Giải Oscar: Góc tối phía sau hào quang
Oscar là giải thưởng thường niên của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ. Nhưng phía sau câu chuyện Oscar này cũng có nhiều uẩn khúc và góc tối.
Oscar là giải thưởng thường niên của Academy of Motion Picture Arts and Sciences, tạm dịch là Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ. Nó được coi là giải thưởng danh giá nhất trên thế giới cho nghệ thuật thứ 7, tạo đẳng cấp, đưa lại vinh quang và tiền của. Lễ trao giải thưởng Oscar hàng năm là một trong những sự kiện lớn nhất và trọng đại nhất của thế giới điện ảnh.
Chỉ cần lọt vào diện được đề cử cho giải thưởng, tác phẩm điện ảnh đã thu lời về rất nhiều trong thời gian cho tới khi công bố giải thưởng. Khi đã đoạt giải Oscar, các nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên, chuyên gia... hứa hẹn nhiều đơn đặt hàng béo bở mới. Nhưng phía sau câu chuyện Oscar này không phải không có nhiều uẩn khúc và góc tối.
“Chạy Oscar”
Có một giai thoại về lịch sử tên gọi giải thưởng này. Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ trao giải thưởng Oscar lần đầu tiên vào năm 1929. Nó là bức tượng nhỏ nặng 4kg, mạ vàng 24 cara, cao 31cm, giá trị vật liệu dao động từ 400 - 500 USD. Khi nhìn thấy bức tượng, một cô thư ký làm việc trong Viện Hàn lâm thốt lên: “Trông nó giống ông Oscar của tôi quá”. Và thế là cái tên Oscar trở thành tên gọi của giải thưởng này. Theo Viện Hàn lâm nghệ thuật điện ảnh Mỹ, cho tới nay đã có khoảng 3.000 bức tượng như thế được sử dụng để trao giải thưởng. Viện này có 6.300 thành viên và những thành viên này lựa chọn ra những đề cử cho giải và sau đó quyết định trao giải thưởng cho ai, cho tác phẩm điện ảnh nào, về phương diện gì....
Lẽ đời ở đâu và ở thời nào chả thế. Cứ có người quyết định cái gì đấy thì cũng sẽ có người hoặc thế lực tìm cách tác động vào người quyết định để quyết định có lợi nhất cho họ. Trong chuyện giải thưởng Oscar cũng có chuyện “chạy” giải thưởng, có chuyên gia và cố vấn làm việc này, có những hãng chuyên nghiệp làm việc này, với chiến lược và bài bản, với định hướng ngay từ đầu và lộ trình triển khai cụ thể, hao tổn trí tuệ và tiêu tốn tiền của, giống như một hình thức đầu tư và kinh doanh rủi ro. Ở nước Mỹ, người ta không hề giấu diếm hay úp mở khi so sánh việc chạy giải thưởng Oscar giống như vận động tranh cử trong chính trị.
Tác phẩm điện ảnh được tìm cách cho “làm quen” với những thành viên của Viện Hàn lâm. Đương nhiên, luật pháp chính thức cấm hối lộ và mua phiếu. Nhưng trong khi đường thẳng chỉ có một thì đường vòng lại có rất nhiều. Những người, tổ chức hay hãng vận động không thiếu cách thức để thu hút sự chú ý của những thành viên Viện Hàn lâm tới bộ phim, bằng quảng cáo và truyền thông, bằng tổ chức sự kiện liên quan, bằng đánh bóng hình ảnh diễn viên tham gia đóng phim, bằng đưa bộ phim hay nghệ sĩ tham gia vào những hoạt động chính trị và xã hội đang được cả đất nước quan tâm, bằng sử dụng vai trò và ảnh hưởng của giới có chức, có quyền trong chính phủ, quốc hội, tôn giáo... Tất cả những việc này đều khá tốn kém, đều ngốn nhiều triệu USD. Nhưng phải đi trước và mạnh bạo đi trước như thế thì mới là đồng tiền khôn.
Sai lầm trong trao giải Oscar
Tuy mang tiếng là vinh danh những gì “tốt nhất” trong điện ảnh, nhưng đánh giá tốt hay không tốt, hay hoặc không hay chỉ là quyết định của 6.300 thành viên của Viện Hàn lâm. Công chúng có thể đánh giá khác. Mạng xã hội có thể xếp hạng khác. Giới chuyên môn điện ảnh có thể nhìn nhận khác. Và cũng vì có chuyện “chạy Oscar” nói trên nên tai tiếng và bê bối trong việc trao giải thưởng này là không thể tránh khỏi. Rất nhiều tác phẩm điện ảnh và nghệ sĩ mà bên ngoài cho là rất xứng đáng, đánh giá cao và duy trì được sự công nhận này cả mãi về sau mà không hề được trao giải.
Bộ phim “Citizen Caine” năm 1942 hay tác phẩm Etenal Sunshine of the Spotless Mind năm 2005, diễn viên Lauren Bacall hay Charlie Chaplin là những ví dụ. Bảng danh sách như thế này rất dài. Không ít diễn viên và đạo diễn được đề cử rất nhiều lần - Leonarde di Caprio với 6 lần được đề cử chưa phải là kỷ lục - nhưng lần thứ 6 mới được trao giải. Vì thế, Viện Hàn lâm này mới có sáng kiến lập thêm “Giải thưởng Oscar danh dự” cho sáng tạo nghệ thuật cả cuộc đời, để tránh búa rìu của dư luận, để khắc phục sai lầm một cách muộn màng và để ngỏ cửa cho những sai lầm tiếp theo trong tương lai.
Không ít đạo diễn và nghệ sĩ lại được trao giải Oscar cho những bộ phim, vai diễn hoặc đóng góp mà bản thân họ không tự nhận thấy là xuất sắc nhất. Cho nên từ trước đến nay, lần trao giải Oscar nào cũng có chuyện tai tiếng, cũng khen lắm chê nhiều. Cho nên có không ít người cho rằng cái may hơn khôn cũng không phải không phổ biến trong chuyện trao giải Oscar.
Bán “giải thưởng”
Theo quy định, người được trao giải thưởng Oscar không được phép “thương mại hoá” bức tượng ông Oscar. Giá trị vật liệu của bức tượng đâu có lớn. Nhưng bên trong bức tượng đó lại là những câu chuyện rất riêng tư, gắn liền với số phận con người và tác phẩm điện ảnh nên nó có giá trị rất lớn nếu có thể quy đổi được ra tiền bạc.
Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ đã ngăn ngừa khả năng này bằng cách ràng buộc những người được trao giải vào cam kết phải “bán lại” bức tượng cho Viện Hàn lâm với giá tượng trưng là 1 USD. Cam kết này có hiệu lực pháp lý đối với cả những ai được thừa kế bức tượng Oscar. Nhưng nếu đưa ra bán đấu giá thì lại không sao. Vì thế cho tới nay chỉ thấy có chuyện bán đấu giá bức tượng này. Giá được trả cao nhất từ trước đến nay là 1,5 triệu USD. Năm 1999, danh ca Michael Jackson đã bỏ ra ngần ấy tiền để đấu giá mua về bức tượng Oscar trao năm 1939 cho tác phẩm “Cuốn theo chiều gió”.
Đạo diễn lừng danh Steven Spielberg đã nhiều lần bỏ tiền ra - với số tiền không hề nhỏ - để mua lại qua đấu giá những bức tượng Oscar và sau đó tặng lại cho Viện Hàn lâm. Ông không muốn thứ đồ danh giá này lọt vào tay những kẻ chỉ chăm chăm kinh doanh nghệ thuật thứ 7 chứ không tôn trọng giá trị và lịch sử nghệ thuật thứ 7.
Đương nhiên là có một kiểu “chợ đen” về mua bán tượng Oscar. Mua bán trao tay, không chính thức, trộm cắp... rất kín đáo nên pháp luật thường không sờ tới được và Viện Hàn lâm cũng bó tay. Trên công khai chỉ có chuyện nữ diễn viên Olympia Dukakis bị mất bức tượng Oscar được trao cho vai diễn trong bộ phim “Moonstruck” khi nhà ở bị đột nhập năm 1989 và 2 bức bị mất hồi tháng 3/2000 trên đường vận chuyển từ nơi sản xuất ở Chicago đến Los Angeles.
Người ta nói thành công nhất ở giải thưởng Oscar là nó đã tự tạo nên được cả một thế giới thực sự cho chính nó, đầy đủ cả tối lẫn sáng, hay lẫn dở, vinh quang và tai tiếng, bi kịch và kỳ tích.
Những câu phát biểu vừa hài hước vừa khó đỡ trong lịch sử Oscar
Michael Caine |
Lần thứ hai thắng giải Oscar cho The Cider House Rules (1999), Michael Caine nhìn vào Tom Cruise phát biểu: “Nếu cậu thắng giải thưởng này, giá trị của cậu sẽ tụt dốc không phanh đấy. Cậu nghĩ người ta trả lương cho những diễn viên phụ nhiều lắm à?”.
Al Pacino |
Sau khi để trượt tượng vàng đến tận bảy lần, Al Pacino đã được xướng tên hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc cho Scent of a Woman (1992). Khi lên nhận giải, “Bố già” hài hước phát biểu: “Các người vừa mới phá vỡ thời kỳ toàn là đề cử của tôi rồi đấy”.
Sean Penn |
Khi nhận tượng vàng thứ hai cho Milk (2008) với vai vị chính khách đồng tính Harvey Milk, Sean Penn đã cảm ơn những thành viên của Viện Hàn lâm: “Cảm ơn các bạn. Cảm ơn các bạn. Những người ủng hộ đồng tính luyến ái”./