Hàn Quốc: Bước tiến thần tốc của “con rồng” điện ảnh châu Á
Dù đã bước qua thời kỳ huy hoàng nhất, điện ảnh Hàn Quốc vẫn duy trì sự phát triển thần tốc với hàng loạt kỷ lục mới, xứng danh ‘con rồng’ điện ảnh châu Á.
Thời kỳ hoàng kim
Những năm 1990 được xem là thời kỳ ấn tượng nhất của điện ảnh Hàn Quốc khi chứng kiến những cú lột xác ngoạn mục cả về đề tài lẫn hình thức thể hiện. Chính sự tự do, không còn bị gò bó bởi nền tảng văn hóa, pháp lý đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Hàn Quốc trong giai đoạn đó. Nhà văn Mark Russell từng trả lời BBC rằng câu chuyện hay nhất về điện ảnh Hàn trong thập niên 1990 chính là việc những nhà làm phim đã dám đấu tranh nhằm vượt qua sự cản trở của chính phủ. Trước đó, trong thập niên 1970 - 1980, nền điện ảnh Hàn Quốc đã phải chật vật tìm lối thoát trước sự kiểm duyệt gắt gao của phim nội địa, hầu như tất cả phim ra rạp vào thời điểm đó đều đến từ Hollywood.
Cảnh phim gây nhiều tranh cãi trong “Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring” của Kim Ki Duk |
Sau đó từ năm 1996, điện ảnh Hàn Quốc liên tục tăng trưởng, cả về doanh thu nội địa và tỷ lệ phần trăm chiếm lĩnh của phim nội. Đỉnh cao vào năm 2006, khi doanh thu phòng vé đạt kỷ lục chưa từng có, và phim nội chiếm tới 65% số vé. Năm 2014, The Admiral: Roaring Currents đã thống lĩnh danh sách phim ăn khách nhất mọi thời đại tại Hàn Quốc, mang về 131 triệu USD toàn cầu và 17 triệu lượt xem. Trước đó, phim tình cảm cha con của Hàn Quốc Miracle in Cell No.7 và Thieves vượt mặt Iron Man 3 và cả The Avengers.
“Con người ở mọi nơi đều muốn xem những bộ phim có chất lượng, hấp dẫn bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ. Vì thế mọi nền văn hóa đều sẽ có lợi thế sân nhà trước Hollywood”, nhà văn nổi tiếng Mark Russell khẳng định.
Nhắc đến thập niên 1990 không thể không nhắc đến bộ phim Seopyeonje (1993) của đạo diễn Im Kwon-taek khi đây là tác phẩm được ca ngợi là đỉnh cao nghệ thuật tạo hình trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc. Im Kwon-taek cũng giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải lần đầu tiên.
Bộ phim bom tấn của đạo diễn Hàn Quốc khi kết hợp cùng nhà sản xuất Hollywood - Snowpiercer. |
Thành công vang dội của Seopyeonje là minh chứng cho những bộ phim nghệ thuật về văn hóa truyền thống của đất nước này vẫn đủ sức cạnh tranh ở đấu trường quốc tế. Từ đó, các nhà làm phim Hàn Quốc bắt đầu tìm kiếm những cách thức mới để xây dựng nên dòng phim nghệ thuật đạt nhiều doanh thu hơn và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nền điện ảnh nước này.
Từ đó đến nay, Hàn Quốc đã trở thành cường quốc điện ảnh của cả châu Á lẫn thế giới. Nếu xét tỷ lệ phim nội địa được chiếu trong nước, thì Hàn Quốc là một trong số ít các quốc gia có thể cạnh tranh được với các phim bom tấn của Hollywood. Thành công bắt nguồn từ chính thế hệ các nhà làm phim trẻ thời đó đã chèo lái con thuyền điện ảnh nước nhà đi đúng hướng chỉ trong 20 năm qua.
“Con rồng” điện ảnh châu Á
Không thụt lùi sau những đổi thay đáng kể đó, những bộ phim như The Host (2006), D-War (2007), Masquerade (2012) hay Ode to My Father (2014) đã kế thừa thành công “dây chuyền” sản xuất phim chuyên nghiệp với những đề tài không chỉ xoay quanh tình yêu, gia đình mà đã được mở rộng sang chính trị, hình sự, viễn tưởng.
Ngoài cuộc đua doanh số hay tranh giành thị phần khán giả, ngày càng nhiều bộ phim Hàn Quốc vượt ra khỏi biên giới và tạo dấu ấn mang tính quốc tế. Chỉ trong vài năm trở lại đây, những nhà làm phim của Hàn Quốc đã liên tục có nhiều cơ hội làm rạng danh nước nhà tại các liên hoan phim thế giới đơn cử là nam đạo diễn nổi tiếng Kim Ki Duk với hơn 20 giải thưởng quốc tế khác nhau.
The Handmaiden, đại diện của Hàn Quốc tham gia tranh giải Cành cọ vàng tại Cannes. |
Mặc dù là “đứa con lập dị” của Hàn Quốc khi các bộ phim của ông với những nội dung nhạy cảm, khốc liệt của xã hội hầu như không được chào đón tại quê nhà, Ki Duk vẫn là một trong những tên tuổi đạo diễn Hàn Quốc gây được tiếng vang lớn nhất trong làng điện ảnh thế giới khi liên tiếp có mặt trong đề cử tranh giải của các liên hoan phim danh giá. Được mệnh danh là “Trương Nghệ Mưu” thứ hai của châu Á, Kim Ki Duk đã đem về cho nền điện ảnh nước nhà những giải thưởng uy tín như Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice với tác phẩm Pieta, giải “Quạ vàng” của LHP Bỉ...
Gần đây nhất, tại Liên hoan phim Cannes năm nay, Hàn Quốc đã vượt mặt cả “cường quốc điện ảnh” Trung Quốc để trở thành đại diện của châu Á tham gia tranh giải. Bộ ba phim điện ảnh Hàn Quốc đến với Cannes mặc dù bị đánh giá chưa có nhiều đột phá về ý tưởng và nội dung nhưng tất cả đều được sản xuất một cách cẩn thận và nhiều tâm huyết. Những người hầu gái (The Handmaiden) - chuyển thế và làm lại từ cuốn tiểu thuyết tội phạm khiêu dâm của nhà văn Anh Sarah Waters; Fingersmith của đạo diễn Park Chan-Wook là một trong những tác phẩm gây nhiều xôn xao tại Cannes. Trước đó, bộ phim nổi tiếng nhất của ông là tác phẩm điện ảnh về đề tài trả thù Oldboy, đã giành được giải thưởng Grand Prix vào năm 2004.
Và mới đây, The Throne của Lee Joon Ik là bộ phim thứ hai được đề cử ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất sau bộ phim đầu tiên The King and the Clown (2006) tại lễ trao giải Oscar năm nay.
Bên cạnh tranh giải ở dòng phim nghệ thuật, nhiều đạo diễn Hàn Quốc cũng đã mở rộng phạm vị làm phim thị trường của mình khi bắt tay cùng các nhà sản xuất phim của Hollywood. Đặc biệt với bom tấn khoa học viễn tưởng Chuyến tàu băng giá (Snowpiercer) của đạo diễn Bong Joon Ho, quy tụ dàn sao của Mỹ như Tilda Swinton và John Hurt một lần nữa khẳng định khả năng tư duy làm phim của người Hàn Quốc đã vượt xa nhiều nước châu Á.
Từ đó có thể thấy, nền điện ảnh Hàn Quốc vẫn đang tiến về phía trước bằng tốc độ vũ bão không chỉ bằng cách đứng lên “đôi vai của những người khổng lồ” mà còn tạo ra những giá trị nghệ thuật mới, mang hơi thở thời đại nhằm giữ vững vị trí “con rồng” điện ảnh châu Á trong cuộc cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
“Thế hệ các nhà làm phim đang thống trị ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc hiện xuất phát từ những năm 1990. Nếu các thế hệ tiếp theo không thiết lập dấu ấn cá nhân, thay đổi cấu trúc nền điện ảnh đã có phần lạc hậu như hiện tại thì khó có thể đưa điện ảnh Hàn Quốc phát triển hơn nữa", nhà phê bình phim Jeon Chan-Il khẳng định./.
Ảnh cưới phiên bản “Hậu duệ mặt trời” của cặp đôi tuổi 80