Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nguồn cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ
VOV.VN - Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, đó là đề tài vô tận không bao giờ vơi cạn trong mỗi người sáng tác.
Nhạc sĩ, nhà phê bình, lý luận âm nhạc Nguyễn Thụy Kha cho rằng, có hai đề tài mang lại nguồn cảm hứng mạnh mẽ và có nhiều nhạc phẩm hay nhất. Đó là Hà Nội và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, mỗi người sáng tạo có cơ duyên nhất định với một đề tài hay một nguồn cảm hứng nhất định. Có lời bài ca: "Bao nhiêu năm qua những bài ca hay nhất của Việt Nam là những bài ca về Người". Những tác giả lớn, đạt giải thưởng lớn như Giải thưởng Hồ Chí Minh đều có những tác phẩm thành công về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là một đề tài vô tận không bao giờ vơi cạn trong thế hệ sáng tác cách mạng và cả sau này.
Nhạc sĩ Thụy Kha. Ảnh: TL |
Nhạc sĩ Thuận Yến, người được xem là viết nhiều nhất về Bác với 26 ca khúc, từng nói: “Trong mỗi chúng ta luôn sẵn có sự tôn kính, tình yêu thương, ngưỡng mộ và lòng biết ơn vô bờ bến đối với Bác nên chỉ cần một bài hát nào đó nói lên được những tình cảm ấy là họ chấp nhận”.
Năm 1979, nhạc sĩ Thuận Yến viết ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la” lấy cảm hứng từ lần ông được gặp Bác năm 1966 và những suy nghĩ về tình cảm, tình thương và tình yêu lớn lao của Người dành cho đồng bào và nhân dân cả nước.
Bài hát được phát lần đầu tiên trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam qua tiếng hát của ca sĩ Thanh Hoa, ngay lập tức trở thành bài ca xuất sắc về Bác Hồ.
Nhạc sĩ Thuận Yến. Ảnh: TL |
Ca khúc được nhiều nghệ sĩ tên tuổi Việt Nam thể hiện trong đó có con gái của ông, ca sĩ Thanh Lam. Và chính nguồn cảm hứng từ “tình yêu bao la của Bác” đã khiến ca khúc này luôn “trong lòng dân và trong trái tim nhân loại” trong suốt mấy chục năm qua.
Năm 1989, nhạc sĩ Thuận Yến được mời đến Nghệ An, được thăm quê hương của Bác, lại được nghe kể về chuyến thăm quê duy nhất của Hồ Chủ tịch sau bao năm bôn ba.
Nghe kể về chuyến về thăm quê của Bác ai cũng phải bồi hồi, Người về quê nhưng không đi đường lớn mà đi lại con đường ngày xưa mình đã từng đi. Người chạm tay vào cây khoai lang mọc dại ven đường đang nở hoa như sắc cờ, thăm lại căn nhà bên làng Sen.
Căn nhà lá bé nhỏ, đơn sơ. Tấm liếp chắn cửa được kéo lên, Người cúi đầu bước qua ngưỡng cửa vào nhà, chạm vào nghiên mực của cha, khung cửi dệt vải của mẹ, cánh võng ngày còn thơ Người đã nằm và nghe tiếng hát đò đưa...
Hình ảnh một người con bôn ba mấy chục năm trời trở về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn với những vật dụng và cuộc sống giản dị, đơn sơ, thanh bạch... lập tức trở thành những hình ảnh ám ảnh nhạc sĩ.
Trong tác phẩm “Người về thăm quê,” Thuận Yến đã viết những ca từ rất thật ân tình: “Đi suốt cuộc đời vẫn nhớ tới quê hương. Người về đây thăm làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha...”.
Nhạc sĩ Thuận Yến còn viết một ca khúc xúc động về tình cảm miền Trung với Bác. Đó là bài “Miền Trung Nhớ Bác” với những ca từ xúc động và giai điệu sâu lắng: “Chúng con sinh ra khi nước còn chia cắt/Nỗi nhớ Bác Hồ dằng dặc suốt miền Trung/... Trái tim phương Nam đêm hướng về Miền Bắc/Ở đó Bác Hồ Người gọi, ơi Miền Nam!”.
