Gánh hàng hoa

Trong cái xô bồ của Hà Nội hôm nay, đã khuất dần những nét thanh lịch của gánh hàng hoa. Các cửa hàng hoa la liệt đường phố với đủ kiểu hoa bó, hoa lẵng khác nhau. Thật sang, thật hiện đại nhưng dáng vẻ nhàn nhã, giao hòa giữa người mua và người bán chẳng còn

Nhà văn Thạch Lam đã để lại cho đời nhiều câu chuyện tinh tế về văn hóa của người Hà Nội. “Gánh hàng hoa” là một câu chuyện có thể truyền từ đời này sang đời khác về một mảng sống của người dân đất Kinh Kỳ, cho dù vào lúc ông viết truyện này, có vẻ thoát ly thực tế là dân ta đang sống dưới cảnh đô hộ của thực dân Pháp. Nhưng cũng chính điều ấy cho thấy bất chấp thời cuộc, cái hồn văn hóa của người Việt, của người dân xứ Kinh Bắc vẫn được duy trì và bảo tồn.

Hà Nội sau ngày giải phóng 10/10/1954, cho đến những năm 70 của thế kỷ trước, vẫn giữ được những “gánh hàng hoa” như thế. Quanh hồ Hoàn Kiếm, có ba gánh hàng hoa: một ở phía phố Hàng Khay, trông sang hiệu ảnh Quốc tế và Bách hóa Tổng hợp; một ở gần đền Ngọc Sơn, trông sang phía đền Bà Kiệu; một ở gần nhà Thủy Tạ, chênh chếch quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Kiến trúc thật đơn giản, nhà như chỉ có tường ngăn mà không có cửa, mảnh mai đến mức mái ngói chạy thẳng mà ta cứ ngỡ nó uốn cong theo lòng hồ.

Hoa tươi Hà Nội lúc ấy không được phong phú như bây giờ. Mùa nào hoa ấy: lay ơn, thược dược, hoa cúc, hoa hồng, hoa đồng tiền đơn, hoa huệ… Sang nhất là những bông lay ơn, xếp đều tăm tắp. Bắt mắt nhất là thược dược sắc đỏ, sắc trắng, sắc hồng. Khi những bông sen hồng, sen trắng xuất hiện, người ta biết đã đến hè. Rực rỡ nhất là sắc hoa cúc vàng báo hiệu mùa thu đã về. Và một năm, chỉ có hơn một tuần, giống hoa kiêu sa mà người Hà Nội quen gọi là hoa loa kèn.

Chủ nhân của những gánh hàng hoa này phần lớn là những người ở các làng hoa Ngọc Hà, Đại Liên… Người bán dịu dàng, thanh lịch. Người mua cũng nhẹ nhàng, nâng niu từng cánh hoa. Ở các chợ trong Hà Nội: Chợ Hôm, chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da, chợ Bưởi, chợ Mơ… nơi nào người ta cũng dành cho gánh hàng hoa chỗ tiện lợi nhất: quay ra mặt phố. “Gánh hàng hoa” đã trở thành bộ mặt của từng chợ.

Nhưng trầm lắng hơn cả là gánh hàng hoa của người bán hoa cúng. Đó thường là những phụ nữ đã đứng tuổi hoặc nhiều tuổi, áo dài tứ thân, vấn khăn. Gánh hàng hoa này thường ngồi ở góc đình, sân chùa, hoặc trong chợ thì ngồi riêng ra những chỗ quang đãng, mát mẻ. Người mua chỉ cần cất lời: “cho con (cho em) một gói hoa cúng”. Vậy là bàn tay đang têm trầu dừng lại, nhặt và gói cho ta một gói hoa. Gói hoa cúng của người Hà Nội thời ấy sao mà đơn giản: một hai bông hồng quế, một bông hoa lan (ngọc lan hoặc hoàng lan), vài nhánh hoa ngâu, hoa sói, một quả cau, một lá trầu không… thế thôi. Một miếng lá chuối tươi gấp chéo, một sợi lạt mỏng manh quấn hờ hững. Thế nhưng nó chứa đựng cả một quan niệm sống: cùng với cốc nước trong và nén hương thơm, lễ hoa dâng lên ban thờ vào mồng một hay ngày rằm, cốt ở sự thành kính.

Trong cái xô bồ của Hà Nội hôm nay, đã khuất dần những nét thanh lịch của gánh hàng hoa. Xung quanh hồ Hoàn Kiếm, viện cớ để mở rộng tầm nhìn, thông thoáng mặt hồ, người ta đã dẹp hết những “gánh hàng hoa”. Các cửa hàng hoa la liệt đường phố với đủ kiểu hoa bó, hoa lẵng khác nhau. Thật sang, thật hiện đại nhưng dáng vẻ nhàn nhã, giao hòa giữa người mua và người bán chẳng còn. Đấy là chưa kể thứ gì gọi là hoa cũng đem bán, từ hoa cau cho đến hoa láng... Có những thứ hoa ướp lạnh, mang về chẳng nở cánh nào. Có những bó hoa mang về, cắm lại mới biết là có thêm hoa giả. Lại có những thứ hoa nhuộm màu, dùng sơn xanh, sơn đỏ, sơn vàng phủ lên. Còn gì là hoa nữa nhỉ.

Làng hoa Hà Nội đã lùi xa, rất xa. Hết rồi Ngọc Hà, Đại Liên, Nghi Tàm, Nhật Tân, Quảng Bá. Bây giờ là những cánh đồng hoa ở Tây Tựu, Mê Linh, ở Văn Giang bên kia con sông Hồng; Hoa từ Sa Pa về, Đà Lạt ra. Rồi hoa từ phía trời Âu đổ về Hà Nội. Hà Nội bây giờ “muôn hồng nghìn tía”. Càng thấy nhớ, thấy thương những “gánh hàng hoa” mộc mạc xưa kia và “gói hoa cúng” khiêm tốn trong cái rổ mẹ ta đi chợ về./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên