Giám đốc CSAGA Nguyễn Vân Anh và dự án đưa nghệ thuật tới cộng đồng
VOV.VN - Chị cùng với những người cộng sự đã thực hiện các chương trình sử dụng nghệ thuật để giúp con người tìm thấy sức mạnh từ bên trong.
Lấy nghệ thuật để phản ánh và làm phương tiện góp phần giải quyết các vấn đề của xã hội là một khái niệm tương đối mới ở nước ta. Từ nhiều năm nay, có mọt người phụ nữ đã sử dụng ngôn ngữ của nhiếp ảnh sắp đặt, hội họa, âm thanh, ánh sáng để cất lên những hồi chuông cảnh báo về bạo lực gia đình cũng như sự bất bình đẳng giới ở nước ta. Chị là Nguyễn Vân Anh – người sáng lập và là giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), đồng thời là một người thực hành nghệ thuật đầy sáng tạo.
Chị Nguyễn Vân Anh – người sáng lập và là giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), |
Với nền tảng là một sinh viên sư phạm văn, chị Vân Anh có sự nhạy cảm với tâm lí con người. Tiếp đó, công việc phóng viên ở Đài Tiếng nói Việt Nam đã giúp chị có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với những người yếu thế trong xã hội. Am hiểu tâm lí, thấu hiểu hoàn cảnh của những người phụ nữ phải đối mặt với bạo lực gia đình, chị đã quyết định mình phải làm một điều gì đó. Đặc biệt là sau khi nhận ra được sức mạnh của ngôn ngữ nghệ thuật, nhà báo Vân Anh quyết định lựa chọn các hình thức nghệ thuật như nhiếp ảnh, sắp đặt hay múa như là chiếc cầu nối uyển chuyển, nhẹ nhàng để truyền tải những thông điệp về phòng chống bạo lực gia đình, cũng như bình đẳng giới.
Ấp ủ suy nghĩ đó, chị đã thành lập ra Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và trở thành giám đốc điều hành. Tại đây chị đã tổ chức nhiều triển lãm và cuộc thi như: Triển lãm Bên kia mắt bão, Triển lãm Phơi những vết thương hở, Ngày hội yêu thương, Lớp học nhảy zum-ba với phương châm nghệ thuật: Vì sự phát triển.
Chị cùng với những người cộng sự đã thực hiện các chương trình sử dụng nghệ thuật để giúp con người tìm thấy sức mạnh từ bên trong, tìm thấy bản thân và đem sức mạnh đó chuyển đổi thành cuộc sống của chính họ.
Triển lãm Bên kia mắt bão. |
Gần đây nhất là triển lãm “Bên kia mắt bão” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Triển lãm là sự hội tụ của nhiều tác phẩm nghệ thuật, mỗi tác phẩm là một câu chuyện có thật của các nạn nhân chịu bạo lực gia đình. “Bên kia mắt bão” cũng là minh chứng cho cách thực hành nghệ thuật đầy sáng tạo mà hiệu quả của chị Vân Anh trong phòng chống bạo lực.
20 câu chuyện, 20 số phận có thật của những người phụ nữ trong triển lãm “Bên kia mắt bão” được tái hiện qua ngôn ngữ của nghệ thuật nhiếp ảnh và được trưng bày trong một không gian nghệ thuật đương đại mang đậm tính nhân văn. Đến với triển lãm, người xem không khỏi bất ngờ với những dụng ý nghệ thuật độc đáo trong cách trưng bày, cũng như không kìm nổi những cảm xúc khi được đắm chìm trong không gian tĩnh lặng cùng những lời kể từ chính những nhân vật chủ chốt trong đó. Thông qua nghệ thuật, CSAGA mong muốn 20 tác giả vững tin hơn vì họ đang được lắng nghe, biết được ở ngoài kia có những người khác đang chạm vào câu chuyện, nỗi đau họ phải trải qua.
Không chỉ có triển lãm ảnh, mỗi chương trình của chị Vân Anh hầu như được tổ chức dưới nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau, nhưng xuyên suốt chúng là thông điệp Nghệ thuật vì sự phát triển. Với chương trình Ngày hội yêu thương, chị Vân Anh mong muốn mỗi người hãy tự giải phóng cơ thể và tinh thần của mình với cảm giác tự do. Ngày hội yêu thương được tổ chức ở ngoài trời với âm thanh, ánh sáng tạo nên những hiệu ứng nhất định. Còn với triển lãm “Phơi những vết thương hở miệng”, CSAGA muốn “tấn công” vào “thành trì” vô cùng bí mật, đó là bạo lực tình dục. Trong đó có những bộ phim tài liệu nói về câu chuyện của những nhân vật bị xâm hại tình dục. Mỗi người có một cảm xúc, một nỗi đau riêng và họ thể hiện qua phương thức khác nhau như vẽ, múa,.. trong triển lãm ấy.
“Tôi rất hạnh phúc với những nhân vật trong dự án này, họ tự hào về những gì họ đã làm. Và hiện giờ, họ đều là những người có sức ảnh hưởng mạnh trong cộng đồng. Từ chính họ, họ có thể thay đổi được rất nhiều cuộc đời khác, để mọi người có thể dám lên tiếng khi bị bạo lực tình dục.”- Chị Vân Anh bày tỏ cảm xúc khi nhắc lại ấn tượng về triển lãm “Phơi những vết thương”.
Đặc biệt hơn, chị Vân Anh cùng CSAGA tổ chức hướng dẫn chị em tiểu thương chụp ảnh làm triển lãm rồi mở lớp học nhảy miễn phí tại Chợ Bãi Đá- một chợ quê truyền thống nằm ven quốc lộ 21 từ Hòa Lạc đi Sơn Tây – Hà Nội. Đây là nơi chị Vân Anh chọn làm địa bàn trọng điểm dự án Nghệ thuật vì sự phát triển. Lúc đầu chỉ có các bạn trẻ rụt rè tham gia và rồi nhanh chóng lôi cuốn các chị, các cô trung niên.
“Triển lãm và học nhảy mang rất nhiều lợi ích. Học nhảy zumba chẳng hạn thì sẽ mang lại cho ta thêm sức khỏe, gắn kết tình cảm giữa chị em ở trong chợ. Những lúc nhảy rất vui vẻ sau khi nghỉ giải lao. Còn khi triển lãm ảnh, người ta có thể bộc bạch những khó khăn trong cuộc sống mà họ chưa thể nói ra”. – Một tiểu thương chia sẻ.
Để chụp được một bức ảnh về cuộc sống quanh mình, các chị phải rất dũng cảm mới dám lên tiếng nói ra những bất công, những bạo lực bản thân phải gánh chịu bởi định kiến “xấu chàng hổ ai” đã ăn sâu vào tiềm thức bao lâu nay.
Chị Vân Anh tâm sự: “Mỗi chị em đến đây đều là những câu chuyện khác nhau. Từng người và từng câu chuyện như thế làm mình cảm thấy xã hội có nhiều vấn đề mà mình không thể biết được. Và đến đó, mình thấy mọi người cởi mở và nói chuyện, chia sẻ với nhau rất thoải mái”.
Thấy được sự chuyển mình từ trong tinh thần của những người phụ nữ, chị Vân Anh chia sẻ: “Mình nghĩ là các vấn đề xã hội khi còn tồn tại loài người thì nó vẫn còn có thôi. Chỉ có điều là chúng ta ứng xử với nó như thế nào để chúng ta thay đổi nó. Việc đưa nghệ thuật vào phát triển là một cách giúp cho họ tự phá cái vòng kim cô ấy, tìm lại sức mạnh bản thân để tự giải quyết vấn đề của bản thân. Chúng ta không nên để cho họ lệ thuộc, giúp họ là muốn họ nắm được quá trình để họ tự phá vỡ vỏ bọc của họ, phá vỡ những định kiến của chính họ, giúp họ cởi mở và sáng tạo.”
Với nhà báo Vân Anh, phụ nữ chỉ sáng tạo nhất, được là chính mình nhất và hạnh phúc nhất khi họ thoát khỏi những khái niệm, những định kiến mang tính khuôn mẫu về giới, và khi những người phụ nữ luôn được vui sống với những khao khát của chính họ thì khi đó xã hội mới có thể tươi đẹp. Công việc của chị và các cộng sự của mình ở Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên là giúp những người phụ nữ nhận thức được giá trị của mình, tự tin đứng lên đấu tranh để giải thoát cho mình và tự giành lấy niềm vui cho mình./.