Hành động thiết thực hơn để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
VOV.VN - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hy vọng sẽ có thêm nhiều Hội thảo để khơi dậy sự quan tâm của toàn xã hội với việc bảo vệ, phát huy ngôn ngữ dân tộc.
Toàn văn bài viết của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ủy Viên Trung ương Đảng gửi đến Hội thảo khoa học "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" do VOV phối hợp cùng Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 5/11 tại Hà Nội:
"Tôi rất vui mừng tham dự Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” do Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì, cùng Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và các cơ quan nghiên cứu, cơ quan báo chí phối hợp tổ chức. Đây là một hoạt động thiết thực, ý nghĩa để thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa dân tộc và ngôn ngữ và kỷ niệm 50 năm Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại khai mạc Hội thảo khoa học "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng". |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn trân trọng và giữ gìn cái hay, cái đẹp của tiếng Việt. Người khẳng định: "Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó nhằm làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc hay ỷ lại hay sao?”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu tấm gương trong việc sử dụng ngôn ngữ của dân tộc cả lúc nói và lúc viết.
Bảo vệ và phát triển tiếng Việt theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết phải dựa vào bản thân tiếng Việt “để phát triển nó là chính, vay mượn là phụ” và chống cả hai khuynh hướng cực đoan không tiếp nhận hoặc tiếp nhận ồ ạt. Trong việc giữ gìn tiếng Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xác định vai trò quan trọng của đội ngũ văn nghệ sĩ, các nhà báo, những người làm công tác truyền thông vì chính họ là những người sử dụng tiếng Việt thường xuyên để truyền tải thông tin, tư tưởng, tình cảm của dân tộc.
Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là người vô cùng tâm huyết với việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất yêu quý và đặc biệt quan tâm tới tiếng Việt. Thủ tướng Phạm Văn Đồng căn dặn "Cần phải đánh giá một cách tổng quát về tiếng Việt của ta, nhìn thấy chất của nó, giá trị, bản sắc, tinh hoa của nó, nhận rõ hai đức tính của nó là giàu và đẹp, nhìn thấy khả năng phát triển phong phú của nó"… Thủ tướng là người khởi xướng phong trào giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt tại một Hội nghị diễn ra từ ngày 7/2 đến ngày 10/2/1966 trong thời điểm đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, tăng cường chiến tranh xâm lược ở miền Nam của chúng ta.
Cuộc vận động này tập trung vào 3 nội dung: Giữ gìn và phát triển vốn chữ của tiếng ta; Nói và viết đúng phép tắc của tiếng ta; Giữ gìn bản sắc, tinh hoa, phong cách của tiếng ta trong mọi thể văn (văn nghệ, chính trị, khoa học, kĩ thuật,...). Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định: "Đây là một công việc lâu dài, phải kiên trì, phải nhìn xa, thấy rộng, phải làm từng bước với tất cả ý thức trách nhiệm của mỗi người chúng ta, với lòng tự hào về tiếng nói của dân tộc và với lòng phấn khởi và tin tưởng đang góp phần của mình vào một công việc vừa quan trọng vừa tốt đẹp vô cùng”.
Chúng ta đều thấm thía rằng, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ẩn sâu trong đó là niềm tự hào, tự tôn dân tộc; thể hiện nhận thức sâu sắc của các nhà lãnh đạo và nhân dân ta về vai trò của văn hóa - nguồn cội sức mạnh của dân tộc trong lịch sử mấy nghìn năm đấu tranh gian khổ dựng nước, giữ nước. Tương lai của quốc gia, của dân tộc không chỉ là từ tiềm lực kinh tế, mà quan trọng hơn, sâu xa hơn là từ văn hóa, từ con người.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp 2013, trong đó quy định “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta tiếp tục thực hiện những công việc cần thiết để gìn giữ tiếng Việt- tài sản quý báu của cha ông và phát huy nó trong đời sống đương đại.
Sau ba mươi năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, đất nước ta đã có nhiều khởi sắc, nhiều thành tựu. Mọi mặt của đời sống xã hội cũng có những đổi thay nhanh chóng, sâu sắc. Trong bối cảnh ấy, tiếng Việt cũng có những bước phát triển, giàu có hơn, phong phú hơn. Tiếng Việt ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội, là công cụ giao tiếp, phương tiện tư duy và truyền tải tri thức... Đặc biệt, trong lĩnh vực báo chí và truyền thông, tiếng Việt là công cụ hữu hiệu nhất để thông tin. Báo chí và công chúng báo chí cũng có đóng góp to lớn, quan trọng vào sự phát triển của tiếng Việt hiện đại.
Bên cạnh ưu điểm và thành tích đó, có một thực tế cần quan tâm là việc sử dụng tiếng Việt cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém đó là sự thiếu trong sáng, thậm chí lệch chuẩn, lai căng, hỗn tạp. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn cẩu thả, dễ dãi khi dùng ngôn từ; vay mượn một số từ nước ngoài trong khi tiếng ta có sẵn. Ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức.
Vì những điều vừa nêu trên, tại Hội thảo quan trọng này, tôi đề nghị các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà báo và tất cả quý vị cần nghiêm túc đánh giá, khẳng định những ưu điểm, thành tựu, đồng thời chỉ ra những bất cập, hạn chế trong sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây vừa là mong muốn, vừa là yêu cầu với cuộc Hội thảo này, thông qua đó góp phần quan trọng vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tôi xin nêu một số vấn đề để Hội thảo trao đổi, thảo luận với mong muốn sẽ tạo ra nhận thức chung để cùng hành động.
Thứ nhất, ngôn ngữ không chỉ là phương tiện quan trọng trong các hoạt động giao tiếp của con người và xã hội mà đối với mỗi dân tộc, ngôn ngữ còn được ví như một thứ “căn cước” của nền văn hóa. Cần phải nhận thức rõ điều này để cùng nhau xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó việc sử dụng tiếng Việt phải có ý thức rõ ràng, hướng tới sự trong sáng, chuẩn mực. Để cho tiếng Việt đạt được sự chuẩn mực, trong sáng thì những người làm báo, làm công tác truyền thông, các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, nhà quản lý có vai trò quan trọng, gương mẫu đi đầu trong việc lan tỏa tình yêu tiếng Việt, tạo cảm hứng và truyền bá để mỗi khi nói, khi viết đều ý thức được trách nhiệm nói đúng, viết đúng, nói hay, viết hay, góp phần làm cho tiếng ta thêm giàu có.
Thứ hai, trên phương diện quản lý Nhà nước, cần phải có những quy định chặt chẽ về việc sử dụng ngôn ngữ, nhất là khi tiếng Việt đã được hiến định là ngôn ngữ quốc gia. Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy có nhiều quốc gia đã có luật hoặc các văn bản pháp quy về ngôn ngữ. Ở nước ta, một đất nước có hàng ngàn năm văn hiến, nhiều sắc tộc và ngôn ngữ, việc có các quy định pháp lý về ngôn ngữ, chuẩn hóa ngôn ngữ là cần thiết. Đấy cũng là cách để chúng ta khẳng định, trân trọng, bảo vệ, phát huy ngôn ngữ dân tộc trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay. Các cơ quan Nhà nước cần tăng cường quản lý, thực hiện tốt những quy định đã có của pháp luật trong lĩnh vực báo chí, ngôn ngữ, văn hóa.
Thứ ba, cuộc sống càng phát triển năng động thì tốc độ gia tăng vốn từ vựng mới ngày càng cao. Đó là xu thế tất yếu. Sự gia tăng vốn từ vựng tiếng Việt đã đáp ứng kịp thời nhu cầu giao tiếp, giao thương, nghiên cứu khoa học, quản lý xã hội trong công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập. Theo thời gian, những từ ngữ mới đúng đắn, được chấp nhận sẽ tồn tại, gia nhập vào vốn ngôn ngữ chung, làm phong phú thêm tiếng Việt; những từ ngữ không phù hợp sẽ nhanh chóng bị đào thải, lãng quên. Nhưng quá trình này diễn ra chậm hơn nhiều so với cuộc sống. Vì vậy, rất cần các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa, giới báo chí và truyền thông, hệ thống giáo dục đào tạo, các chuyên gia, nhà quản lý phải hành động mạnh mẽ thông qua các nghiên cứu toàn diện, sâu sắc về đời sống ngôn ngữ để kịp thời có những phản biện, góp ý nhằm chấn chỉnh những lệch lạc trong sử dụng ngôn ngữ, điều chỉnh hành vi ngôn ngữ.
Trong một thế giới mà sự tuỳ thuộc lẫn nhau giữa truyền thông và văn hóa ngày càng lớn, truyền thông xã hội bùng nổ, ngôn ngữ bị tác động mạnh mẽ. Sẽ có nhiều từ mới du nhập vào đời sống ngôn ngữ. Đấy cũng là điều tất yếu. Cần tránh 2 khuynh hướng cực đoan là thận trọng quá mức hoặc dễ dãi quá mức. Cả hai khuynh hướng này có thể sẽ dẫn tới việc làm biến dạng dần tiếng mẹ đẻ, ảnh hưởng đến lối sống và bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ tư, truyền thông và báo chí là một lĩnh vực tác động mạnh mẽ tới xã hội và việc sử dụng ngôn ngữ. Vì thế, tôi cho rằng, các nhà báo cần rèn luyện, trau dồi kiến thức; tìm tòi, tích lũy vốn từ vựng trên nhiều lĩnh vực ngành nghề; học hỏi cách diễn đạt nhuần nhị mà sâu sắc trong vốn văn hóa dân gian, trong đời sống, trong hoạt động báo chí. Đấy cũng là một trong những yêu cầu về tính chuyên nghiệp của báo chí. Mỗi sản phẩm của các nhà báo phải là kết tinh của quá trình lao động miệt mài, sáng tạo qua từng con chữ với một tình yêu quê hương, đất nước thiết tha; một trách nhiệm xã hội cao cả. Với sự thông minh, nhạy bén, công chúng chính là người vừa sáng tạo, đón nhận, vừa là người thẩm định việc sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điểm 9 trong Quy định đạo đức nghề nghiệp báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Nhà báo phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt, đồng thời tôn trọng các nền văn hóa khác”. Rất mong các cơ quan báo chí, Hội nhà báo các cấp và các nhà báo thực hiện cho được điều này. Báo chí vừa là nơi thực hành ngôn ngữ, vừa giữ vai trò tiên phong trong định hướng sử dụng ngôn ngữ; báo chí cùng với văn học và giáo dục góp phần làm giàu có, phong phú, nâng cao ngôn ngữ quốc gia. Đồng thời, các cơ quan báo chí, các nhà báo, các nhà khoa học phải tích cực, chủ động, đấu tranh phê phán những hành vi sử dụng tiếng Việt không đúng, lệch lạc, yếu kém, làm hỏng tiếng Việt.
Tôi đề nghị lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ, các cơ quan báo chí và nhà báo, từ kết quả, bài học của Hội thảo này, cần quan tâm hơn nữa, có hành động thiết thực hơn nữa trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ở đơn vị mình, để mỗi tác phẩm làm ra đều đạt được sự chuẩn mực về ngôn ngữ, về tiếng Việt.
“Hãy giữ gìn cho tiếng Việt mãi mãi trong sáng”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói như vậy. Tôi mong rằng, chúng ta sẽ tiếp tục có thêm những Hội thảo khoa học bổ ích, thiết thực như cuộc Hội thảo hôm nay để khơi dậy sự quan tâm của toàn xã hội với việc bảo vệ, phát huy ngôn ngữ dân tộc. Những kết quả của Hội thảo này cần biến thành nhận thức đúng, hành động đúng trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, các đoàn thể và trong nhân dân về việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, tiếng của non sông, đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta./.