Đạo diễn Pháp Daniel Roussel làm phim về Hiệp định Paris

(VOV) -“Hiệp định Paris là một câu chuyện kỳ diệu về hành trình tìm lại hòa bình” - đây cũng là lý do để ông Daniel Roussel làm phim…

Đó là lý do thôi thúc nhà báo, nhà làm phim người Pháp Daniel Roussel làm bộ phim tài liệu mà ông dự định đặt tên rất giản đơn là “Hiệp định Paris”.

Từng là phóng viên thường trú của báo Nhân đạo tại Việt Nam trong giai đoạn khó khăn bị cấm vận sau chiến tranh, nhà báo người Pháp này có những cảm nhận đặc biệt về đất nước - con người Việt Nam và từng gây nhiều tiếng vang với 2 bộ phim về Việt Nam: “Cuộc chiến giữa hổ và voi” và “Tù binh Mỹ ở Hà Nội”.

Bộ phim “Hiệp định Paris” dự định sẽ được trình chiếu vào ngày 1/4/2013 tại thành phố Choisy le Roi, như một hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris lịch sử.

PV VOV thường trú tại Pháp trò chuyện với nhà làm phim Daniel Roussel về bộ phim mà ông đang thực hiện.

P.V: Thưa ông Daniel Roussel, ông có thể cho biết vì sao ông quyết định làm phim về Hiệp định Paris ?

Ông Daniel Roussel: Đã từ lâu, tôi thích làm phim về đề tài hòa bình, Việt Nam, tôi từng làm phim về Điện Biên Phủ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những tù binh Mỹ… Và câu chuyện của Hiệp định Paris là một hành trình kỳ diệu giành hòa bình cho Việt Nam. Tôi muốn chỉ ra rằng khát vọng hòa bình đã chiến thắng thế nào.

Nhà báo, nhà làm phim người Pháp Daniel Roussel

Hiệp định Paris ký ngày 27/1/1973 là một câu chuyện thần kỳ, là kết quả của một quá trình thương lượng đối mặt giữa 4 bên trong gần 5 năm. Câu chuyện khó tin ở chỗ đoàn đàm phán của Việt Nam nghĩ rằng họ chỉ lưu lại tại Pháp vài tháng, nhưng cuối cùng họ đã ở gần 5 năm. Câu chuyện khó tin ở chỗ nhiều khi hòa bình tưởng như đã trong tầm tay, rồi lại đột ngột bị đẩy ra rất xa. Đó là câu chuyện đấu trí căng thẳng giữa hai con người Lê Đức Thọ và Kissinger.

Đó cũng là câu chuyện về đoàn Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam, do bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu, một người phụ nữ dịu dành nhưng cũng rất kiên cường. Các cuộc thương lượng như song hành với trận địa ở Việt Nam. Các cuộc đàm phán tiến và lùi cùng với diễn biến trên chiến trường. Câu chuyện dài gần 5 năm ấy còn kỳ diệu ở tình đoàn kết giữa đoàn miền Bắc với người dân ở Choisy Le Roi, hoặc ở gần đó; những người đã đón tiếp đoàn trong những bữa cơm gia đình; ở tình cảm của những người bạn Pháp, người phục vụ đoàn, người lái xe, người bảo vệ, đội y tế…

Đó là những thời điểm kỳ lạ, hàng trăm người trong 5 năm đã giúp đỡ đoàn miền Bắc, miền Nam, như một gia đình thực sự. Câu chuyện làm tôi rung động tận trái tim. Câu chuyện nói về hành trình giành lấy hòa bình, dù là một hành trình khó khăn, gồm cả chiến tranh, dù hành trình kéo dài đến 5 năm, nhưng đó là một câu chuyện hòa bình và nhân văn mà tôi muốn kể.

P.V: Theo tôi được biết, rất nhiều nhân chứng từng tham gia hoặc biết về quá trình đàm phán nay đã già yếu, một số đã mất hoặc không còn trí nhớ. Để tái hiện lại những nẻo đường hòa bình dẫn tới hiệp định, ông có gặp nhiều khó khăn không?

Ông Daniel Roussel: Đúng là rất khó. Nhiều người đã mất, một số khác chuyển nhà, không có một danh sách cụ thể những người đã từng tham gia quá trình đó, do thông tin hồi đó rất bí mật. Rồi gặp người này lại được giới thiệu tới người kia, dần dần thì tôi tìm ra được một số nhân chứng.

Nhà báo, nhà làm phim người Pháp Daniel Roussel gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ảnh tư liệu)

Tôi cũng đã phải tận dụng mạng lưới những người đồng chí trong Đảng Cộng sản Pháp để tìm lại những người từng liên quan. Tôi cũng đã đến Việt Nam nhiều lần, gặp bà Nguyễn Thị Bình để trò chuyện với bà và một số nhân chứng tại Việt Nam. Tôi cũng đến thăm và gặp gia đình ông Lê Đức Thọ, ông Xuân Thủy để tìm những tư liệu quý cho bộ phim. Không chỉ vậy, tôi còn sang Mỹ đến gặp hai nhà ngoại giao gần gũi với ông Kissinger hồi đó là ông John Negroponte và Winston Lord để tìm hiểu quan điểm của phía Mỹ và phản ánh chân thực trên bộ phim. 

P.V: Ông có nghĩ rằng những người Mỹ sẽ dễ dàng và thẳng thắn nói lại những câu chuyện lịch sử với ông hay không?

Ông Daniel Roussel: Họ sẽ kể câu chuyện theo quan điểm của họ, nhưng dù họ có nói gì thì lịch sử cũng là điều không thể đảo ngược. Mọi người đều đã biết những gì đã diễn ra trong lịch sử, hiểu hơn vì sao đàm phán lâu thế, Hiệp định đã tưởng như được ký vào tháng 10/1972, nhưng rồi Mỹ lại đánh bom xuống miền Bắc Việt Nam. Câu chuyện đã được ghi nhớ bởi nhiều nhân chứng, phía Mỹ hay bất kỳ bên nào cũng không thể nói ngược lại thực tế lịch sử.

P.V: Đúng như ông nói là lịch sử đã được ghi bằng thực tế và bởi các nhân chứng. Vậy liệu bộ phim của ông có đưa ra những điều gì mới mẻ chưa được biết đến về lịch sử? Trong bộ phim, ông có tìm cách lý giải nhiều câu hỏi đặt ra về quá trình đàm phán, ví dụ như vì sao đàm phán lại kéo dài đến thế, những diễn biến trên chiến trường đã tác động qua lại đến cuộc đàm phán như thế nào?

Ông Daniel Roussel: Bộ phim của tôi chắc chắn sẽ mang lại một số chi tiết mới vì câu chuyện này chưa được khắc họa nhiều, chưa được biết tới nhiều.

Theo tôi biết, chưa có bộ phim tài liệu nước ngoài nào về Hiệp định Paris, rất ít tài liệu trên thế giới viết về Hiệp định, mới có một tác giả người Canada viết sách về Hiệp định. Nhiều người trên thế giới nghĩ rằng chiến tranh kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam kết thúc ngày 30/4/1975 , nhưng thực tế, từ 2 năm trước, Việt Nam đã thành công trong việc ký Hiệp định Paris, đuổi quân Mỹ ra khỏi Việt Nam.

Thông qua việc đưa trung thực quan điểm của các bên qua lời kể của các nhân chứng và những tư liệu thu thập được, bộ phim giải thích vì sao các cuộc thương lượng không tiến triển trong 3 - 3,5 năm đầu. Có những lúc thương lượng tưởng như tiến tới hòa bình nhưng rồi đột ngột lại bị đẩy ra rất xa. Riêng trong năm 1972, liên tục có những hi vọng rồi thất vọng, rồi chiến tranh nổ ra, người chết và bị thương, nhiều tài sản bị phá hủy một cách vô ích trong chiến tranh.

P.V: Xin cảm ơn ông./.

Nhà báo, nhà làm phim tài liệu Daniel Roussel sinh ngày 23/2/1946. Ông từng là Phóng viên thường trú của báo Nhân đạo (L’Humanité) tại Việt Nam giai đoạn 1980-1986.  Trở về Pháp, ông trở thành nhà làm phim tài liệu và những cảm nhận sâu sắc về Việt Nam đã thôi thúc ông làm những bộ phim về đề tài chiến tranh ở Việt Nam.

Trong đó có bộ phim “Cuộc chiến giữa hổ và voi” (nói về trận Điện Biên Phủ, với những lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) hay phim “Tù binh Mỹ ở Hà nội – Hilton”.

Năm 2007, ông lập trang web riêng giới thiệu về những bộ phim, những tư liệu quý mà mình đã có được, trang http://danielroussel.blogzoom.fr/, với chủ đề lớn “Những nẻo đường của Việt Nam”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Những nẻo đường hòa bình tới Hiệp định Paris
Những nẻo đường hòa bình tới Hiệp định Paris

(VOV) - Dù đã 40 năm, nhưng hình ảnh các đoàn đàm phán Việt nam vẫn in đậm trong ký ức những nhân chứng và thế hệ sau.

Những nẻo đường hòa bình tới Hiệp định Paris

Những nẻo đường hòa bình tới Hiệp định Paris

(VOV) - Dù đã 40 năm, nhưng hình ảnh các đoàn đàm phán Việt nam vẫn in đậm trong ký ức những nhân chứng và thế hệ sau.

Triển lãm "Hội nghị Paris – Tài liệu lưu trữ nhìn từ 2 phía"
Triển lãm "Hội nghị Paris – Tài liệu lưu trữ nhìn từ 2 phía"

(VOV) - Triển lãm nhân dịp Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris (27/01/1973 – 27/01/2013).

Triển lãm "Hội nghị Paris – Tài liệu lưu trữ nhìn từ 2 phía"

Triển lãm "Hội nghị Paris – Tài liệu lưu trữ nhìn từ 2 phía"

(VOV) - Triển lãm nhân dịp Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris (27/01/1973 – 27/01/2013).

40 năm Hiệp định Paris
40 năm Hiệp định Paris

(VOV) -Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ký kết tại Paris ngày 27/1/1973

40 năm Hiệp định Paris

40 năm Hiệp định Paris

(VOV) -Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ký kết tại Paris ngày 27/1/1973