65 tuổi), một họa sỹ gạo cội trong làng mỹ thuật Việt Nam. Tên tuổi của  ông từ lâu được gắn liền với những bức tranh khắc đồ sộ về danh lam kiến trúc cổ như "Đền thờ Nguyễn Trãi", "Đền Ngọc Sơn trong ngày hội", "Xuân Đất Việt"… Tác phẩm của ông cũng có mặt trong  nhiều bộ sưu tập của Bảo tàng quốc gia và sưu tập tư nhân.  

Những bức tranh "Hồ Gươm" trong triển lãm lần này cũng như loạt tranh Sa Pa trong triển lãm trước đó đã tạo nên một hình ảnh mới về Đặng Tin Tưởng. Phải chăng đây là một cách khám phá bản thân và  “làm mới” mình của hoạ sỹ.
Nhà phê bình mỹ thuật Đặng Trường Lưu đã viết :“ Ở tuổi ông  người ta vẽ như một sự hoài niệm, ve vuốt vốn sống và kỹ thuật biểu hiện. Ở Đặng Tin Tưởng thì ngược lại ông luôn chú trọng tìm một phong cách mới, một ngôn ngữ mới, một chất liệu mới, khi bập bùng, khi bật sáng. Thì ra dưới một vẻ lừ đừ trầm thâm ấy là một khao khát, một mộng mơ, một chuỗi những luận đề đầy minh triết qua những nhoè mờ giấy dó, qua sự trong vắt của bảng màu, qua những tung tẩy của bút lực…hy vọng nghệ thuật của ông nói hết được những gì đang trở trăn, đang vật vã lo toan nhưng đầy trách nhiệm với cuộc đời” .

* Thưa hoạ sỹ, điều gì đã khiến ông thay đổi phong cách nghệ thuật chuyển từ sơn mài khắc vốn đòi hỏi sự tỉ mỷ, chi tiết và quy chuẩn sang thể  loại giấy dó và sơn Arcylic với phong cách vẽ phóng khoáng tự do ?

Hoạ sỹ Đặng Tin Tưởng: Là người nghệ sỹ luôn phải tự đổi mới nghệ thuật của mình. Cho đến nay việc sáng tác bằng chất liệu sơn mài khắc tôi vẫn còn thích thú nhưng đôi mắt của tôi không còn cho phép nữa rồi! tôi đành chuyển sang chất liệu giấy dó và sơn arcylic. Việc sử dụng bút pháp phóng khoáng hay không tuỳ thuộc vào tư chất của mỗi hoạ sỹ. Nếu tôi bây giờ có làm tranh sơn mài khắc sẽ không giống như trước. Nhịp sống xã hội của chúng ta ngày này là công nghiệp điện tử, văn minh hiện đại…người hoạ sỹ khi sáng tác phải đưa được cái “hồn” thời đại vào trong tác phẩm của mình.

Tôi thấy chất liệu m ới này cũng thích hợp với tôi vì từ nh ững sự gò bó công phu tỉ mỷ,  trải qua mấy chục năm gò bó khổ luyện thì bây giờ bật lên, vẽ cho nó bung ra. Cũng là những cảnh vật đấy nhưng thể hiện theo một cái tình cảm khác, một bút pháp khác.  

* Phong cách mới này có kế thừa phần nào của phong cách trước đó vốn là sở trường và là “thương hiệu” của ông ?

Hoạ sỹ Đặng Tin Tưởng: Với tôi phong cách nghệ thuật luôn luôn kế thừa và kế thừa sâu sắc cái hồn cốt của văn hoá Việt. Còn sở trường bạn cho là “thương hiệu” của tôi, dù trước đó có đẹp đến mấy mà bây giờ trong sáng tác của mình không có sự đổi mới thì cái thương hiệu bóng loáng trước kia cũng chẳng làm cho bạn sung sướng thêm!. 

* Triển lãm lần n ày chuyên về Hồ Gươm, sao ông lại chọn đề tài mà vốn dĩ có rất nhiều hoạ sỹ đã thể hiện ?

Hoạ sỹ Đặng Tin Tưởng: Hồ gươm là đề tài rất hấp dẫn của nhiều hoạ sỹ,  đối với tôi trong nghệ thuật mình làm được cái gì thì mình cứ làm thôi. Triển lãm “Cảm Thức Hồ Gươm” của tôi tuy chỉ có 30 ngày chuẩn bị nhưng nếu nhìn lại ở trong triển lãm này thì nó là 30  năm vì có tác phẩm ra đời cách đây 30 năm. Đây là dịp thể nghiệm nhanh một chủ đề hẹp để sau đây tôi có điều kiện sâu hơn trong các sáng tác tiếp theo. Đây cũng là tình cảm của một công dân Thủ đô hướng tới dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. 

* Nghe nói hoạ  sỹ bị  mắc bệnh hiểm nghèo, thị lực của ông ngày càng kém đi, vậy hiện hoạ sỹ đang sống gấp, vẽ gấp ?

