Hát Xoan - Nghệ thuật dân gian cần được bảo tồn
Trải qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển, nghệ thuật hát Xoan đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương.
Cái nôi của nghệ thuật hát cửa đình
Phú Thọ - Đất tổ Hùng Vương - Kinh đô của nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên của người Việt. Ở nơi hợp lưu 3 con sông Đà, sông Lô và sông Thao, từ cách đây mấy nghìn năm trước, dưới sự trị vì của vua Hùng Vương, đất nước Văn Lang vui hưởng thái bình, muôn dân ấm no, ngày đêm ca hát.
Trong tiến trình phát triển của lịch sử hàng nghìn năm ấy, vùng đất Phú Thọ đã hình thành nên một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú và quý giá, trong đó phải kể đến nghệ thuật hát Xoan, một loại hình dân ca nghi lễ đặc sắc, thường được biểu diễn tại các đình làng vào dịp mùa Xuân nhằm tưởng nhớ ơn đức Vua Hùng. Với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: Trống, Hát và Múa, phường hát Xoan biểu diễn cũng là để cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, đồng thời ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn...
Là loại hình dân ca nghi lễ, hát Xoan phải tuân theo những quy tắc khá nghiêm ngặt của phong tục, tín ngưỡng như chỉ được biểu diễn vào những ngày nhất định trong năm (thường là vào tháng Giêng, tháng Hai âm lịch); biểu diễn hát Xoan phải ở phía trước nhang án trong gian Đình cũng như việc tập luyện chỉ được tổ chức trong nhà. Mỗi làn điệu hát Xoan khi biểu diễn phải kết hợp được nhuần nhuyễn, linh hoạt giữa múa và hát cùng nhạc cụ cơ bản là Trống cái, Trống quân.
Tiết mục hát múa Mó cá thường diễn ra vào đêm cuối tiệc đình |
Trước đây, ở Phú Thọ có 18 làng hát Xoan, trong đó 4 phường Xoan tiêu biểu còn tồn tại đến nay là phường An Thái, phường Phù Đức, phường Kim Đới và phường Thét. Phường Xoan là một tổ chức văn nghệ nghiệp dư của những người cùng trong làng, phần lớn là có quan hệ họ hàng bà con với nhau.
Người đứng đầu phường Xoan là ông Trùm phường. Ông Trùm vừa là thầy dạy nghệ thuật hát Xoan, vừa là người tổ chức các cuộc trình diễn và lưu diễn của phường Xoan đi khắp các đình làng trong vùng. Theo hầu ông Trùm để học Xoan là các kép con và các cô đào trẻ.
Hàng năm nhằm tiết đầu Xuân, khi các làng trên quê hương Đất Tổ vào hội, đại diện mỗi làng thường gửi thiếp hồng, mời ông Trùm và phường Xoan của ông về diễn tại đình làng mình. Dẫn đầu cuộc bộ hành đi lưu diễn là ông Trùm, theo sau là 2 kép con, một người ôm trống, một người ôm tráp. Trong tráp đựng những bản lời ca Xoan viết bằng chữ Hán Nôm.
Theo sau 2 kép con là 8 cô đào trẻ tuổi 18 – 20. Hành trang của các cô đào rất gọn nhẹ, tất cả được gói ghém trong chiếc khăn đen buộc thành tay nải đeo vai. Phường Xoan khi đến làng nào đều được dân làng đón tiếp trọng thị và thành kính, vì biết rằng, những câu hát Xoan sẽ mang đến may mắn cho mọi người trong năm mới. Chính vì những điều này, hát Xoan qua ngàn đời vẫn được quần chúng nhân dân vùng đất Tổ Vua Hùng vô cùng ưa chuộng.
Hát Xoan trước nguy cơ mai một
Nhưng ngày nay, hát Xoan đang chịu những tác động của xã hội hiện đại và đứng trước nguy cơ bị thất truyền. Về nguyên tắc, muốn bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống thì trước tiên, công tác truyền dạy phải được quan tâm và chú trọng. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ, trên toàn tỉnh hiện chỉ còn 69 nghệ nhân hát Xoan, trong đó chỉ có 8 nghệ nhân còn khả năng truyền dạy. Thực tế thiếu thầy dạy và ít học trò theo học hát Xoan đã làm cho tính kế thừa và phổ biến của nghệ thuật hát Xoan gặp nhiều trở ngại. Cùng với đó, việc duy trì sinh hoạt, biểu diễn hát Xoan cũng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất cũng như sự đầu tư, quan tâm, động viên về mặt tinh thần.
Một đêm trình diễn hát Xoan thờ thần thường chia thành 3 chặng: |
Bên cạnh việc trang bị, đầu tư, bảo tồn cơ sở vật chất, nguồn kinh phí trực tiếp cho công tác truyền dạy và biểu diễn hát Xoan cũng chưa được các cấp, ngành quan tâm đúng mức. Nghệ nhân Lê Thị Huệ ở phường Xoan Phù Đức cho rằng, thanh thiếu niên chủ yếu đi làm, đi học, việc tập hợp họ vào phường hát rất khó bởi chế độ ưu đãi gần như không có. Học sinh thường chỉ tập hát được vào các dịp nghỉ hè, lứa tuổi thanh niên có nhiều trường hợp mặc dù rất yêu thích hát Xoan nhưng vì bận mưu sinh cho nên đã không thể tham gia.
Đành rằng cơ sở vật chất cũng như kinh phí đầu tư cho việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xoan là điều cấp thiết. Tuy nhiên, yếu tố con người cùng phương pháp truyền dạy nghệ thuật dân gian này cũng không hề đơn giản. Nghệ nhân Lê Xuân Ngũ, 75 tuổi, Trùm phường Xoan Phù Đức chia sẻ: “Hát Xoan là loại hình nghệ thuật dân gian nên cách truyền dạy thông qua truyền khẩu. Tuy nhiên, bây giờ hát Xoan cũng đã bị thất bản nhiều bởi ảnh hưởng từ các làn điệu hát dân ca khác như hát Chèo, Quan họ… nhất là với lớp đào, kép. Âm điệu trong hát Xoan hoàn toàn khác biệt không giống với bất cứ làn điệu dân ca nào, cho nên để hát Xoan đúng, đủ và mượt mà cần phải có thời gian tập luyện rất công phu…”.
Trăn trở cùng sự tiếc nuối với câu hát Xoan xưa, Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch ở phường Xoan An Thái bày tỏ: “Người hát Xoan thành thạo như chúng tôi bây giờ không còn nhiều nữa! Vẫn mong có được lớp trẻ kế tục và lưu truyền câu hát nhưng con cháu theo học không được nhiều. Con cháu bây giờ phần vì mải lo kiếm sống, phần thì không còn mặn mà với câu hát của người xưa thành ra tôi vẫn cảm thấy áy náy với tổ tiên…”.
Đồng cảm với ý kiến của nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, là một thanh niên trẻ tham gia phường Xoan Kim Đới, bạn Nguyễn Văn Quyết cho biết, hát Xoan vốn là nghệ thuật cổ từ xưa, vì thế ca từ đa số theo văn Hán Nôm, phải là người thực sự yêu thích mới hiểu được hết được cái hay, cái đẹp của những ca từ đó để rồi đam mê luyện hát. Đặc biệt, hát Xoan lại không có nhạc đệm, trong khi các bạn trẻ ngày nay ưa thích hát nhạc hiện đại, karaoke… Điều này khiến cho việc vận động các bạn theo học hát Xoan gặp không ít khó khăn.
Đứng trước nguy cơ mai một và những thực tế khó khăn trong việc bảo tồn, gìn giữ nghệ thuật hát Xoan, từ năm 2009, UBND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhằm lưu giữ nghệ thuật độc đáo này. Hiện nay, hồ sơ “Hát Xoan Phú Thọ” đã được đệ trình đề cử công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. UNESCO đang trong quá trình thẩm định và sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 11 tới./.