Giao lưu văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa
VOV.VN - Sự hấp thu và thẩm thấu các yếu tố văn hóa bên ngoài bắt nguồn từ nhu cầu hợp tác của mỗi chủ thể văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa.
Toàn cầu nhìn từ phương diện văn hóa
Toàn cầu hoá (Globalization) là hình thức quốc tế hoá đương đại của chủ nghĩa tư bản, có ảnh hưởng tới phạm vi toàn cầu, có liên quan tới những sự thay đổi của chủ nghĩa tư bản. Nội dung chủ yếu của toàn cầu hoá là toàn cầu hóa kinh tế. Toàn cầu hoá là qui luật không thể tránh khỏi. Nó mang lại cho các nước một số cơ hội như quá trình dân chủ hoá công nghệ, dân chủ hoá tài chính, dân chủ hoá thông tin. Những trụ cột chính đầu tiên cho quá trình toàn cầu hoá gồm năm mạng lưới có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Quá trình toàn cầu hóa đã được dự báo từ khi chủ nghĩa tư bản mới đời (thế kỷ XVI). Những phát triển về địa lý, những cuộc chiến tranh giữa các thuộc địa, sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, sự mở rộng thị trường và giao lưu quốc tế đã phá vỡ tính cát cứ, biệt lập, khép kín của các quốc gia, đòi hỏi sự mở rộng tầm tư duy hoạt động kinh tế, thương mại, mậu dịch.
Trong một phát hiện khác, Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng: Giá trị dân tộc và giá trị nhân loại về cơ bản là nhất trí. Có nghĩa là sự phát triển của một quốc gia không nằm ngoài sự phát triển của toàn thế giới. Từ nhiều chục năm trước ở Việt Nam đã có những dự đoán như vậy. Và trong xu hướng toàn cầu hoá hiện nay, văn hoá Việt Nam không nằm ngoài sự phát triển của các quốc gia, dân tộc khác trên toàn thế giới.
Như vậy nói tóm lại, sự phát triển “nội sinh” không có nghĩa là gạt bỏ yếu tố “ngoại sinh”. Nguồn gốc của sự phồn vinh và phát triển lâu dài của quốc gia là ở trong văn hoá - trong kho tàng tri thức, đạo đức, tâm hồn, lối sống, nguồn sâu xa của sự sáng tạo của cá nhân và cộng đồng.
Như chúng ta đã biết vào thời Minh Trị - 明治時代 (1868), Nhật Bản đã mở rộng giao lưu với phương Tây bằng việc cử phái đoàn đi học tập tại Mỹ và Châu Âu. Trong chuyến đi mục sở thị đó, người Nhật đã tiếp thu được những yếu tố tích cực của nền văn minh. Họ tiếp nhận một cách sáng tạo như hải quân làm theo của Anh, lục quân lại tổ chức theo kiểu Pháp, điện tín và xe lửa học tập Mỹ… cộng với ý thức quốc gia mạnh mẽ, lòng tự hào gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc theo kiểu “Kỹ thuật phương Tây, đạo lý Nhật Bản” đã làm cho Nhật vượt cả phương Tây trở thành cường quốc phát triển nhất nhì thế giới. Như vậy, Nhật Bản đã hiện đại hoá theo kiểu phương Tây nhưng trên nền tảng giá trị văn hoá dân tộc.
Mặt khác là nguy cơ san bằng và đồng nhất hoá các tiêu chuẩn, các hệ giá trị, đe doạ và làm suy kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hoá. Đặc biệt với các nước thế giới thứ ba đang công nghiệp hoá có những nguy cơ tha hoá về văn hoá, cụ thể là phương Tây hoá, đồng nhất hiện đại hoá và Tây phương hoá. Không vong quốc nhưng vong bản. Mà đã vong bản thì quốc gia còn mà dân tộc không còn, nghĩa là văn hoá dân tộc cùng với các giá trị của nó bị thủ tiêu. Quốc gia bị tha hoá sẽ không còn sức sống.
Có thể nói rằng, thời đại của chúng ta là thời đại của văn hoá lên ngôi. Muốn phát triển thì phải phát triển văn hoá, muốn phát triển văn hoá thì vừa phải chăm lo giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bởi lẽ giữ gìn bản sắc không co vào cố thủ trong tính riêng biệt, khước từ giao lưu văn hoá. Trên thế giới không có một nền văn hoá nào có tính thuần bản địa.
Trong thời đại ngày nay, không một quốc gia nào có thể phát triển được khi đứng biệt lập với thế giới. Giao lưu văn hoá trở thành mối liên kết giữa các nền văn hoá hướng tới sự phát triển của văn hoá dân tộc, chống lại cái phản văn hoá, làm cho văn hoá trở thành mục tiêu của sự phát triển bền vững. Tiếp xúc - giao lưu - đối thoại văn hoá ngày nay nhằm mục đích tăng cường hiểu biết, thúc đẩy hợp tác, củng cố tình hữu nghị giữa các dân tộc, các nước trên thế giới tạo ra sức mạnh chung để bảo vệ nền hoà bình bền vững lâu dài trên trái đất, ngăn ngừa chiến tranh, chống khủng bố, các hành vi bạo lực gây tội ác, các tội phạm đe doạ sự bình yên của cuộc sống.
Giao lưu văn hóa toàn cầu
Trong quan hệ quốc tế, nội dung văn hoá càng trở nên quan trọng bởi vì văn hoá liên quan tới “sức mạnh mềm” trong sức mạnh tổng hợp quốc gia. “Sức mạnh mềm” là sức mạnh vô hình, ảnh hưởng tới ý thức công chúng và dư luận quốc tế. Tổng thống Mỹ tại hội nghị văn hoá và ngoại giao Nhà Trắng năm 2000 đã nhấn mạnh rằng: Văn hoá có sức thâm nhập mạnh, có thể đạt mục tiêu mà các biện pháp chính trị và quân sự chưa chắc có thể đạt được. Sức mạnh mềm gồm bốn yếu tố; sức hội tụ và sự hấp dẫn của nền văn hoá dân tộc; ảnh hưởng của xã hội, ý thức hệ quan niệm giá trị, phương thức phát triển nhà nước; sự kiểm soát và ảnh hưởng quốc gia trên các mặt qui tắc, tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng thể chế quốc tế, sự hấp dẫn của hình tượng quốc gia.
Những trở ngại về không gian và thời gian đối với giao lưu văn hóa ngày càng bị thu hẹp. Nhờ vậy, các dân tộc và những nền văn hóa khác nhau trên thế giới ngày càng thường xuyên tiếp xúc với nhau. Tần số hấp thu cũng không ngừng gia tăng đối với từng cá thể. Giao lưu và hội nhập văn hóa trên thế giới hiện nay đang diễn ra trên qui mô lớn hơn bao giờ hết. Những hoạt động trao đổi kinh tế, mậu dịch, đầu tư quốc tế, trao đổi văn hóa, học thuật trên phạm vi quốc tế và làn sóng di dân đã mở rộng hơn nữa diện giao lưu. Do đó, nếu như trước kia giao lưu văn hóa chỉ mang tính lẻ tẻ, bộ phận nằm trong khuôn khổ tự phát, thẩm thấu một cách tự nhiên, thì nay nó đã mang một tầm cao mới với tính toàn thể, phát triển từ qui mô quốc gia đến qui mô khu vực và qui mô toàn cầu.
Kết quả của những giao lưu văn hóa mang tính đa phương và đa khuynh hướng như vậy đang hình thành nên một hệ giá trị và vật thể văn hóa chung cho tất cả các nền văn hóa trên trái đất. Có nhiều nhà học giả gọi đó là nền văn hóa toàn cầu hay văn minh toàn cầu.
Một biểu hiện khác của giao lưu văn hóa có thể dễ dàng tìm thấy là thực tiễn của các công ty xuyên quốc gia. Để có thể điều hành tốt quá trình đàm phán kinh doanh, các công ty phải thiết lập được cầu giao tiếp liên văn hóa giữa các đối tác nằm trên vùng các lãnh thổ khác nhau của địa cầu. Từ trên những hiểu biết thu được từ giao lưu văn hóa mà các công ty hoạch định chính sách, chiến lược kinh doanh. Ví dụ như chiến lược kinh doanh của McDonalds là sự điển hình của sự vận dụng giao lưu văn hóa vào trong hoạt động kinh doanh. McDonalds đã học cách thích nghi với nền văn hóa địa phương. Đó là hầu hết các cửa hiệu của McDonalds ở nước ngoài đều thuộc quyền sở hữu của dân địa phương. Mặt khác họ cũng thường xuyên thay đổi thực đơn để phù hợp với từng vùng. Ví dụ như ở Ai Cập phục vụ món McFelafel, còn ở Nhật Bản phục vụ món bánh rong biển. Hay như món Shushi và Sashimi của Nhật đã trở thành món ăn yêu thích, tạo nên văn hóa ẩm thực trong lòng các Châu lục trên toàn thế giới.
Bên cạnh giao lưu văn hóa do chủ thể của các doanh nghiệp, cũng còn có vô vàn hoạt động giao liên văn hóa của các chủ thể khác. Chẳng hạn như quá trình làm giàu vốn văn hóa của các cá nhân bằng cách hấp thụ những yếu tố văn hóa bên ngoài. Sự hấp thu và thẩm thấu các yếu tố văn hóa bên ngoài này bắt nguồn từ nhu cầu hợp tác của mỗi chủ thể văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa.
Chính việc thường xuyên hoặc phải tiếp xúc với những nền văn hóa khác nhau đã buộc mỗi chủ thể văn hóa phải có sự chuẩn bị chu đáo cụ thể như: hình dung được chủ thể văn hóa khác mà mình tiếp xúc, về mức độ sẵn sàng chấp nhận giao tiếp và khả năng đón nhận thông tin của đối tác ấy, cùng với những phản ứng của họ trước những yếu tố văn hóa đưa đến cho họ.
Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử một cấp độ liên kết văn hóa mới cao hơn đã xuất hiện. Nó lấy không gian toàn cầu làm địa bàn tương tác mà không phải từng khu vực văn hóa riêng lẻ như trước kia. Bởi vậy, cần phải gọi nó với cải tên chính xác là giao lưu văn hóa toàn cầu.
Hiện nay, giao lưu văn hóa toàn cầu đang hiện hữu dưới nhiều hình thức khác nhau, từ phân công lao động quốc tế cho đến thị trường tài chính toàn cầu, Nhưng đặc trưng nhất của trong số các hình thái giao lưu của toàn cầu hóa phải kể đến: (1) thị trường toàn cầu hóa trong các ấn phẩm văn hóa; (2) giao lưu văn hóa qua Internet; (3) các hệ thống truyền thông đại chúng./.