Hành trình trở về quê hương của “Lục Vân Tiên cổ tích truyện“
VOV.VN - Sau hơn 100 năm nằm im lìm trong thư viện Văn khắc và Văn học (Pháp), bản thảo có nhan đề "Lục Vân Tiên cổ tích truyện" đã được công bố và xuất bản.
Viện Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) vừa công bố hai tập tranh màu truyện thơ Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, được xuất bản dựa trên bản dịch tiếng Pháp từ năm 1897 của một sĩ quan hải quân Pháp là Eugene Gibert và họa sĩ cung đình Huế Lê Đức Trạch. Sau hơn 100 năm nằm im lìm trong thư viện Văn khắc và Văn học (Pháp), bản thảo đã được công bố và xuất bản thành 2 cuốn sách có nhan đề "Lục Vân Tiên cổ tích truyện".
Mỗi đoạn thơ đều được minh họa bằng tranh màu, bên dưới là bản dịch thơ bằng 3 ngôn ngữ Việt-Anh-Pháp
Câu chuyện bắt đầu từ hơn 5 năm về trước khi Giáo sư Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) có dịp thăm Thư viện Văn khắc và Văn chương Pháp - nơi lưu giữ rất nhiều văn bản, thư tịch và tư liệu cổ. Trong rất nhiều tư liệu cổ về Việt Nam và Đông Dương, Giáo sư Phan Huy Lê đã chú ý đến một bản thảo được bọc bởi một lớp giấy cổ, dày dặn nhưng rất đơn sơ.
Xem qua ngoài bìa, ông cùng các học giả nhận thấy đây là truyện Lục Vân Tiên do một sĩ quan người Pháp là Eugene Gibert và họa sĩ cung đình Huế Lê Đức Trạch tặng Viện Hàn lâm Pháp vào năm 1899. Đây là tác phẩm với trên 2000 câu thơ chữ Nôm chia làm nhiều đoạn, đều được minh họa màu ở tất cả các trang.
Điều khiến ông và các học giả ngạc nhiên là tại sao vào năm 1895-1897 đã có một công trình minh họa đồ sộ như thế. Sau đó không lâu, với đề nghị của Giáo sư Phan Huy Lê, bản thảo này đã được các nhà nghiên cứu hai nước Pháp - Việt Nam lập một dự án để công bố rộng rãi.
Giáo sư Phan Huy Lê cho biết: sau 3 năm làm việc nghiêm túc và cẩn trọng, ấn phẩm "Lục Vân Tiên cổ tích truyện" dựa trên bản thảo tranh màu truyện thơ Lục Vân Tiên của Eugene Gibert và họa sĩ cung đình Huế Lê Đức Trạch đã được ra mắt tại Hà Nội.
"Đây là văn bản góp phần vào kho tàng văn bản học về truyện Lục Vân Tiên nhưng giá trị bậc nhất của ấn phẩm này là một truyện Nôm-truyện thơ dài của Việt Nam lần đầu tiên được minh họa toàn bộ. Ta thấy đây là tranh vẽ màu, rất nhiều màu sắc, rất sinh động và nếu ta so sánh nội dung từng đoạn thì nó rất trung thành nội dung cơ bản của đoạn đó.
Xem qua các tranh vẽ thì rõ ràng mang phong cách tranh dân gian, nhiều màu sắc nhưng khá đặc biệt, có phần nào đó gần với Tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh, có phần nào đó giống tranh Làng Sình ở Huế, phần nào đó có phong cách cung đình. Tức là nghiên cứu về mặt nghệ thuật thì tôi cho rằng là rất hấp dẫn", giáo sư Phan Huy Lê nói.
Không chỉ có ý nghĩa trong việc tìm hiểu lịch sử minh họa tranh màu nói chung, mỹ thuật Việt Nam cuối thế kỉ 19 đầu thế kỷ 20 nói riêng, hai cuốn sách "Lục Vân Tiên cổ tích truyện" còn là kết quả của mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, lâu đời giữa các nhà nghiên cứu hai nước Việt Nam, Pháp.
Tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu được dịch sang tiếng Pháp từ năm 1864. Dựa trên bản in của Abel de Michel, viên sĩ quan hải quân Pháp Eugene Gibert nảy ra ý tưởng phác họa tác phẩm bằng tranh màu.
Ông đã giao cho Lê Đức Trạch, một họa sĩ của triều đình Huế thực hiện tác phẩm truyện thơ bằng tranh màu duy nhất trong khoảng thời gian từ 1895 đến 1897. Trở về Pháp, ông đã trao tặng tác phẩm này cho Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn học Pháp vào năm 1899. Kể từ đó trong suốt hơn 110 năm, bản thảo nằm im lìm trong thư viện Viện hàn lâm Pháp, cho đến năm 2011 được Giáo sư Phan Huy Lê phát hiện.
Với mong muốn giúp công chúng hiểu rõ giá trị đặc biệt về khoa học và mỹ thuật của bản thảo Truyện thơ Lục Vân Tiên bằng tranh màu, hai nhà nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác cổ là Pascal Bourdeaux và Oliver Tessier đã tiến hành biên tập, chú giải để công bố bản thảo này bằng 3 ngôn ngữ: Việt-Anh-Pháp với nhan đề "Lục Vân Tiên cổ tích truyện" (2 tập).
Tiến sĩ Pascal Bourdeaux cho biết: để thực hiện công trình nghiên cứu này anh và các đồng nghiệp của mình đã đi khắp các vùng Việt Nam tìm lại tất cả tư liệu có liên quan.
"Trong quá trình đi tìm hiểu thực tế, chúng tôi phát hiện nhiều phiên bản khác nhau của truyện Lục Vân Tiên. Như chúng ta biết truyện Lục Vân Tiên là truyện lục bát với hơn 2.000 câu thơ, được truyền miệng trong dân gian nên có nhiều phiên bản khác nhau. Thơ của Nguyễn Đình Chiểu được truyền khẩu và phổ biến rộng rãi vào cuối thế kỉ 19. Thế nhưng truyện Lục Vân Tiên lại được chuyển từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ và Tiếng Pháp lại có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, phổ biến nhiều hơn", Tiến sĩ Pascal Bourdeaux nói.
Trước đó, tại Việt Nam, cùng với bộ tranh màu truyện thơ Lục Vân Tiên, các nhà sử học đã công bố bộ văn khắc "Kĩ thuật người An Nam", một công trình nghiên cứu văn minh vật chất người An Nam đầu thế kỷ 20, với hơn 4000 tranh khắc phản ánh đời sống của người dân Bắc Bộ từ sản xuất, buôn bán đến vui chơi, phong tục, tập quán... của Henri Oger.
Theo Giáo sư Phan Huy Lê, những ấn phẩm mang đậm tinh thần văn hóa này giúp chúng ta tìm về quá khứ một cách chân thực và thuyết phục nhất, thể hiện sự trân trọng văn hóa bản địa.
"Tôi mừng nhất là rõ ràng trong giới trí thức Pháp, có những người dù sang Việt Nam trong thời thuộc địa nhưng họ rất quan tâm đến văn hóa Việt Nam. Văn bản Lục Vân Tiên cùng một văn bản nữa đã được công bố là tập văn khắc "Kĩ thuật người An Nam" của Henri Oger "Kĩ thuật An Nam" đã công bố, phản ánh cuộc sống của Hà Nội đã để lại một số tác phẩm sáng tạo nhưng có cộng tác với người Việt Nam. Và nó để lại cho chúng ta một bộ phận di sản quý trong văn hóa cổ truyền của người Việt Nam", giáo sư Phan Huy Lê cho biết.
Đây là kết quả nghiên cứu khoa học bài bản và cũng là một món quà văn hóa, hai nước Việt Nam và Pháp đã xuất bản song song bộ sách "Lục Vân Tiên cổ tích truyện". Câu chuyện hồi hương của bộ sách này cũng như việc tìm hiểu, công bố những tư liệu quý về văn hóa và văn học Việt Nam trong quá khứ vẫn còn là một chặng đường dài, để những giá trị tinh thần vô cùng quý báu này không bị rơi vào quên lãng./.