Dẻo thơm cơm Lam trong ngày Tết
VOV.VN - Cơm Lam là một món ăn đặc biệt để dâng lên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp Tết đến, xuân về của đồng bào người Thái ở Tây Bắc.
Cơm Lam trong tiếng Thái gọi là “Khảu lam”. “Khảu lam” với nghĩa đầy đủ là gạo ngâm nước được nấu chín thành cơm trong ống nứa. Đây là một trong những món ăn đặc sản không thể thiếu trong những dịp lễ, tết của dân tộc Thái Tây Bắc.
Không những thế, cơm Lam còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Đồng bào Thái quan niệm: nhờ mưa thuận, gió hoà, mùa màng mới tươi tốt, mới có được hạt gạo dẻo thơm để làm cơm Lam. Vì lý đó mà cơm Lam được coi như thành quả sau một năm lao động vất vả, là một món ăn đặc biệt để dâng lên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp Tết đến, xuân về, với mong ước sang năm mới mùa màng bội thu, gia đình đầm ấm, hạnh phúc.
Món cơm Lam cũng bắt nguồn từ thực tế cuộc sống của đồng bào vùng cao trước đây còn nhiều khó khăn thiếu thốn, người đàn ông thường lên nương rẫy, vào rừng săn bắt hái lượm dài ngây. Họ mang theo gạo, chặt ống nứa, tận dụng nguồn nước trong rừng, bỏ gạo vào đốt cơm Lam để ăn cho no lâu. Cơm Lam còn là một món dành cho phụ nữ ăn kiêng khi sinh nở vì cơm Lam không có chất bảo quản, giúp phụ nữ sau sinh có nhiều sữa cho con bú.
Chị Tòng Thị Binh, dân tộc Thái, một hộ gia đình ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: “Cơm Lam là một trong những món ăn truyền thống của người Thái từ bao đời nay. Để có được cơm Lam ngon thì ngoài chọn ống nứa non, chọn gạo nếp nương dẻo thơm, khi đốt cũng rất kỳ công, nếu không cơm lam sẽ bị cháy, mà gạo thì chưa kịp chín, ăn không ngon”.
Nguyên liệu để có một ống cơm Lam dẻo thơm, đó là ống nứa non có lớp màng mỏng bên trong chuyên dùng để làm cơm Lam và loại gạo nếp nương hạt đều, trắng mịn, dẻo thơm nhất.
Công đoạn làm cơm Lam tuy không khó, nhưng phải kỳ công, không nóng vội mới có được một ống cơm Lam thơm ngon. Đầu tiên, người ta ngâm gạo, vo gạo sạch, cho gạo vào ống nứa. Ống nứa cắt từng gióng, tuỳ theo đoạn nứa dài ngắn, bình quân mỗi ống nứa làm cơm Lam dài khoảng 50-60 cm. Một mắt ống nứa cắt đi, một mắt còn lại để nguyên. Khi cho gạo và nước vào thì không rơi vãi ra ngoài được.
Sau khi bỏ gạo phải đổ nước vào ống nứa ngâm trực tiếp, dùng lá chuối nút ống nứa lại. Khoảng 30 phút sau khi ngâm gạo, có thể mang ống cơm lam ra đốt trên bếp lửa rực hồng than củi. Điều quan trọng lúc đốt cơm lam là phải biết điều chỉnh ngọn lửa cho đều, và xoay lật ống nứa luôn tay, để không làm ống nứa bị cháy, cho hạt gạo chín đều, dẻo, thơm ngon.
Khi nào thấy cơm Lam chín thì bỏ ra khỏi bếp lửa, để nguội một lát, dùng dao dóc vỏ ống cơm Lam. Khi dóc vỏ ống nứa cũng phải rất thận trọng, để lại lớp vỏ rất mỏng, sau đó cắt phần mắt còn lại của ống nứa, và dùng tay tước vỏ ngược lên đằng miệng ống nứa để giữ được nguyên vẹn lớp màng cơm Lam. Chính lớp màng ống nứa này, kết hợp với gạo trắng, nước trong vùng cao tạo nên vị thơm ngon của cơm Lam.
Đời sống ngày một phát triển, thị trường ngày càng sẵn có nhiều món ẩm thực đặc trưng của các vùng miền, thế nhưng cơm Lam vẫn là một món ăn truyền thống, mang những nét đặc trưng riêng có của đồng bào Thái Tây Bắc. Cơm Lam có thể chấm với lạc vừng giã nhuyễn, ăn với một số món ăn dân tộc khác như: Gà nướng, cá nướng, thịt nướng xiên, thịt băm nướng gói lá, thịt hún khói treo gác bếp… rất thơm ngon, đậm đà
Hương xuân đang tràn ngập khắp núi đồi Tây Bắc. Trong mâm cỗ đón xuân của đồng bào Thái nơi đây, chắc chắn không thể thiếu món cơm Lam kính dâng tổ tiên và mời gọi bạn bè gần xa đến vui xuân, thưởng thức món ăn đậm đà của dân tộc./.