Hoạ sỹ Đặng Tin Tưởng: Nói là sống gấp cũng chưa hẳn là đúng, vẽ gấp cũng vậy…

Trong những lần đi Sa Pa sáng tác cùng hoạ sỹ Trần Lưu Hậu, có những lúc nằm một mình trong phòng trên Sa Pa tôi nghĩ rằng có lẽ mình cũng phải cố gắng vẽ, tranh thủ vẽ thật nhiều cho đến khi mắt mình không còn nhìn thấy... Do vậy những năm gầm đây tôi đi Sa Pa rất nhiều và sẽ cố gắng vẽ nhiều, mỗi năm vẽ theo cảm xúc khác nhau, suy nghĩ khác nhau . Mấy năm trước mắt còn nhìn rõ hơn  thì vẽ theo cách nhìn đấy và đến bây giờ dần dần nó càng mờ đi thì vẽ theo cảm xúc của tư duy nhiều hơn. 

Tôi cũng rất tâm đắc với bài viết về tôi của Phan Cẩm Thượng với chủ đề “Tâm động theo bút ” tức là vẽ bằng trái tim và khối óc là chính chứ không phải vẽ bằng trực quan. Trực quan nó là cái cớ cho mình thể hiện.  

* Sau từng đấy năm cầm cọ giờ ông chắt lọc được điều gì ?

Hoạ sỹ Đặng Tin Tưởng: Một điều đơn giản tôi càng vẽ nhiều thì lại càng thấy muốn vẽ nữa, vẽ để tìm cho ra điều mình cần thể hiện. Nếu không vẽ thì chả bao giờ nghĩ đến việc tìm tòi. Khi vẽ xong bức thứ nhất có những chỗ thoả  mãn có những chỗ chưa thoả mãn… Tiếp tục đó những bức sau mình lại muốn tìm tòi sâu hơn nữa. 

* Ước muốn lớn nhất của ông hiện giờ ?

Hoạ sỹ Đặng Tin Tưởng: Luôn duy trì được mạch vẽ của tôi. Từ  nay cho đến  khi tôi không còn nhìn được  tôi sẽ cố gắng vẽ một số tranh giấy dó để làm thành một tuyển tập tranh giấy dó và nếu có thể nữa cũng sẽ  ra một tuyển tập tranh sơn Arcylic và tổ chức in một tuyển tập tranh sơn mài  khắc do chính mình biên tập. 

* Xin cám ơn hoạ sỹ , chúc ông thực hiện thành công những dự định của mình !

Màu hoa đỏ (Arcylic)

Phong cảnh đền Ngọc Sơn (Arcylic)





Trước của đền Ngọc Sơn (Arcylic)


Đền Ngọc Sơn 1 (Giấy dó)


HOẠ SĨ ĐẶNG TIN TƯỞNG|

Sinh năm 1945 tại Hải Dương
Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam
Hội viên hội Mỹ Thuật Hà Nội
Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam

Tác phẩm sưu tập của Bảo tàng

  • 1970-1972: Tranh khắc gỗ : “Tán đinh chữa cầu” , “Cảng mới Hòn Gai”, “ Bên núi Bài Thơ” bảo tàng Mỹ thuật quốc gia sưu tầm.
  • Tranh khắc gỗ “Trên Cầu ” Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia sưu tầm. Bản khắc gỗ bảo tàng dân tộc Miami (Mỹ) sưu tầm.
  • 1980: Tranh sơn mài khắc “Đền thờ Nguyễn Trãi “ bảo tàng Mỹ thuật quốc gia sưu tầm.
  • Tranh sơn mài khắc  “Đình thờ vua Lê Đại Hành” Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia sưu tầm
  • Tranh sơn mài khắc  “Điểm hẹn” Bảo tàng Quân đội sưu tầm
  • Tranh sơn mài khắc  “Chiến khu Vần” Bảo tàng chiến khu Vần sưu tầm
  • 1989 Tranh khắc gỗ “ Làng mới ở Quỳnh Lưu “ Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia sưu tầm
  • 1991 Tranh sơn mài khắc “Xuân Đất Việt ” hiện lưu tại Nhà khách Chính phủ. Phác thảo đen trắng Bảo tàng dân tộc Miami (Mỹ )sưu tầm.

Giải thưởng

  • 1980: Tranh sơn mài khắc “Đền Thờ Nguyễn Trãi” 80x120cm - Giải thưởng triển lãm Mỹ Thuật toàn quốc và Giải thưởng Triển lãm mỹ thuật thủ đô Hà Nội
  • 1982: Tranh sơn mài khắc “Đền Ngọc Sơn trong ngày hội ” 120 x 240 cm- Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật thủ đô Hà Nội
  • Một số tác phẩm đã in trong Tuyển tập Mỹ Thuật Việt Nam thế kỷ XX, Mỹ Thuật thủ đô Hà Nội thế kỷ XX, 50 năm hội hoạ hiện đại Việt Nam, Tuyển tập tranh khắc gỗ Việt Nam, Nghệ thuật sơn mài Việt Nam
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên