Danh nhân tuổi Sửu trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Đại anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo” đã viết về đất nước ta: “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”. Nhân năm Sửu, xin giới thiệu một số danh nhân sinh tuổi Sửu

 

Danh nhân Trần Nguyên Đán (Ảnh Internet)

* Phùng Hưng sinh năm Tân Sửu 761, quê ở làng Đường Lâm, nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Sinh thời, Phùng Hưng là người khoẻ mạnh và dũng lược. Chính ông đã phát động và lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa lớn, đập tan chính quyền đô hộ của nhà Đường, xây dựng nền độc lập tự chủ trong một thời gian khá dài, được nhân dân suy tôn là Bố cái Đại vương. Ông mất năm 802 (41 tuổi).

* Trần Quang Khải sinh năm Tân Sửu 1241. Ông là con trai thứ ba của vua Trần Thái Tông; là nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà thơ lớn của dân tộc. Dưới triều Trần Thánh Tông (1258 - 1278), Trần Quang Khải được phong tước Chiêu minh Đại vương, từng được cử làm Thượng tướng Thái sư, đứng đầu triều đình. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), Trần Quang Khải là vị tướng chủ chốt thứ hai sau Trần Quốc Tuấn có nhiều công lao lớn trên chiến trường. Ông còn là một nhà thơ với tâm hồn thơ khoáng đạt, gần gũi, gắn bó với cuộc sống bình dị nhưng hào hùng của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là bài “Tụng giá hoàn kinh sư” được viết sau chiến thắng Chương Dương độ vào tháng 6/1285 - chiến thắng được coi là lớn nhất lúc bấy giờ:

          “Chương Dương cướp giáo giặc

          Hàm Tử bắt quân thù

          Thái bình nên gắng sức

          Non nước ấy nghìn thu” (Trần Trọng Kim dịch).

* Trần Nguyên Đán sinh năm Ất Sửu 1325, là danh sĩ nổi tiếng đời Trần, hiệu là Băng Hồ, ông là chắt nội của Trần Quang Khải và là ông ngoại của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Đời Trần Dụ Tông (1341-1369), ông được bổ làm Ngự sử đại phu; đời Nghệ Tông lên chức Tư đồ, tước Chương Túc hầu. Ông sống vào lúc triều Trần vào buổi suy vi nên mang trong mình rất nhiều tâm sự. Những tâm sự này được ông đưa vào thơ văn của mình. Đó là lòng thương dân, là cảm giác thấy mình bất lực nên trở thành vô dụng. Năm Ất Sửu (1385) ông về Côn Sơn ở ẩn và mất sau đó 5 năm, vào năm 1390, thọ 65 tuổi. Ông là “cây cột chống trời” cuối cùng của nhà Trần, nên khi ông mất đi triều đình ngày càng nghiêng đổ và chỉ chưa đầy 10 năm sau nhà Trần đã bị Hồ Quý Ly cướp ngôi. Tác phẩm của ông đã mất mát phần lớn, hiện chỉ còn 51 bài thơ chép trong "Trích diễn thi tập", "Toàn Việt thi lục".

* Lê Lợi sinh năm Ất Sửu 1385, kém Trần Nguyên Đán đúng một vòng hoa giáp. Lê Lợi quê tại Lam Sơn (Kẻ Cham), nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Lê Lợi là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh, là anh hùng giải phóng dân tộc và là người sáng lập vương triều nhà Lê, mở ra thời kỳ thịnh trị lâu dài trong lịch sử dân tộc. Sau khi đánh thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi vua với hiệu là Lê Thái Tổ, ở ngôi 5 năm và cũng mất vào năm Sửu (1433), an táng tại Vĩnh Lăng, Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hoá.

* Tự Đức sinh năm Kỷ Sửu 1829, chính tên là Nguyễn Hồng Nhậm, huý là Thì, là con thứ hai của vua Thiệu Trị và mẹ là Phạm Thị Hằng (Từ Dũ Hoàng Thái Hậu sau này), con gái thượng thư Phạm Dăng Hưng người Gia Định. Lên ngôi vua năm 1847 lấy niên hiệu là Tự Đức. Ông lên ngôi giữa lúc nước nhà đang đứng trước âm mưu xâm lược của thực dân Pháp. Ông có lỗi trong việc để Pháp chiếm mất Nam Kỳ nhưng bản thân ông là người uyên bác, cần kiệm, chăm chỉ trong chức vụ và có nhiều đóng góp cho nền văn hoá nước nhà. Đặc biệt Tự Đức là người con rất có hiếu. Tự Đức ở ngôi Hoàng đế 36 năm và băng hà ngày 16/6 năm Quý Mùi (1883) giữa cảnh đất nước ngổn ngang trăm mối, miếu hiệu là Dực Tôn anh Hoàng đế.

* Nguyễn Văn Tố sinh năm Kỷ Sửu 1889, quê Hà Đông - Hà Nội, là học giả nổi tiếng làm việc nhiều năm tại Trường Viễn Đông Bác cổ; là Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ trước năm 1945. Sau Cách mạng Tháng tám, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong chính phủ Lâm thời và sau đó là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (như Chủ tịch Quốc hội hiện nay) Khoá 1 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tháng 10/1947, thực dân Pháp tấn công lên chiến khu Việt Bắc, ông bị địch bắt và giết hại.

* Trần Huy Liệu sinh năm Tân Sửu 1901, quê Vụ Bản, Nam Định. Ông là nhà báo, nhà văn, nhà sử học, nhà hoạt động chính trị xuất sắc, là đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng nhưng sau này ly khai tổ chức này và gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là người sáng lập ra Cường học thư xã ở Sài Gòn (1928), chuyên xuất bản sách và cổ vũ tinh thần yêu nước. Từng bị thực dân Pháp bắt và đưa đi đày ở Côn Đảo, Sơn La. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông được bầu là Phó Chủ tịch Uỷ ban Dân tộc giải phóng. Sau đó ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền trong Chính phủ Lâm thời. Cuối tháng 8/1945, ông cùng Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận vào Huế tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại. Sau này ông chuyên tâm nghiên cứu khoa học lịch sử, làm Viện trưởng Viện Sử học và qua đời năm 1969. Ông được Viện Hàn lâm khoa học Cộng hoà Dân chủ Đức (cũ) mời làm viện sĩ. Năm 1996, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về văn học nghệ thuật.

* Phùng Chí Kiên sinh năm Tân Sửu 1901, quê Diễn Châu, Nghệ An, từng theo học các lớp huấn luyện cán bộ tại Quảng Châu do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở; học viên trường võ bị Hoàng phố. Năm 1931, ông vào học đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mascova, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương (1941). Hoạt động thường xuyên tại Hồng Kông, Côn Minh (Trung Quốc) và Cao Bằng. Ông là người chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn- Võ Nhai, bị thực dân Pháp bắt và xử tử bằng cách chặt đầu năm 1941. Ông là người học trò gần gũi và thân thiết của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, là một cán bộ tiền bối của Đảng và là nhà quân sự có tài./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên