Đi lấy may đêm giao thừa với người Lô Lô
Với người Lô Lô, đi lấy lộc, lấy may đồng nghĩa với đi... ăn trộm của nhà khác.
Đi lấy may đêm giao thừa là một phong tục đẹp có ở nhiều dân tộc trên khắp đất nước Việt. Nhưng ở mỗi dân tộc, cái cách đi lấy may, lấy lộc trong giờ phút thiêng liêng khi đất trời chuyển giao thời khắc lại có nét đặc trưng riêng.
Xóm Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) chìm trong biển sương mù. Ngôi nhà trình tường của ông Vàng Dỉnh Sinh trông như một cái lô cốt được bao bọc bởi màn sương trắng, đặc quánh. Tết ở Lũng Cú lạnh tê người, chỉ ấm lên một chút buổi trưa cho hoa đào kịp hồng các sườn núi.
Vợ chồng ông Vàng Dỉnh Sinh lừ khừ bước ra chào khách. Tôi mở lời: “Kính chúc ông bà năm mới mạnh khỏe, may mắn”.
Bà Lù Thị Điến nắm tay tôi, cười nheo cả mắt, nói lời cảm ơn bằng tiếng Lô Lô. Áo bông to xù, mũ lông trùm kín mít. Có cảm giác như hai ông bà bước ra từ những câu chuyện cổ. Ông Sinh đưa mắt về phía bàn thờ, nói chuyện phong tục: “Ngày Tết, người Lô Lô đặc biệt chú tâm việc thờ cúng tổ tiên”.
Tết của người Lô Lô |
Trên bàn thờ có bánh chưng (nhưng không phải là hình vuông mà là bánh dài), có xôi nếp, rượu. Nhưng trên chiếc bàn thờ đơn sơ ấy, thứ gây ấn tượng hơn cả với những vị khách xa lạ như tôi là những thanh gỗ nhỏ bằng ngón tay cái. Ông Sinh giảng giải: Đó là tổ tiên, là ông bà đã khuất. Trên đó có khắc hình người và tên từng người. Cứ mỗi thanh như vậy là một “cụ”.
Bà Điến tiếp lời chồng: “Thờ cúng tổ tiên ngày Tết là phải làm thật chu đáo. Cứ mỗi thanh gỗ hình người biểu tượng cho một “cụ” là phải có một đôi bánh chưng dâng lên từ ngày 30 Tết. Mỗi hình người phải có một cái chén, một đôi đũa, hai chai rượu. Người khấn mời tổ tiên về ăn Tết không nhất thiết phải là ông chủ nhà mà ai cũng được, con trai, con dâu đều được hết, miễn là thuộc hết tên người đã khuất”.
“Với người Lô Lô, vui nhất là đi chơi đêm 30, sau giao thừa. Mà không phải đi chơi bình thường đâu, đi lấy may, lấy lộc đem về. Đi lấy trộm của người khác ấy mà”. Chị Vàng Thị Thanh, con gái bà Điến nói chuyện đi “ăn trộm” đêm 30 một cách say sưa và hào hứng như thế: “Đi lấy may không lấy nhiều, không lấy những đồ vật có giá trị, chỉ là củ hành, củ tỏi, là cây rau, thanh củi nhỏ. Và đương nhiên là không lấy cái của gia đình mình”.
Người Lô Lô đinh ninh rằng trong thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì năm mới gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, làm ăn phát đạt. Người Lô Lô ở Lũng Cú (Đồng Văn) lấy mỗi thứ 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Còn người Lô Lô ở Mèo Vạc lại chọn con số 3, hoặc là 3 củ hành, 3 củ tỏi, hoặc có thể là 3 lá rau… Chị Thanh bảo, người Lô Lô ở Lũng Cú kiêng chuyện nhổ trộm tỏi mà không nhổ hết, bị đứt vì họ cho rằng như thế sẽ gặp điềm gở, không tốt. Nếu chẳng may nhổ không đứt thì chớ có cố mà nhổ lên. Tốt nhất là bỏ đi ngay, tìm “vận may” khác.
Điều thú vị là người đi lấy may không đi công khai, không rủ nhau đi, càng không muốn chủ nhà bắt được. Họ cứ âm thầm, lặng lẽ đi, có gặp người quen cũng không chào, coi như không hề quen biết. Thế nhưng nhỡ có bị chủ nhà bắt được, cũng chả sao, chẳng ai trách móc gì. Phong tục mà! Lấy may xong, người Lô Lô đi lấy nước mới, dâng lên tổ tiên rồi mới được đun lên để uống.
Sáng mùng 1 Tết, con trai, con gái tỏa ra các ngả đường, ven sườn núi chơi xuân. Váy áo, khăn mũ rực rỡ. Mỗi cô gái Lô Lô như một bông hoa nhiều màu di động. Chơi xuân với các chàng trai, cô gái Lô Lô ở Lũng Cú, bạn có cảm giác như lạc vào một rừng hoa lung linh sắc thắm, mà có khi bị cuốn hút đến quên cả đường về…./.