Đồng nghiệp đau buồn chia sẻ hồi ức về nghệ sĩ Trịnh Thịnh
Nghệ sĩ Phạm Bằng trân trọng Trịnh Thịnh bởi tài năng, nhân cách và tình yêu đối với gia đình.
Ở tuổi 87, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thịnh trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vào sáng 12/4. Vẫn biết cuộc đời là hữu hạn, con người không thể tránh khỏi guồng quay "Sinh, lão, bệnh, tử", nhưng sự ra đi của ông khiến cho các đồng nghiệp cùng người hâm mộ đau lòng và tiếc nuối.
Chia sẻ về nỗi mất mát lớn của làng điện ảnh Việt Nam, NSƯT Phạm Bằng tâm sự: "Tôi làm việc với anh Thịnh từ thời còn trẻ. Điều tôi trân trọng nhất ở anh là sự tập trung cao độ trong công việc đồng thời vẫn luôn đặt gia đình lên trên tất cả". Những thứ như rượu, chè, thuốc hay các cuộc la cà với bạn bè, Trịnh Thịnh đều không ham. Mỗi khi xong việc ở trường quay, ông đều trở về với gia đình. "Thịnh từng tâm sự với tôi rằng anh rất thương vợ", Phạm Bằng nói thêm.
Nghệ sĩ Phạm Bằng ngưỡng mộ Trịnh Thịnh ở tinh thần làm việc cùng tình yêu thương gia đình. (ảnh: VNE) |
Từ khi về hưu, Phạm Bằng và Trịnh Thịnh ít gặp nhau hơn. Vốn ít nói và sống kín đáo, chuyện ốm đau, bệnh tật, Trịnh Thịnh cũng không chia sẻ nhiều với bạn bè xung quanh.
NSND Trần Phương, đóng cùng Trịnh Thịnh trong phim Vợ chồng A Phủ, không khỏi đau lòng khi một loạt bạn diễn như Đức Hoàn, Kim Lân, Trịnh Thịnh... lần lượt qua đời. Ông vẫn nhớ hình ảnh nam nghệ sĩ tận tâm, chịu khó với vai diễn trong những ngày đoàn phim sống kham khổ ở Tủa Chùa, Điện Biên. Đóng vai phụ nhưng cố nghệ sĩ vẫn dành trọn thời gian để thâm nhập thực tế, hóa thân vào nhân vật một cách chân thực nhất.
Diễn viên Minh Vượng - người gần gũi cố nghệ sĩ qua các vai hài - cũng không nén được đau xót khi biết tin. "Tôi nhớ nhất là lần đóng một vở hài kịch với Trịnh Thịnh. Khi ấy, anh đóng vai một Việt kiều cao tuổi có tên Henry Cường còn tôi là bà bán cháo lòng tiết canh", NSƯT Minh Vượng chia sẻ.
Nữ diễn viên coi Trịnh Thịnh như một người đàn anh đáng kính. Không ngừng thúc đẩy bản thân phải sáng tạo, ông còn truyền cảm hứng và ý chí cầu tiến cho các bậc đàn em. "Anh Thịnh cống hiến cả đời cho nghệ thuật như một ngọn nến cháy hết mình. Đó là một trong những đại diện tiêu biểu cho thế hệ vàng của điện ảnh Việt Nam, là tấm gương sáng cho các nghệ sĩ trẻ", Minh Vượng nhận định.
Nghệ sĩ Minh Vượng đau buồn trước mất mát lớn của điện ảnh Việt Nam. |
Trần Lực, đạo diễn bộ phim cuối cùng Trịnh Thịnh tham gia là Tết này ai đến xông nhà, bày tỏ: "Lại một cây đại thụ nữa ra đi. Vĩnh biệt Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thịnh".
Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang, từng đóng cùng Trịnh Thịnh trong bộ phim Lửa rừng của đạo diễn Phạm Văn Khoa, từng có những kỷ niệm đẹp với cố nghệ sĩ. Chị kể rằng, hồi ấy, Trịnh Thịnh luôn là người gương mẫu, làm việc đúng giờ giấc. Tuy vậy, ông sống hòa đồng và hay trêu chọc người khác.
Nghệ sĩ Chiều Xuân cũng bày tỏ sự tiếc thương trên trang cá nhân: "Vĩnh biệt bác Trịnh Thịnh! Bác ra đi để lại một khoảng trống lớn cho điện ảnh Việt Nam. Sao dạo này phải khóc nhiều vì những nghệ sĩ đã ra đi làm vậy". Chị từng tâm sự, Trịnh Thịnh là biểu tượng về diễn xuất. Với vai hài, ông khiến người ta nhớ về hình ảnh một ông lão ngây ngô còn với vai bi, Trịnh Thịnh lại làm khán giả ghét và tức giận trước nhân vật ông đóng./.