Điều ít biết về nghệ sỹ được phong tặng NSƯT ở tuổi 90

NSƯT Văn Hanh sinh năm 1927, cụ là em ruột của cố NSND Thương Huyền. Năm 1955, cụ về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam

NSƯT Văn Hanh và NSND Trần Thị Tuyết là hai nghệ sỹ lớn tuổi đều là những giọng hát và giọng ngâm thơ nổi tiếng một thời của Đài Tiếng nói Việt Nam.

NSƯT Văn Hanh và con gái là PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái trong buổi nhận bằng phong tặng danh hiệu sáng 10/1

Cả đêm mất ngủ vì mừng

Có mặt tại Nhà hát Lớn Hà Nội hôm nhận bằng phong tặng danh hiệu, NSƯT Văn Hanh đi cùng con gái lớn là PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái. Trong bộ vest màu đen phối với áo sơ mi trắng và cà vạt sọc đỏ, trông cụ trẻ hơn nhiều so với tuổi 90. Nhiều người có mặt trong buổi lễ nhận bằng phong tặng danh hiệu sau khi nhận ra nghệ sỹ Văn Hanh đã đến bắt tay chúc mừng cụ. Tuy nhiên, vì tuổi cao nên việc nghe của cụ có phần hạn chế, bởi vậy khi nói chuyện với cụ mọi người đều phải ghé sát tai nói cụ mới nghe được. Cứ sau mỗi câu chúc mừng của những người xung quanh, cụ lại nở một nụ cười rất tươi để đáp lại.

PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ, NSƯT Văn Hanh sinh năm 1927, cụ là em ruột của cố NSND Thương Huyền. Năm 1955, cụ về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và được bầu làm Đội trưởng Đội ca trong Ban ca nhạc của Đài. Năm 1959, cụ được học tại chức với chuyên gia Liên Xô về thanh nhạc. Ông sinh hoạt âm nhạc cùng thời với nghệ sĩ Trần Thụ, Kim Oanh A, Anh Tuấn, NSND Tuyết Mai, Lê Thu… Cụ chính là người đầu tiên hát ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương” trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngoài ra, tên tuổi của NSƯT Văn Hanh còn gắn liền với ca khúc “Tình trong lá thiếp”, ca khúc cụ song ca với chị gái của mình là cố NSND Thương Huyền, từng gây “bão” trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam thập niên 50, 60. Sau 34 năm gắn bó với Ban ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, NSƯT Văn Hanh đã nghỉ hưu theo chế độ vào năm 1989.

Lý giải nguyên nhân vì sao đến tận 90 tuổi nghệ sỹ Văn Hanh mới được phong danh hiệu NSƯT, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết, mặc dù có rất nhiều cống hiến đối với hoạt động âm nhạc tại Đài Tiếng nói Việt Nam nhưng vì chẳng màng gì đến danh hiệu nên trong những đợt xét phong tặng danh hiệu trước đây NSƯT Văn Hanh không làm hồ sơ. Mãi đến đợt xét tặng lần thứ 8 này, do nhiều người xung quanh động viên cụ mới chịu làm hồ sơ gửi lên Đài Tiếng nói Việt Nam.

“Tôi rất đỗi kinh ngạc vì bố tôi là người cao tuổi nhất được phong danh hiệu NSƯT trong đợt vừa rồi. Chính vì bố tôi cao tuổi nên lần đi nhận danh hiệu vừa rồi tôi phải đi cùng cụ. Dù được nhận hơi muộn màng nhưng bố tôi rất vui vì công lao đóng góp của mình cuối cùng cũng đã được ghi nhận.

NS ƯT Văn Hanh bên những chiếc đĩa thu âm các bài hát của mình thời còn công tác tại Ban âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh: HTL.

Cách đây không lâu, khi nghe tin hồ sơ của mình được Hội đồng các cấp bỏ phiếu tán thành 100% bố tôi vui lắm. Cụ bảo với tôi rằng “Kể ra hơi muộn nhưng thế này là cũng được rồi con ạ”. Tôi có bảo với cụ “Là do bố chẳng nghĩ gì đến chuyện danh hiệu nếu không thì đã được sớm hơn”. Đợt rồi, cụ vào miền Nam chơi nhưng cứ mỗi lần gọi điện lại hỏi có tin gì về việc trao tặng danh hiệu chưa. Rồi hôm nghe tin Nhà nước sẽ tổ chức trao bằng vào dịp 2/9 thì cụ sốt ruột đòi về Hà Nội cho bằng được. Tôi khuyên cụ cứ yên tâm ở lại chơi nhưng cụ không chịu. Thế là đầu tháng 9 cụ đã vội vã về Hà Nội và ngày nào cũng thấp thỏm chờ đợi được nhận bằng. Trước hôm lên Nhà hát Lớn để nhận bằng cụ cả đêm không ngủ. Sáng sớm tinh mơ cụ đã gọi tôi dậy để chuẩn bị đi cùng cụ rồi”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái kể lại.

Người đầu tiên hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương”


Dù đã ở vào tuổi cửu tuần nhưng cứ nhắc đến bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” là bao kỷ niệm trong NSƯT Văn Hanh lại ùa về, rõ mồn một.


NSƯT Văn Hanh kể, cụ đến với bài hát này tình cờ như một cái duyên. Vào một buổi tối ngồi một mình trong phòng mãi cũng chán nên cụ lang thang lên phòng biên tập của Đài xem có bài hát nào mới để tập hát vu vơ cho đỡ buồn. Thường ở phòng biên tập của ban âm nhạc bao giờ cũng có một phòng để các bài hát, bản nhạc của các nhạc sỹ ở các nơi gửi về. Trong mớ giấy tờ lộn xộn, cụ cầm đại một tờ lên, lần giở ra xem thì gặp đúng bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” – bài hát đầu tay của nhạc sỹ Hoàng Hiệp vừa mới gửi về được mấy hôm. Xem qua ca từ, giai điệu của bài hát, cụ như bị cuốn hút. Cụ mang đàn ra vừa tự đệm đàn, vừa tập hát và phát hiện bài hát rất phù hợp với chất giọng của mình. Cụ cứ ngồi say sưa với bài hát cho đến lúc gà gáy báo sáng mới sực nhớ là mình quên đi ngủ.

“Lúc đó, tôi có cảm tưởng như bài hát này nhạc sỹ Hoàng Hiệp sáng tác để dành cho riêng tôi hát vậy. Bài hát mang âm hưởng dân ca đồng thời lại nuột nà, tình cảm, nó rất phù hợp với khả năng thể hiện của mình. Ngay sáng hôm đó, tôi đã đề nghị với đồng chí phụ trách đoàn ca nhạc của đài cho tôi được thu âm bài hát và đã được đồng chí trưởng đoàn đồng ý. Tôi mừng đến nỗi rơi cả nước mắt” - NSƯT Văn Hanh bồi hồi nhớ lại.

Theo đúng quy trình, mỗi khi nhận được bài hát từ nhạc sỹ gửi đến, ban biên tập sẽ gửi đến cho ban biên tập nhạc để họ soạn tổng phổ (bản ghi các nốt nhạc đệm của tất cả các loại nhạc cụ dành cho một tác phẩm âm nhạc để các nhạc công nhìn vào đó mà đệm nhạc cho phù hợp hoặc chỉ huy nhìn vào đó để chỉ huy dàn nhạc). Sau đó, ca sỹ sẽ tập hát và ráp nhạc với ban nhạc rồi mới đi thu âm. Thế nhưng với bài hát này, cụ đã được phá lệ, bỏ qua khâu soạn tổng phổ mà đi thẳng vào tập hát và ráp nhạc với nhạc công. Người đệm đàn cho cụ lúc đó là nghệ sỹ Hoàng Mãnh một pianist khá nổi tiếng thời bấy giờ. Cả hai nghệ sỹ đã thu âm bài hát này chỉ trong vòng 4 lần và sau đó bài hát được phát rộng khắp miền Bắc trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tuy nhiên, theo NSƯT Văn Hanh thì nhiều năm qua ca khúc này đã bị gọi sai tên. Nhiều người gọi “Câu hò bên bến Hiền Lương” trong khi tên đúng của bài hát phải là “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. NSƯT Văn Hanh giải thích rằng, lúc nhạc sỹ Hoàng Hiệp gửi bài hát nổi tiếng này đến Đài Tiếng nói Việt Nam, chính cụ là người đã nhìn thấy tận mắt bản thảo nhạc của bài hát đề chính xác tên bài là: “Câu hò bên bờ Hiền Lương”.

Và tựa đề đó không chỉ đúng theo cách đặt của tác giả bài hát mà còn đúng với thực tế lúc bấy giờ. Vì vào năm 1957, khi nhạc sỹ Hoàng Hiệp sáng tác ca khúc này, đất nước ta đang bị chia cắt làm đôi lấy cầu Hiền Lương làm nơi phân chia ranh giới. Ở phía nam cầu Hiền Lương là đất của địch và ở phía bắc cầu là đất của ta. Giữa hai bên chỉ có hai bờ đất nhỏ chạy dài dọc theo sông Bến Hải nên không có thuyền bè qua lại vì thế người ta đặt tên là bờ sông để phân biệt với bến là những nơi thuyền bè hay qua lại neo đậu. Đó là lý do cố nhạc sỹ Hoàng Hiệp đã đặt tên cho ca khúc đầu tay của mình là “Câu hò bên bờ Hiền Lương”./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

NSƯT Trần Thị Tuyết: Tiếng thơ như tiếng mẹ ru những ngày...
NSƯT Trần Thị Tuyết: Tiếng thơ như tiếng mẹ ru những ngày...

(VOV) - NSƯT Trần Thị Tuyết được đánh giá là một trong những giọng ngâm thơ hay nhất Việt Nam hiện nay

NSƯT Trần Thị Tuyết: Tiếng thơ như tiếng mẹ ru những ngày...

NSƯT Trần Thị Tuyết: Tiếng thơ như tiếng mẹ ru những ngày...

(VOV) - NSƯT Trần Thị Tuyết được đánh giá là một trong những giọng ngâm thơ hay nhất Việt Nam hiện nay