Để Lân-Sư-Rồng sống mãi

Mỗi khi nghe tiếng trống hội tưng bừng rộn rã do “gánh múa” Lân, Sư, Rồng của làng luyện tập hay biểu diễn, người dân làng cổ Hoàng Mai (Hà Nội) lại rạo rực với không gian lễ hội truyền thống và không quên nhắc tới “anh Chủ nhiệm” của nhóm múa.  

Đã hơn 5 năm nay, người dân làng Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai-Hà Nội) đã quen thuộc với tiếng trống thúc rộn ràng, với “ông Địa” tay cầm quạt mo cười toe toét bên cạnh những chú Lân, Sư, Rồng sặc sỡ sắc màu uốn lượn trên mặt đất hay bất thình lình vút bay lên không trung một cách điêu luyện, do những “diễn viên” của làng biểu diễn trong các dịp lễ tết. Và người dân ở đây trìu mến gọi anh Nguyễn Tạ Tấn là “anh Chủ nhiệm”, bởi chính anh là người có công sáng lập và duy trì “gánh múa” Lân, Sư, Rồng của làng suốt những năm qua.

Anh Tấn trang trí Lân, Sư, Rồng

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ tại tổ 31, phường Hoàng Văn Thụ, anh Tấn cẩn thận trang trí cho những chú Lân, Sư, Rồng cùng những đạo cụ múa phục vụ cho những đợt biểu diễn sắp tới. Anh tâm sự, CLB hoạt động đều đặn trong hơn 5 năm qua là phần thưởng vô giá cho những nỗ lực của anh và các cộng sự tích cực đối với việc góp phần bảo tồn, giữ gìn các điệu múa Lân, Sư và Rồng truyền thống, độc đáo trên đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.

Anh Tấn là người gốc làng Hoàng Mai, một làng cổ nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long xưa, nơi có truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều di tích, lễ hội đặc sắc. Hội làng Hoàng Mai được tổ chức tưng bừng vào ngày 24/4 Âm lịch hàng năm, trong đó gắn liền với với phần hội là các màn múa Lân, Sư, Rồng độc đáo, thu hút đông đảo du khách muôn phương.

Chẳng biết từ bao giờ, các điệu múa truyền thống trong những ngày hội làng ấy đã “ngấm vào máu” anh Tấn. Từ đó, anh dành không ít thời gian để nghiên cứu, sưu tầm các điệu múa. Anh đã tìm gặp những cụ già, vốn xưa kia thường xuyên góp mặt nơi cửa đình trong ngày hội làng, để được các cụ chỉ bảo, hướng dẫn các trích đoạn múa truyền thống cũng như cách múa mang tính đặc trưng của làng. Anh ghi chép cẩn thận, hình dung trong đầu sau đó tổ chức cho CLB luyện tập.

CLB do anh Tấn làm chủ nhiệm hiện có 30 thành viên hội tụ đủ mọi lứa tuổi; từ các em nhỏ 12-15 tuổi đến các cụ già 70, 80. Anh Tấn cho biết, CLB là sân chơi bổ ích cho những người cùng sở thích múa Lân, Sư, Rồng truyền thống. Các thành viên nhỏ tuổi được truyền dạy các điệu múa, các biểu cảm, cách đánh trống hội… Hàng tuần, các thành viên tổ chức họp mặt, cùng luyện tập cũng như trao đổi kinh nghiệm sau mỗi đợt biểu diễn.

Thanh niên làng Hoàng Mai đã gắn bó với các điệu múa Lân, Sư, Rồng

Địa điểm luyện tập khá đẹp, đó là không gian ngay trước cửa đình làng Hoàng Mai. Bà Nguyễn Thị Thảo, người gần đình làng Hoàng Mai cho biết: “Mỗi khi nghe tiếng trống tưng bừng rộn rã là dân làng biết ngay những chú Rồng, chú Lân đủ màu sắc đang được các “diễn viên” của làng luyện tập. Khi đó, người dân chúng tôi thấy vô cùng phấn khởi và tự hào bởi những giá trị văn hóa truyền thống của làng nói riêng, của Thủ đô nói chung, không hề mai một mà ngày càng được phổ biến và phát triển”.

Kinh phí hoạt động do chính những người yêu môn nghệ thuật Lân, Sư, Rồng của làng đóng góp hoặc nguồn “cát-sê” ít ỏi mỗi khi CLB tham gia các chương trình biểu diễn của thành phố, quận hay tham gia dàn dựng, phục vụ các chương trình văn hóa-văn nghệ của các cơ quan đoàn thể.

Không chỉ dành thời gian nghiên cứu các điệu múa Lân, Sư, Rồng, anh Tấn còn rất quan tâm đến các điệu múa cổ trên đất Thăng Long-Hà Nội. Anh cho biết, Thăng Long –Hà Nội là vùng đất bốn phương tụ hội; người dân các vùng mang theo tập tục, văn hóa từ các địa phương về đã tô đậm và làm phong phú thêm văn hóa Thăng Long- Kẻ Chợ.

Ước tính Hà Nội có khoảng vài chục điệu múa cổ, được chia thành nhiều thể loại như múa dân gian, múa cung đình, múa tín ngưỡng và tôn giáo… Song do những nguyên nhân khác nhau mà nhiều điệu múa bị mai một, thất truyền. Hiện còn lại chủ yếu là các điệu múa dân gian, tồn tại trong các lễ hội truyền thống tại một số làng cổ Hà Nội.

Anh Tấn hy vọng, những nỗ lực của anh trong việc duy trì hoạt động của CLB sẽ góp phần bảo tồn, gìn giữ các điệu múa Lân-Sư-Rồng trên đất Thăng Long nghìn tuổi. Dự kiến, CLB sẽ đóng góp tiết mục chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên