Đọc “Phan Quang - thương nhớ vẫn còn”

Những bài nhà báo - nhà văn Phan Quang viết về những tên tuổi có thật từ nhà chính trị - văn hóa lớn, các nhà văn - nhà báo nổi tiếng đến những người thầy, người bạn thân thiết của mình.

Nhà xuất bản Văn học vừa phát hành hai tập sách nhan đề “Phan Quang - thương nhớ vẫn còn”.

Bộ sử viết trong thương nhớ

Ở bìa 4 của hai tập sách, Phan Quang có để 9 dòng, một dạng thơ văn xuôi: “Cuốn sách này thắp một nén hương/Dâng những ai khuất bóng/Một đóa hoa/Gửi những người quý mến/Tôi được gặp trên đời/Con người không ai là thiên thần/Nghĩ về những người đã xa/Tôi chỉ nhớ/Những điều đáng nhớ".

Vâng, con người không ai là thiên thần. Nhưng 47 tên tuổi mà ông nhắc đến trong tập sách, đều là những người có lửa. Lửa của lòng yêu nước. Lửa từ chữ tâm chói sáng trong mỗi con người. Ta hãy thử đọc mục lục ở tập 1: Hồ Chí Minh - Kỷ niệm sâu sắc nhất/ Có Bác Hồ trong mọi ngày vui/ Trường Chinh - Người anh lớn/ Lương Định Của - Đời thường nhà khoa học/ Lê Duẩn - Tầm cao trí tuệ/ Trần Hữu Dực - Bộ đồ xanh công nhân/ Quang Đạm - Tài năng và trí tuệ/ Trần Bạch Đằng - Cây đại thụ/ Xích Điểu - Một ý chí, một tấm lòng/ Phạm Văn Đồng - Một nhân cách báo chí/ Tố Hữu - Những chuyến đi, những dòng thơ/ Nguyễn Văn Linh - Nói và làm. Ở tập 2: Lương An - Thầy giáo của tôi/ Nguyễn Hữu Ba - Cành sầu đông trước nhà người nghệ sĩ/ Nguyễn Văn Bổng - Trên một chuyến đi/ Huy Cận - Hay là lửa thiêng/ Xuân Diệu - Du xuân cùng anh/ Nguyễn Tuân - Mùi hương viếng bác Nguyễn/ Chế Lan Viên - Bồi hồi kỷ niệm.

Những bài viết trong cuốn sách này của nhà báo Phan Quang gợi lên cả một giai đoạn lịch sử của đất nước, từ khi dân tộc ta có Đảng, có Bác Hồ. Viết về ai, tác giả cũng khái quát, ngắn gọn thôi nhưng súc tích, về thân thế và sự nghiệp. Và, cũng bằng vài dòng, nêu bật sự cống hiến đối với cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc, đối với nền văn hóa nước nhà. Viết về Bác Hồ, nguyên nhan đề “Có Bác Hồ trong một ngày vui” đã là một khẳng định. Về nhà báo Quang Đạm, gọn trong 5 chữ “Một người đại tự học” và phân tích về lao động của nhà báo lão thành này. Về Trần Bạch Đằng, một trong ba nhân vật họ Trần nổi tiếng thời nay, ông nhận xét: Tư duy của Trần Bạch Đằng “thường sớm hơn người khác một bước”. Và nhà báo Trần Bạch Đằng có “tính chiến đấu cao về nội dung và sự giản phác về văn phong (từ điển Hán - Việt của cụ Đào Duy Anh giải thích: “giản phác” là “đơn giản và chất phác” - T.V). Về nhà chính trị - nhà văn hóa lớn Phạm Văn Đồng, tác giả khái quát “tác phẩm của ông đề cập các vấn đề lớn bao giờ cũng đầy trí tuệ, hàm súc ý chí và trau truốt văn chương. Ông dành nhiều tâm huyết cổ súy việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.

Nhà báo Phan Quang sinh năm 1928, quê ở Quảng Trị. Ông sớm tham gia cách mạng, hoạt động lâu năm trong nghề báo, được sống và làm việc với nhiều người sau này trở thành những nhà lãnh đạo tài ba như Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh hoặc cùng cộng tác với nhiều văn nghệ sĩ có tên tuổi như Xuân Diệu, Chế Lan Viên…

Hơn nửa thế kỷ hoạt động báo chí, lại là người tự học, tự đọc rất nhiều, ghi chép và lưu trữ cẩn thận, những kỷ niệm, hồi ức về những tên tuổi ông giới thiệu trong tập sách “Phan Quang - thương nhớ vẫn còn” là những sử liệu đáng tin cậy. Với tư duy hàm súc, trí tuệ, văn phong thanh thoát, ông làm người đọc say mê. Kẻ viết bài này xúc động trước những kỷ niệm của ông về “Lương An - thầy giáo của tôi” về Phan Quang Định - một nhà thơ “tài hoa, nhiều sở trường, lúc nào cũng dí dỏm trí tuệ rất dễ mến”, sau này nổi danh ở những tác phẩm điện ảnh. Hay nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba với một cành sầu đông trước nhà. Và nhà thơ sớm yểu mệnh Dương Tường với bài thơ “Lời cây Dương Mỹ Thủy”. Đọc lại nhật ký của mình, ông chép về cuộc gặp với người bạn này ở chiến khu Ba Lòng (tháng 4/1950): “Gặp Dương Tường ở cơ quan Tỉnh ủy. Anh đọc cho nghe bài thơ anh mới làm… có 2 câu thơ tôi rất thích… Dương Tường ví đồng lúa ngợp sóng gió lùa trông như các đợt sóng biển đang dâng trào, hùng dũng và vĩ đại, sắp nuốt phăng những đồn bốt Tây nhỏ xíu…”

