Giọng ca vàng Trần Khánh

Nghệ sĩ Trần Khánh sở hữu một chất giọng trời phú: sáng, đẹp, ấm áp. Giọng của ông thuộc loại nam cao (tenor), đặc biệt có âm vực rất rộng, tới hơn hai quãng 8. Đó là điều rất hiếm ca sĩ nào có được.

Những người ở độ tuổi từ 50 trở lên rất quen biết một tên tuổi nghệ sĩ, sở hữu một giọng hát có một không hai ở Việt Nam.

Giọng hát có một không hai

Người đó là Trần Khánh (sinh năm 1930, tại Hải Phòng), nghệ sĩ đơn ca của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Tên tuổi ông gắn liền với sự phát triển của nền ca khúc Việt Nam giai đoạn xây dựng CNXH ở nước ta sau hòa bình lập lại (những năm 1957 - 1964), đặc biệt là giai đoạn chống Mỹ cứu nước (1964 - 1975).

Những người hâm mộ hẳn không thể quên những bài Trần Khánh đã hát: Tình ca (Hoàng Việt), Mời anh đến thăm quê tôi (Nguyễn Đức Toàn), Tiếng hát gửi dòng sông quê hương, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Tình ca đất nước (Phan Nhân), Tiếng chiêng đồng (Văn An)…

Những bài Trần Khánh đã hát khó có ca sĩ khác gây được ấn tượng, gần như cái bóng của ông quá to đã che lấp hết mọi sáng tạo sau ông. Ông có được một chất giọng trời phú: sáng, đẹp, ấm áp. Giọng của ông thuộc loại nam cao (tenor), đặc biệt có âm vực rất rộng, tới hơn hai quãng 8. Đó là điều rất hiếm ca sĩ nào có được. Ông có thể lên cao tới nốt lá và xuống thấp tới nốt sòn (dòng kẻ phụ) mà nghe vẫn rất nét, thoải mái, lên cao không bị gắt, chói; xuống thấp không bị xỉn, mờ. Ông còn đặc biệt có hiệu quả khi lĩnh xướng hợp xướng và song ca. Hai bản hợp xướng nổi tiếng Ca ngợi Tổ quốc (Hồ Bắc) và Hồi tưởng (Hoàng Vân) nếu không do Trần Khánh lĩnh xướng, chắc chắn hiệu quả sẽ giảm sút. Cùng với giọng nam trung cũng rất đáng quý là Trần Thụ, ông đã thực hiện nhiều tiết mục song ca nam khó có sự thay thế: Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Bài ca giải phóng quân (Lưu Nguyễn và Long Hưng)… Tôi cho rằng, cặp Trần Khánh - Trần Thụ là cặp song ca nam hay nhất từ trước tới nay.

Trong giới ca hát, người ít được học nhất cũng có dịp dự một khóa tại chức hoặc bổ túc tại các trường nhạc. Nhưng Trần Khánh thì không. Nói vậy là nói chuyện học tại trường lớp. Còn dĩ nhiên là ông phải tự học, tự tôi luyện nhiều.

Thực ra không phải đến khi làm việc ở Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trần Khánh mới phát huy sở trường. Ngay từ nhỏ, ông đã là một cậu bé hát rất hay ở Hải Phòng. Ông vốn quê gốc ở Nam Định, nhưng cha mẹ đã rời Thành Nam về sinh sống, lập nghiệp tại Hải Phòng từ rất lâu. Tuổi thơ và tuổi trẻ của ông gắn liền với thành phố cảng này.

Ông Trần Liễn - người anh ruột của Trần Khánh - năm nay 77 tuổi, kể rằng: Thuở đi học, Khánh đã hát hay, nổi tiếng toàn trường với bài Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước. Dạo đó là những ngày trước tháng Tám năm 1945, giặc Nhật gây nên nạn đói khủng khiếp ở khắp mọi nơi. Phong trào cứu đói do Đảng ta phát động lúc này được mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Để chuẩn bị cho một cuộc tuyên truyền cứu đói, Trần Liễn dự định hát ba bài. Khi Liễn tập bài Đàn chim Việt thì Khánh hát theo. Văn Cao khi ấy chủ trì việc chuẩn bị này, thấy Khánh hát hay quá, bèn nói, Liễn chỉ hát 2 bài, nhường bài trên để Khánh hát và người nhạc sĩ tài ba đã trực tiếp đệm đàn violon cho Khánh đơn ca. Đó là lần đầu tiên ông hát trước số đông dân chúng, đã rất được tán thưởng. Còn nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thì cứ tấm tắc mãi với giọng ca Trần Khánh với bài Đoàn vệ quốc quân của ông.

Một phẩm chất nghệ sĩ đáng quý

Đồng nghiệp kể rằng, Trần Khánh gần như không để ý tới bất cứ điều gì ngoài ca hát, biểu diễn phục vụ. Phân công ông hát bài gì, phục vụ ở đâu, không bao giờ ông từ chối. Khi Đoàn Ca nhạc Đài có những năng lực trẻ có thể dần thay thế, ông nhường họ thu thanh những sáng tác mới. Ông tận tâm dìu dắt để có được những giọng hát mới sáng giá: Hữu Nội, Ngọc Tân, Tiến Thành, Huy Hùng. Ông là người chịu khó đến với các tầng lớp công chúng ở những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất. Tôi từng tận mắt chứng kiến nhiều buổi chỉ một mình ông với đàn guitar gỗ tự đệm hát mấy chục bài liền trước những đơn vị bộ đội hoặc anh em công nhân một nhà máy, xí nghiệp. Chính những lần hát trong các hầm lò trước các thợ mỏ trong những lần đi phục vụ công nhân ở Quảng Ninh đã giúp ông thấu hiểu cuộc sống và đồng cảm với họ, từ đó dẫn tới việc hát rất thành công bài Tôi là người thợ lò của Hoàng Vân.

Ngẫm lại cuộc đời cách mạng, chiến đấu và ca hát của Trần Khánh, rất nhiều người nghĩ rằng ông hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, chứ không chỉ là nghệ sĩ Ưu tú. Dẫu gì thì Trần Khánh vẫn cứ sống mãi trong lòng đông đảo người hâm mộ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên