Hình tượng Bác Hồ trong những bộ phim, cuốn sách quốc tế
VOV.VN - Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trân trọng ghi vào nhiều bộ phim, cuốn sách, trong các cuốn từ điển danh nhân của thế giới.
Theo thống kê chưa đầy đủ, có trên 200 tác phẩm và các công trình nghiên cứu, hàng trăm tạp chí, hàng ngàn bài báo của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, triết học, tâm lí học, nhân chủng học, văn hóa học, các nhà thơ, các phóng viên của các tờ báo lớn trên thế giới… viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay, tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trân trọng ghi vào các bộ đại bách khoa thế giới, các bộ từ điển danh nhân lỗi lạc của loài người.
Những thước phim chân thực, sống động, nhiều cảm xúc
Những năm kháng chiến chống Mỹ, việc để phóng viên hay những nhà làm phim phương Tây sang Việt Nam và quay phim, nhất là về Bác là một công việc “ngoài tưởng tượng”. Nhưng cũng chính vì lẽ đó mà những thước phim về Bác do các nhà làm phim nước ngoài quay ngoài tính nghệ thuật đặc trưng của điện ảnh thì cònmang một giá trị đặc biệt, cực kỳ chân thực và sống động.
“Đàm thoại với Chủ tịch Hồ Chí Minh" (Recontre avec Le Président Ho Chi Minh) của Joris Ivens, Hà Lan, là bộ phim ghi lại nhiều hình ảnh và lời đối thọai, trao đổi của Bác khi tiếp xúc với Joris Ivens vào năm 1968 tại Hà Nội. Có thể nói đây là bộ phim cuối cùng của điện ảnh nước ngoài có dịp được thu hình và ghi âm những lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu) |
“79 mùa xuân” - Xantiago Anvaret, Cuba, phim nói về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, độc lập cho Tổ quốc, đồng thời có một tình thương yêu cao cả bao trùm đến từng số phận con người bị áp bức, nghèo khổ.
“Tên Người là Hồ Chí Minh” - Vêmisêva, Liên Xô (cũ), phim có rất nhiều tư liệu thời kỳ Bác họat động ở Nga trong Quốc tế Cộng sản, khi Bác được tiếp xúc với Luận cương chính trị của Lenin, tìm ra được con đường cần phải đi để làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân Pháp.
Đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng của Hàn Quốc Hong Soon Chul thực hiện các cảnh quay bộ phim "Ngôi sao Việt Nam - Hồ Chí Minh" - bộ phim tài liệu đầu tiên của Hàn Quốc về một lãnh tụ Việt Nam. Khi trả lời phỏng vấn báo chí tại TP.Hồ Chí Minh, đạo diễn Hong Soon Chul chia sẻ: "Tôi thật bất ngờ và thú vị khi càng lúc càng khám phá về mối quan hệ tình cảm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam cũng như những tình cảm của nhân dân Việt Nam dành cho vị lãnh tụ của mình".
Đặc biệt, tháng 8/1969, nhà quay phim Ishigaki Misao, người Nhật (từng là giám đốc Hãng truyền thông NDN), sang Việt Nam thường trú. Lần bấm máy đầu tiên của ông ở Việt Nam chính là lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969.
Cùng đi với ông là 3 nhà quay phim nữa - họ là nhóm quay phim “phương Tây” duy nhất, hùng hậu nhất với 4 máy quay, 4 góc độ khác nhau, bằng phim màu (rất hiếm vào thời điểm đó): “Lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh làm khán giả Nhật Bản đặc biệt ấn tượng. Đó là hình ảnh tấm lòng người dân Việt Nam đối với lãnh tụ trong ngày quốc tang, nỗi đau đớn tiếc thương không cần dùng lời bình để tả"...
Sau đó, bộ phim khoảng 10 phút này đã được chiếu tại các rạp ở Nhật cùng với bộ phim tài liệu mang tên "Việt Nam" (từng được chiếu trên sóng truyền hình Việt Nam). Bộ phim đã được hàng triệu người Nhật đến xem. Năm 2009, vào dịp 2/9, trong lễ kỷ niệm ngày Bác mất, Hãng truyền thông NDN đã tặng bộ phim này cho Việt Nam và công chiếu trên sóng VTV.
Phim về Bác Hồ do các nhà làm phim nước ngoài sản xuất dài nhất cho đến thời điểm này có lẽ là bộ phim tài liệu 12 tập mang tên "Hồ Chí Minh - Con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam" của các nhà làm phim truyền hình Thái Lan sản xuất. Bộ phim đã nêu bật thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người từ khi tìm đường cứu nước đến khi Người qua đời.
Đặc biệt, bộ phim ca ngợi và đề cao tình cảm, mối quan hệ thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với cố Thủ tướng Pridi Banomyong, qua đó thể hiện tình đoàn kết hữu nghị truyền thống vốn có giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước. Từ cuối tháng 10/2008 đến cuối tháng 1/2009, chuyên mục Legend of the world (Huyền thoại của Thế giới), Đài truyền hình NBT (Thái Lan) đã chiếu bộ phim tài liệu này.
Gần nhất là bộ phim về Bác của các nhà làm phim Cuba. Trong quá trình khảo sát, tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo diễn Carlos Manuel Rodriguez bày tỏ sự ngưỡng mộ và kính phục vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam. Đạo diễn Carlos Manuel Rodriguez chia sẻ: “Ở Cuba rất nhiều người biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều trường học, nhà trẻ... mang tên Hồ Chí Minh như: Trường cấp 2 Hồ Chí Minh ở tỉnh Jarugo; trường cấp 1 Bác Hồ ở La Habana...”.
Riêng bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh, kịch bản được Otto Miguel Guzman - Giám đốc Phát hành, Điện ảnh Truyền hình, Xưởng phim Mudo Latino viết và đã lên sóng vào tháng 12/2009. Ngoài Việt Nam và Cuba, bộ phim này còn được gửi cho Đài Truyền hình quốc tế khu vực châu Mỹ Latinh và châu Âu và in 1.000 đĩa DVD đa ngôn ngữ.
Và trong những cuốn sách...
Việc tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phương Tây đã có từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 nhằm tìm cách “giải mã” câu hỏi được đặt ra lúc bấy giờ “Hồ Chí Minh là ai?”. Đặc biệt từ năm 1970, sau khi Người qua đời, việc nghiên cứu đi sâu vào nhiều góc cạnh về cuộc đời và ảnh hưởng của Người đến mọi mặt ở Việt Nam.
Các tác giả và công trình về Hồ Chí Minh ở Pháp, Mỹ… như Jean Lacouture - "Ho Chi Minh" (Ed Seuil, Paris, 1967), C,P. Ragie - “Ho Chi Minh” (Ed. Presses universitaires, Paris, 1970), David Hamberstam - "Ho" (Randoom House, New York, 1971), Daniel Hémery - "Ho Chi Minh de l’ Indochine au Vietnam" (Decouvertes Gallimard, Histoire, 1990), Hypersion, New York, 2000; Sophie Quinn-Judge - "Ho Chi Minh, The Missing Years" (Horizon Books, Singapore, 2003), đã khá quen thuộc với Việt Nam.
Trong quyển "Hồ Chí Minh, một nhà tư tưởng" (Tokyo Aore Shode, 1972), Giáo sư Nhật Bản Singo Sibata chứng minh rằng Hồ Chí Minh là nhà lý luận tài giỏi trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, tư tưởng: “Những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực sự mở ra một giai đoạn mới trong những lý luận về dân tộc và thuộc địa …”.
X.Aphonin và E.Cobelep (Nga) trong quyển "Đồng chí Hồ Chí Minh - một tiểu sử chính trị", đã xem Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà cách mạng kiệt xuất: “Trước hết là người con của dân tộc mình, người anh hùng dân tộc của đất nước mình”.
Nhà báo Stanley Karnow trong cuốn: "Việt Nam - Một lịch sử" đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một thân hình gầy gò, chòm râu dài, chiếc áo khoác cũ và đôi dép cao su đã mòn, Hồ Chí Minh đã tạo ra một hình ảnh Bác Hồ hiền lành giản dị. Nhưng người là nhà cách mạng dày dạn kinh nghiệm và một nhà dân tộc chủ nghĩa nồng nhiệt, suốt đời đấu tranh cho một mục đích duy nhất: mang lại độc lập tự do cho dân tộc mình…”.
Cuốn sách mang tựa đề "Hồ Chí Minh" của nhà báo người Đức, Hellmut Kapfenberger, NXB Neues Leben ấn hành, gần 300 trang, sử dụng tư liệu của nhiều nhà lãnh đạo chính trị, nhà văn hóa, học giả và nhà nghiên cứu nổi tiếng của Việt Nam, Lào, Trung Quốc, Pháp, Mỹ cùng nhiều nước trên thế giới viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Cuốn sách là một kho tư liệu giá trị được viết theo dạng biên niên sử về các thời kỳ hoạt động cách mạng của Người được xuất bản vào dịp kỷ niệm 119 năm ngày sinh của Người thu hút sự chú ý lớn trong giới nghiên cứu và bạn đọc Đức.
129 năm kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2019), vẫn còn rất nhiều bài báo, phim tài liệu, sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Việt Nam, và thế giới vẫn luôn muốn giải mã về một con người gắn với chiến thằng của một dân tộc nhỏ bé mà kiên cường bên bờ biển Đông./.