Giữ hồn cho phố cổ Hà Nội
Đề án “Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ” được triển khai từ năm 2009 đã mang lại nhiều tác dụng tích cực
Ông Đinh Hồng Phong, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin quận khẳng định: “Khơi dậy nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ chính là khơi dậy cốt cách, “cái hồn” của phố cổ Hà Nội với nét văn hóa ứng xử thanh lịch đặc trưng trong giao tiếp, sinh hoạt”.
Trong 5 tiêu chí đề án đưa ra, quận Hoàn Kiếm tập trung vào 2 tiêu chí cốt yếu: Giao tiếp, ứng xử có văn hóa và tiêu chí có ý thức giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.
Đề án đã tạo ra phong trào sâu rộng, thu hút mọi tầng lớp nhân dân trong quận tham gia, từng bước xác lập những nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ.
36 phố phường xưa vẫn buôn bán tấp nập, đặc biệt là phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân, Hàng Gai, chợ Đồng Xuân… nhưng cách ứng xử trong gia đình và xã hội đã thay đổi nhiều theo chiều hướng tích cực.
Giữa ông bà, con cháu ngày càng mẫu mực; giữa người kinh doanh và khách hàng ít còn hiện tượng cãi vã; giữa bà con lối phố ít xích mích, mâu thuẫn…
Biểu diễn văn nghệ chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ |
Người dân phố cổ ngày càng tích cực tham gia tổng vệ sinh vào sáng thứ 7 hàng tuần, bóc quảng cáo, tờ rơi dán trên tường nhà cũng như khu vực công cộng, không vứt rác bừa bãi ra đường.
Trong bình xét gia đình văn hóa, nếu gia đình nào không thực hiện một trong ba điều kiện: Không tham gia họp tổ dân phố, không tham gia tổng vệ sinh hàng tuần, không treo cờ Tổ quốc vào các ngày lễ, Tết, sẽ không đủ điều kiện xét chọn danh hiệu.
Không những làm gương và vận động những người trong gia đình thực hiện theo khuôn phép trong văn hóa ứng xử, bác Đức với vai trò là tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường Đồng Xuân còn tích cực vận động bà con lối phố thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn lòng đường, hè phố thông thoáng, cam kết với các hộ kinh doanh không bày bán ngoài vỉa hè, lập các tổ tự quản để giữ gìn trật tự.
Bác cùng mọi người trong tổ thường xuyên nhắc nhở các gia đình bán hàng, khi xưng hô thể hiện đúng văn minh xã hội, có thưa gửi với người lớn tuổi, nói năng có chủ ngữ, nhẹ nhàng, không to tiếng. Các quán nước không để thanh niên ngồi nói bậy, đánh lô đề và nghiêm khắc nhắc nhở nếu để hiện tượng này xảy ra.
Những năm gần đây, văn hóa ứng xử và văn hóa kinh doanh của người dân được nâng lên rõ rệt. Điển hình như dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, dịp Trung thu hay các ngày lễ Tết khác, khi được phường vận động treo đèn lồng đối với các nhà mặt phố, mọi người đều nhiệt tình hưởng ứng.
10 ngày cao điểm chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long, chị em tại các công sở đều mặc áo dài truyền thống đi làm và nhiều bà con kinh doanh trong chợ Đồng Xuân cùng thực hiện.
Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết bên mâm cỗ truyền thống do bà chế biến |
Nghệ nhân Ánh Tuyết cho rằng, lối sống của người Hà Nội xưa vô cùng tinh tế, lịch lãm; từ chiếc áo thiếu nữ cũng phải chọn màu nhã nhặn, hoa văn nhỏ; nói năng nhỏ nhẹ, có thưa gửi; sắp bát đũa cũng phải đặt ra sao cho hợp lý; mời khách uống nước phải đặt chén vào tách…. đặc biệt phải chú tâm vào nữ công gia chánh và phải giữ bốn chữ “công, dung, ngôn, hạnh”.
Cảm kích trước cách sống của bà, nhiều người đã gửi con gái đến nhà nghệ nhân, nhờ bà rèn giũa để chúng giữ lấy văn hóa người Hà Nội trước khi đi du học nước ngoài hay đơn giản là trước khi trưởng thành, phải va chạm với lối sống hiện đại. Nơi bà ở cũng là nhà hàng dậy các món ăn truyền thống Hà Nội cho du khách nước ngoài để người ta hiểu về văn hóa ẩm thực Hà Nội.
Nhưng với người dân phố cổ Hà Nội lại khác. Văn hóa truyền thống ngàn năm vẫn ngấm sâu trong tiềm thức mỗi người dân ở đây và khi được khơi dậy, nó vẫn tỏa sáng, bất kể đó là ai, làm công việc gì./.