Giải “bài toán” phục dựng điện Kính Thiên như thế nào?
VOV.VN -Khó khăn gặp phải trong quá trình nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên là thể hiện được chiều thời gian thông qua các tầng lớp di tích chồng lấp nhau.
Từ rất nhiều năm nay, việc nghiên cứu khôi phục không gian điện Kính Thiên luôn là điều trăn trở của những người tâm huyết với công tác bảo tồn di sản, bởi đây là công trình hạt nhân quan trọng hàng đầu trong tổng thể các di tích của Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. Tuy nhiên, cũng như nhiều công trình kiến trúc khác, điện Kính Thiên đã bị hư hại theo thời gian. Khách tham quan rất khó hình dung tầm vóc, quy mô kiến trúc của di sản, khi những gì còn sót lại trên mặt đất chỉ là đôi rồng đá lên thềm điện.
Mới đây, đề án nghiên cứu khôi phục Điện Kính Thiên thời đại các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, mở đường cho các nhà khoa học, các chuyên gia bắt tay vào công việc nghiên cứu để tìm ra phương án khả thi nhất phục dựng lại công trình kiến trúc quan trọng này. Thế nhưng, đây cũng là thách thức không nhỏ, khi khó khăn chồng chất.
Từ nghiên cứu đến khôi phục là cả chặng đường dài
Ông Trần Việt Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, đơn vị giữ vai trò chủ đầu tư lập Đề án cho biết, hiện còn quá sớm để trả lời cho câu hỏi được rất nhiều người quan tâm là phục dựng như thế nào, bởi đây mới chỉ là những “viên gạch” đầu tiên có tính pháp lý để cơ quan Nhà nước đưa ra quyết định có hay không phục dựng điện Kính Thiên. Thực hiện đề án nghiên cứu phương án phục dựng là cả chặng đường dài, chứ chưa nói đến chuyện phục dựng như thế nào, tại chỗ hay bên cạnh…
Theo đó, đề án được triển khai thực hiện trước mắt nhằm phục dựng không gian điện Kính Thiên một cách khoa học và xác thực thông qua các bản vẽ mô hình 2D, 3D dựa trên việc sưu tầm, khảo cứu tư liệu, khảo sát, học tập kinh nghiệm, thực hiện công tác khai quật khảo cổ, tạo tiền đề, cơ sở khoa học để cơ quan có thẩm quyền quyết định khôi phục Chính điện Kính Thiên và không gian điện Kính Thiên trên thực tế trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Trần Việt Anh cũng khẳng định, việc nghiên cứu phục dựng sẽ có vô vàn khó khăn, bởi những tư liệu hiện có về điện Kính Thiên còn rất ít, ngay cả những nhà khoa học và người làm di sản Việt Nam cũng chưa thể khẳng định được hình hài của điện Kính Thiên và không gian xung quanh, chứ chưa nói đến kiến trúc cụ thể, các thành phần nội thất, yếu tố phi vật thể ẩn chứa bên trong. Mặc dù vậy ông Việt Anh nhấn mạnh việc nghiên cứu phục dựng phải đặt tính chân xác lên hàng đầu.
“Một trong những khó khăn trong quá trình nghiên cứu phục dựng chính là thể hiện được chiều thời gian thông qua các tầng lớp di tích chồng lấp lên nhau. Tuy nhiên, đề án nghiên cứu được tập trung vào các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn và các triều đại có liên quan; trong đó, dự kiến tập trung nghiên cứu vào triều Lê - thời Lê Trung hưng vì theo các nhà nghiên cứu, đó là thời chúng ta có nhiều tư liệu nhất, nền điện vẫn còn, chưa kể trên lãnh thổ Việt Nam còn nhiều công trình kiến trúc gỗ thời Lê để đối sánh”, ông Việt Anh cho biết.
Không riêng gì Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng đã có những công trình nghiên cứu khôi phục chính điện ở kinh đô.Với những đề án tương tự, Nhật Bản cần 10 năm, Hàn Quốc mất 5 năm để hoàn thành, còn đại diện đơn vị tư vấn của đề án, Liên danh cty TNHH MTV MQL và các đối tác, Hội Khảo cổ học Việt Nam tự nhận khả năng 4 năm hoàn thành, và trước đó sẽ báo cáo đề xuất với UBND TP Hà Nội về mô hình phục dựng điện Kính Thiên trong năm 2016. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cũng chưa xác định rõ phương án trong quá trình khảo cổ. Nếu may mắn, khi khai quật, nền móng điện cũ còn nguyên vẹn thì sẽ thuận lợi cho việc lập mô hình đồ họa. Ngược lại, phế tích không còn nhiều thì sẽ phải mất thêm thời gian.
Lực lượng hùng hậu các chuyên gia đầu ngành
Thuận lợi lớn nhất hiện nay là đề án nghiên cứu nhận được sự ủng hộ của giới nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành. Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, ông Trần Việt Anh có niềm tin rằng các nhà khoa học, chuyên gia về di sản luôn sẵn lòng tham gia đóng góp ý kiến cho đề án nghiên cứu khôi phục ngôi điện được xem như linh hồn của Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.
“Về nhân lực, chúng tôi đã tiếp cận tất cả các nhà khoa học đầu ngành ở Việt Nam trong các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, kiến trúc… Ngoài ra, rất cần thiết tham khảo ý kiến của các chuyên gia quốc tế. Đó sẽ là một lực lượng hùng hậu, và họ sẵn sàng chia sẻ thông tin. Điều quan trọng là các ý kiến không chỉ dừng ở lời nói, ý tưởng, mà sẽ được thể hiện trên mô hình khôi phục không gian 2D, 3D, hình ảnh minh họa, các bản vẽ, mô hình thử nghiệm tổng quan… Thậm chí, rất nhiều đơn vị, nhất là các bạn trẻ rất muốn bắt tay vào vẽ 3D. Nhưng vẽ cái gì? Nếu mà vẽ không khéo, thành của người khác. Quan trọng nhất là tư liệu. Muốn có tư liệu, cần phải trải qua quá trình nghiên cứu của các chuyên gia”, ông Việt Anh cho biết
Cũng theo ông Việt Anh, vai trò của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn chính là tạo sự kết nối giữa các nhóm chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành trong nước và quốc tế: “Mỗi nhà khoa học sẽ có những ý kiến trùng nhau hoặc khác nhau đóng góp cho đề án, tuy nhiên việc tổng hợp, xâu chuỗi được ý kiến của các chuyên gia cũng rất quan trọng và không phải chuyện dễ dàng”.
Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, khó khăn lớn nhất khi thực hiện đề án nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên, đó là di tích đã bị phá hủy từ lâu, các tư liệu cho việc phục dựng còn rất ít. Tuy nhiên, ông cũng tin tưởng rằng các nhà khoa học sẽ tham gia nghiên cứu hoàn chỉnh đề án này, dựa trên cơ sở khai quật, cộng với nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tư liệu lịch sử, tư liệu so sánh các nơi. Nếu tư liệu tốt, hình thành được các cơ sở tốt, sau khi nghiên cứu sẽ tiến tới bước khôi phục”.
Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế là Liên danh Công ty TNHH MTV MQL và các đối tác cho rằng không có rào cản nào trong việc đóng góp ở đây. Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng khẳng định đề án sẽ là một công trình nghiên cứu mở, tiếp nhận nhiều luồng ý kiến phản hồi thông qua các cuộc thảo luận nhóm (workshop)… để việc khôi phục điện Kính Thiên được góp sức từ tất cả những ai có tâm huyết./.
Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428, ngay trên nền cũ của cung Càn Nguyên – Thiên An thời Lý, Trần. Đây là kiến trúc quan trọng nhất trong tổng thể Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, nơi vua Lê Thái Tổ tuyên bố lên ngôi, và về sau này nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài, nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự và thờ cúng.
Từ năm 1886, kiến trúc này bị người Pháp phá hủy và chỉ còn lại một số mảng, trong đó nền Chính điện (dài 57 mét, rộng 42 mét) chỉ còn lại các bậc thềm đá có chạm hình rồng.