Giám định, quản lý cổ vật Việt Nam: Vẫn "tù mù"
VOV.VN - Những “mảng mờ” trong giám định, mua bán trái phép đang
là nguyên nhân khiến cổ vật Việt Nam chưa được tôn vinh đúng với giá
trị.
là nguyên nhân khiến cổ vật Việt Nam chưa được tôn vinh đúng với giá
trị.
Ở những cửa hiệu bày bán đồ thủ công mỹ nghệ, đồ giả cổ ở Quảng Bá, Nghi Tàm (Hà Nội) hay đường Lê Công Kiều (thành phố Hồ Chí Minh), người ta dễ dàng mua được những cổ vật ở nhiều niên đại khác nhau. Nhiều của hàng còn chào bán cả đồ xuất xứ khảo cổ học, trống đồng, thạp đồng… hay những cổ vật thuộc về di tích như sắc phong, tượng, lư hương, đỉnh đồng…
Đồ cổ, đồ giả cổ, hàng nhái ở đây được sắp xếp lộn xộn để “đánh lận con đen”. Nhiều nơi còn qua mặt các cơ quan chức năng bằng cách đánh bóng, làm mới đồ cổ. Khi đánh lừa khách hàng, cửa hàng lại “phù phép” cho đồ mới thành đồ cổ như: ngâm xác chè cho đồ gốm, axit cho đồ đồng, bôi hắc ín, đất cát cho đồ đá, ngâm nước, phơi sương đồ gỗ…
Kho cổ vật của một nhà sưu tầm (Ảnh: Kiến Thức) |
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, nhiều cửa hàng đang muốn trốn thuế dưới dạng nhà sưu tập cũng như “nhập nhằng” để lừa gạt người chơi cổ vật mới, ít hiểu biết.
“Chúng ta có một thông tư hướng dẫn về việc thành lập các cửa hàng cổ vật với những tiêu chuẩn về định lượng, định tính rất rõ ràng. Nhưng hiện nay, kể cả ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, chưa có một cửa hàng đạt được tiêu chuẩn như thế. Thị trường cổ vật của ta chưa phải là thị trường công khai minh bạch” - Tiến sĩ Phạm Quốc Quân cho biết.
Nếu các cửa hàng kinh doanh muốn đánh đồng cổ vật với các hàng hóa khác nhằm mưu cầu lợi ích, thì nhiều nhà sưu tầm, hay người lưu giữ cổ vật cũng muốn “tù mù” cổ vật của mình với nhiều mục đích. Một phần, họ sợ sau khi công khai, đăng ký thì việc mua bán trao đổi trở nên phức tạp. Một phần, họ sợ bị tịch thu, bởi nhiều bài học nhãn tiền đã xảy ra.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chia sẻ: “Ở Huế vài năm trước, khi người dân trục vớt được một số khẩu súng thần công, người dân nhanh chóng phản ánh đến các cơ quan chức năng và đề xuất Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mua lại. Nhưng khi đó, cơ quan quản lý văn hóa cơ sở lại xuống tịch thu. Việc làm cứng nhắc này đã gây nên một hậu quả nghiêm trọng đó là sự bất hợp tác của người dân khi phát hiện thấy cổ vật”.
Cổ vật vừa phát hiện trên con tàu đắm ở Quảng Ngãi (ảnh: Tiến Công) |
Bên cạnh đó, sự “tù mù” còn được thể hiện ở khái niệm cổ vật. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, ngay từ những năm 2000, đã xuất hiện một đường dây đi lên vùng đồng bào dân tộc Dao hỏi mua tranh thờ về bán cho nhà buôn dưới xuôi.
Từ những nhà buôn này, những bức tranh được chào hàng cho một số nhà sưu tầm và cả bảo tàng chính thống. Tuy nhiên, liệu Tranh thờ qua nhiều đời có phải là cổ vật không? Theo tiến sĩ Trương Quốc Bình cần phải mở rộng khái niệm về cổ vật, trong đó phải có tranh thờ, tác phẩm hội họa, điêu khắc…qua thời gian.
“Mảng mờ” lớn nhất trong bức tranh toàn cảnh về cổ vật Việt Nam có lẽ là thuộc về lĩnh vực giám định. Hiện nay, giá trị cổ vật hầu hết được những người sưu tầm đánh giá chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và cảm tính. Việc định giá mua bán gặp không ít trở ngại do chưa có những thước đo giá trị thực của cổ vật, tác phẩm để làm căn cứ mà chỉ đơn thuần là sự thỏa thuận giữa hai bên. Đồng thời, việc giám định về giá trị khoa học, giá trị kinh tế chưa được thực hiện do thiếu chuyên gia, thiết bị… Đây cũng là nguyên nhân khiến “nhiều đại gia thiếu hiểu biết tốn hàng chục tỷ đồng mà không hay chúng là đồ giả” – như lời tiến sĩ Phạm Quốc Quân từng chia sẻ.
Những “mảng mờ” trong bức tranh toàn cảnh về cổ vật Việt Nam đang là nguyên nhân khiến cổ vật Việt Nam chưa được tôn vinh đúng với giá trị. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần có những điều chỉnh để bức tranh này ngày một tươi sáng./.