Điện ảnh Việt “đối thoại” với châu Âu
Liên hoan phim Tài liệu Quốc tế được tổ chức vào tháng 6 này tại Hà Nội và Đà Nẵng sẽ là cơ hội cho các nhà làm phim tài liệu Việt Nam có cơ hội giao lưu, học hỏi các đồng nghiệp châu Âu.
Sự kiện này cũng nằm trong khuôn khổ các chương trình hoạt động của EUNIC (Liên minh các Tổ chức Văn hóa châu Âu) tại Hà Nội.
Chín quốc gia thuộc châu Âu sẽ “đối thoại” với Việt Nam thông qua các tác phẩm điện ảnh tài liệu được trình chiếu trong Liên hoan phim (LHP) Tài liệu Quốc tế lần thứ 4 tổ chức tại Hà Nội (từ ngày 8 đến 17/6) và TP Đà Nẵng (từ ngày 15 đến 24/6). Mỗi tối trong tuần phim này, một bộ phim tài liệu châu Âu và một bộ phim tài liệu Việt Nam cùng một đề tài sẽ được giới thiệu tới khán giả. Bằng việc chọn lựa rất đa dạng về đề tài phim, trên nguyên tắc như cuộc đối thoại giữa phim tài liệu châu Âu và Việt Nam, các nhà tổ chức mong muốn giới thiệu với công chúng yêu điện ảnh tài liệu Việt Nam và quốc tế sức sống mãnh liệt của điện ảnh tài liệu, đang phát triển rực rỡ từ nhiều năm nay.
Một cảnh trong phim tài liệu "Chuyện làng Then". |
Bên cạnh các bộ phim truyện, phim tài liệu trở thành một loại hình điện ảnh riêng biệt, với mật mã riêng, kĩ thuật riêng và những nhà đạo diễn chuyên biệt. Thành công của phim tài liệu từ nhiều năm nay trên trường quốc tế chứng tỏ rằng công chúng đang đòi hỏi một “nền điện ảnh hiện thực”.
Không chỉ thu hút thêm các quốc gia tham gia sự kiện điện ảnh đầy ý nghĩa này, nét mới của LHP năm nay là sự nhập cuộc của các nhà làm phim trẻ Việt Nam với một đêm “thiết kế riêng” giới thiệu đến người xem tư duy nghệ thuật thử nghiệm và tình yêu của các nhà làm phim trẻ với thể loại điện ảnh tài liệu.
Với kinh nghiệm 3 lần tổ chức LHP thành công, bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, cho biết: “Các nhà làm phim châu Âu đưa ra ý tưởng: “Một đất nước không có phim tài liệu, giống như một gia đình không có album ảnh”. Thông điệp ý nghĩa này khẳng định sức sống mãnh liệt của điện ảnh tài liệu, đồng thời khẳng định vị trí của phim tài liệu đã trở thành một loại hình điện ảnh riêng biệt, với ngôn ngữ, mật mã riêng, kỹ thuật riêng.
Ở một số quốc gia, phim tài liệu ăn khách hơn cả phim truyện. Phần lớn là các phim có thời lượng từ 50-90 phút (trong khi phim Việt Nam chỉ từ 23-50 phút). Với thời lượng không bị giới hạn, phim tài liệu của châu Âu có điều kiện đào sâu những vấn đề mà họ đề cập ở nhiều góc độ khác nhau. Tất nhiên, dung lượng của mỗi bộ phim không đồng nghĩa với sức hấp dẫn nếu như các nhà làm phim không phải là những tài năng”.
Với cách thức tổ chức không “đụng hàng”, LHP Tài liệu Quốc tế các năm trước đã thu hút lượng người xem khá lớn. Cả giới chuyên môn và khán giả đều muốn “mục sở thị” cuộc đối thoại giữa phim Việt và phim châu Âu để xem cùng một đề tài, các nhà làm phim tài liệu Việt Nam và châu Âu thể hiện có gì gần gũi và khác biệt. Xem, cảm nhận, tự đúc rút kinh nghiệm, LHP thực sự là nơi để các nghệ sĩ học tập kinh nghiệm của nhau; là cửa sổ để khán giả nhìn ra thế giới cảm nhận các nền văn hóa khác biệt và những phong cách làm phim đa dạng được trình bày, xác lập, khẳng định trên cùng một đề tài.
Năm nay, Việt Nam chọn 9 phim để “đối thoại” với phim của 9 quốc gia: Áo, Anh, Đức, Ba Lan, Đan Mạch, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Bỉ. Ở mảng đề tài chân dung, phim Giáo sư Đào Duy Anh (đạo diễn Nguyễn Như Vũ) đề cập người mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội ở Việt Nam sẽ “đối thoại” với phim Elgar - Người đàn ông sau chiếc mặt nạ (đạo diễn John Bridcut - phim Anh) với nhân vật chính là ca sĩ nhạc jazz Marita Alban Juarez, người đã nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của nhà soạn nhạc vĩ đại người Ba Lan Chopin.
Sẽ rất thú vị nếu cùng trải nghiệm các đề tài xã hội bằng cái nhìn so sánh để tìm nét tương đồng và khác biệt trong các phim của Việt Nam và châu Âu, như: Chuyện làng Then (đạo diễn Trần Phi - Hoàng Dũng) - Vinyl (phim Áo); Thày mo làm y tế (đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn) - Trong đôi mắt bạn (phim Pháp). Hay, đề tài về môi trường: Tiếng gọi từ bầy linh trưởng (đạo diễn Phạm Bình) - Bài học đầu đời (phim Ba Lan); đề tài công nghiệp: Ký sự đồng quê (đạo diễn Phùng Ty) - Làm nhiều vui nhiều (phim Đức); đề tài ký ức chiến tranh: Đỉnh trời đáy vực ( đạo diễn Bùi Thị Phương Thảo) - Những đứa trẻ không hình bóng (phim Bỉ).
Nếu để cảm nhận theo tinh thần giải trí thì xem phim trong sự so sánh là một trải nghiệm thú vị. Còn để học tập kinh nghiệm thì việc so sánh, dịch chuyển để tìm sự khác biệt trong cách tiếp cận, khai thác đề tài; xác định phong cách và bản lĩnh đạo diễn… là cách học trực quan khá hiệu quả./.