Trong tất cả những lần tâm sự về những sáng tác viết ca ngợi Bác Hồ, nhạc sĩ Thuận Yến bao giờ cũng nói: “Bác là nguồn cảm hứng vô tận của tôi”. Thế nên, ông đã có 26 ca khúc về Người, ông còn viết cả những tổ khúc âm nhạc từ nguồn cảm hứng dạt dào ấy.
Ngoài nhạc sĩ Thuận Yến, nhạc sĩ Văn Cao được biết đến với ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”. Đây là bài hát đầu tiên và duy nhất mà nhạc sĩ Văn Cao viết về Bác.
Nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: TL |
Theo họa sĩ Văn Thao, con trai cả của nhạc sĩ Văn Cao, trong bài hát này, nhạc sĩ Văn Cao đã trìu mến gọi tên Người và danh xưng này sau đó đã được phổ biến rộng rãi, trở thành cách gọi thiêng liêng, trang trọng mà nhân dân dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Họa sĩ Văn Thao chia sẻ, thời điểm nhạc sĩ Văn Cao viết bài hát này, ông mới gặp Bác Hồ hai lần nhưng chưa có dịp trò chuyện và tìm hiểu về Bác. Cho đến khi trong quá trình tham gia kháng chiến, tác giả tận mắt chứng kiến tình cảm mà nhân dân dành cho vị lãnh tụ kính yêu. Đó là cách gọi thân thương, gần gũi mà người dân hay dùng để nói về Bác. Chính tình yêu ấy đã khiến nhạc sĩ Văn Cao xúc động và ý thức hơn, tin tưởng hơn về vai trò lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cũng theo họa sĩ Văn Thao, đây là ca khúc đầu tiên và là ca khúc duy nhất nhạc sĩ Văn Cao viết về Bác. Nhưng những giai điệu trữ tình, xúc động này đã nổi tiếng ngay từ khi mới ra đời và cho đến hôm nay vẫn còn nguyên sức sống, sự lan tỏa. Đối với Văn Cao, đây thực sự là những tình cảm chân thành, trong sáng và thiêng liêng nhất về Bác.
Trước đó có người gợi ý Văn Cao viết về Bác nhưng ông chưa viết được. Để hiểu hơn về Người, ông chọn cách đi nhiều nơi trong chiến khu, tiếp xúc với nhiều người dân, hỏi chuyện bộ đội để cảm nhận tình cảm mà mọi người dành cho Bác.
“Sau chuyến đi khắp núi rừng Việt Bắc, chứng kiến tình cảm thực sự mà nhân dân dành cho Bác Hồ, bố tôi hiểu vai trò không gì có thể thay thế được của Bác đối với dân tộc Việt Nam. Hình ảnh của một vị lãnh tụ hiện lên giản dị và gần gũi trong suy nghĩ của Văn Cao, thôi thúc ông nhanh chóng hoàn thành ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, họa sĩ Văn Thao kể.
Họa sĩ Văn Thao cũng cho rằng giai điệu và ca từ mở đầu ca khúc được lấy cảm hứng từ chính hình ảnh lúc Bác Hồ đang đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945. Lúc đó, nhạc sĩ Văn Cao đứng ở dưới khán đài với tư cách là thành viên trong Việt Minh cùng với các chiến sĩ cách mạng và hàng vạn đồng bào khác hướng nhìn và dõi theo giọng đọc trầm ấm của Bác.
“Sự im lặng của hàng vạn con người khiến nhạc sĩ có cảm giác họ như đang nuốt từng lời Bác nói. Từ hình ảnh đó, ông mới viết thành những lời mở đầu đầy xúc động: “Người về mang tới niềm vui/Mùa thu nắng tỏa Ba Đình/Với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời/Người về đem tới xuân đời từ đất nước cằn/Từ bùn lầy cả cuộc đời vùng lên”.
Ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” được nhạc sĩ Văn Cao giới thiệu vào đúng dịp sinh nhật Bác năm 1949. Ngay sau đó, bài hát được đông đảo nhân dân yêu mến và trở thành một trong những ca khúc hay nhất viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh./.