Dường như ông rất tâm đắc với phong cách Chế Lan Viên và có mối quan hệ thật thân quen, nên trong tập sách, từ trang 186 đến 252 - một số trang khá lớn, ông dành cho nhà thơ đồng hương Quảng Trị. Câu nói của tác giả “Điêu tàn”, “Ánh sáng và phù sa”: “Nhà văn nên làm cả một nhà báo…”. “Xưa làm thơ, tôi bứt hương trên ngọn cây, giờ làm báo, tôi phải nếm cả rễ cây dưới đất” được tác giả nêu ra vài lần... Cũng như lời của Chế: “Voir (thấy) mà không savoir (biết) thì rồi cũng sẽ tô hồng hay bôi đen thôi” có vẻ như được nhà báo Phan Quang rất thích. Và người đọc có thể coi đấy là bài học vỡ lòng của nghề làm báo.

Trong Văn có Báo - trong Báo có Văn

Đọc cuốn sách thật khó phân biệt đâu là “Văn” đâu là “Báo”. Nhưng trước hết có thể khẳng định hơn 500 trang sách đều là những kinh nghiệm quý báu của một nhà báo đã “để cho thời gian ngừng lắng những xúc động” viết nên. Cứ mỗi một người, ông lại nêu ra “chất báo” của người ấy. Và cũng là những phẩm chất chung mà người làm báo cần có. Chế Lan Viên là người “sưu tầm tài liệu, chuẩn bị rất kỹ trước khi bắt đầu một bài viết, một buổi thuyết trình, một chuyến đi công tác. Đó là gì nếu không phải là phong cách báo chí?” (PQ).

Với Lưu Quý Kỳ “Người làm báo không đếm những tác phẩm của mình. Thích thì viết. Cần thì viết. Không thể không viết, thì viết”. Học giả Nguyễn Hiến Lê xui: “Khi muốn học về một vấn đề nào thì cứ viết sách về vấn đề ấy… Viết sách tức là tự ra bài cho mình làm…”; “Thời trị yêu sách, thời loạn yêu sách, trong sách chi chi cũng có “là thế nghiệm suốt đời của nhà văn - học giả, và ông gửi gắm nó đến các thế hệ sau ông (PQ).

Đề cập những bài báo “Nói và Làm” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tác giả nêu: “Ông (TBTNVL) vẫn nghĩ nhiều về chức năng giáo dục của báo chí”. Nói về Phan Đăng Lưu - nhà báo cách mạng, tác giả nhấn mạnh tính chất “đời thường” của báo chí: “Phan Đăng Lưu uyên thâm cả về Hán học, Tây học, song văn của ông chưa bao giờ mang tính bác học mà lúc nào cũng bình dị”.

Nhớ về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ông tâm niệm một phong cách làm báo khi: “Nhìn những tình hình khó khăn nhất, bao giờ cũng thấy triển vọng. Và ngược lại, chỉ ra được những mặt hạn chế ở những điển hình tiên tiến nhất”. Nhà báo cần “trình bày những vấn đề lý luận trừu tượng bằng những lời lẽ thông thường”.

Như đã đề cập từ đầu, những tên tuổi, những nhân vật mà nhà báo Phan Quang “thương nhớ”, đều là những con người “có lửa”: Lửa trong cuộc sống chiến đấu phục vụ dân tộc, lửa trong sự miệt mài nghiên cứu để phát hiện hết những nét tinh hoa của văn hóa dân tộc. Với mỗi người, nhà báo Phan Quang đều lẩy ra những câu chữ tiêu biểu: Huy Cận - Hay là Lửa thiêng/Thanh Châu - Hoa ti gôn còn thắm/Bùi Hiển - Càng gợi càng nhớ càng thương/Điềm Phùng Thị - Hiện đại xa xôi và bí ẩn”…

Có những lúc, tác giả lại trích nhận xét của những nhân vật có tên tuổi khác để nói về người mình muốn nói. Đấy là một thủ pháp của người làm báo. Nhưng nếu không có tâm thức chuẩn bị sẵn, ghi chép lưu trữ cẩn thận, làm sao trong một lúc mà nhớ ra được? Bởi vậy, luôn tìm tòi trong đống tư liệu của mình là điều nhà báo Phan Quang tâm niệm. Có gì không hiểu, thì hỏi “chuyên gia” như tác giả nhờ nhà văn Sơn Nam “hiệu đính” tên đất tên người Nam bộ. Phan Quang là dịch giả cuốn “Những ngôi sao ban ngày” của nhà thơ Xô Viết nổi tiếng Olga Berggoltz. Nhưng nhiều đoạn thơ của bà, ông nhờ Chế Lan Viên - vì như ông nói “cần một người dịch thơ ngang tầm người làm thơ”.

“Nhà báo là người viết sử cái hiện tại”. Với hai tập “Phan Quang - thương nhớ vẫn còn” những bài viết trong 2 tập sách của nhà báo Phan Quang đã vượt qua giới hạn của một tác phẩm báo chí.

Nhiều lúc kẻ viết bài này tự hỏi: sao dân miền Trung lại gọi cây phi lao là cây “dương liễu”. Vì phi lao là một loài cây có nguồn gốc ở Australia, nhập vào Việt Nam từ 1898 (Từ điển Bách khoa Nông nghiệp - 1991). Đọc tập sách này mới biết, bởi vì “liễu mà cứng cỏi, cứng cỏi nhưng vẫn là liễu, cùng họ hàng và cũng thắm tình cây thùy liễu thường xuyên rủ tóc bên hồ”.

“Ta giữa trời vi vút”

Xin gọi ông, nhà báo lão thành Phan Quang là “cây dương liễu” của làng báo Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên