Gìn giữ và phát huy Ca trù

Nét nổi bật là vấn đề hoạt động của các câu lạc bộ Ca trù tại các địa phương đã duy trì được tính định kỳ hàng tháng, hàng tuần.  

Sáng 13/10, Viện Âm nhạc Việt Nam kết hợp với Cục Di sản (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả kiểm kê Di sản văn hóa Ca trù.

Các tham luận trình bày tại hội nghị khẳng định: Nét nổi bật là vấn đề hoạt động của các câu lạc bộ Ca trù tại các địa phương đã duy trì được tính định kỳ hàng tháng, hàng tuần đồng thời tập hợp được những ca nương, đào kép yêu thích nghệ thuật Ca trù tham gia sẽ góp phần duy trì và phát huy nghệ thuật này theo đúng bản sắc của từng địa phương. Tuy nhiên việc khôi phục và duy trì các không gian hát của nghệ thuật Ca trù còn gặp nhiều khó khăn; việc tập hợp tài liệu và tuyên truyền các điệu hát Ca trù trong dân gian còn hạn chế do thiếu kinh phí thực hiện. Trong khi đó hầu hết  nghệ nhân hiện nay đều đã già yếu nên việc truyền dạy cần phải được tổ chức kịp thời nếu không nhanh chóng thì chúng ta sẽ mất đi cả một tài sản quý giá.

Các câu lạc bộ Ca trù tại các địa phương đã duy trì được tính định kỳ.

Đại biểu Phan Thư Hiền đến từ tỉnh Hà Tĩnh nêu ý kiến: “Các không gian trình diễn gặp nhiều khó khăn. Hà Tĩnh chúng tôi có truyền thống Hát cửa quyền nhưng bây giờ không gian đó rõ ràng không có nữa. Còn không gian Hát cửa đình cũng khó khăn vì lễ hội truyền thống đã mai một. Làm thế nào đó để bảo tồn và tôn vinh nghệ thuật này? Ngoài ra chúng tôi còn muốn làm băng đĩa, giới thiệu các giọng hát trước khi các nghệ nhân qua đời.

Theo Giáo sư Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam thì việc truyền dạy phải đúng đối tượng yêu thích và đam mê nghệ thuật theo phương châm “con chị nó đi, con dì nó lớn” tức là theo thế hệ. Việc truyền dạy cần gắn liền với người chuyên tâm và những tài năng trẻ.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh cho biết: “Đừng có hạ thấp Ca trù bằng việc cho toàn dân hát Ca trù. Điều đó là một điều không tưởng. Ở những nơi có truyền thống này sẽ là một vinh dự lớn cho cộng đồng và cho các nghệ nhân. Một số nơi chưa có thì muốn có đã đánh tiếng để ở lớp và mời đến dạy giúp. Đấy là về phía nhân dân nhưng không phải toàn dân. Nhân dân ở đây là một bộ phận có mối liên quan và hiểu biết về nghệ thuật Ca trù. Như thế là rất mừng rồi. Thứ hai là toàn dân không phải là những người thích nghe nhưng người ta biết trên đời này có một Di sản đáng bảo vệ - đó là Ca trù”./.

Nghe một số làn điệu ca trù lời cổ

Tỳ bà hành- thể hiện:  NSND Quách Thị Hồ

Chúc hỗ- thể hiện: Nghệ nhân Vân Mai

Hồng hồng tuyết tuyết- thể hiện: NSND Quách Thị Hồ

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên