Hoa hậu "Vầng trăng khuyết" - Thiên thần tỏa sáng

(VOV) - Nguyễn Thị Ánh Ngọc - cô gái có đôi mắt thông minh, trong trẻo đầy lạc quan vừa đăng quang cuộc thi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết".

Chỉ cần tình yêu đủ lớn

Căn phòng trọ của Ngọc ở phố Chính Kinh, Thanh Xuân, Hà Nội tràn ngập những bó hoa tươi sau cuộc thi. Ngọc bảo, mỗi sáng ngủ dậy, em vẫn thấy có một cảm giác không thật lắm, ngỡ chuyện đăng quang như một giấc mơ.

Từ khi cuộc thi kết thúc, thời gian biểu của Ngọc kín đặc bởi lịch phỏng vấn, quay hình, giao lưu, dự buổi ra mắt cuốn sách dành cho người khuyết tật (NKT)…, chưa kể Ngọc phải hoàn thành bài tập ở lớp. Nhưng Ngọc không tỏ ra mệt mỏi, khuôn mặt cô luôn rạng rỡ. Cô tự nhủ: Nhịp sống bận rộn sẽ điểm thêm sắc màu cho cuộc sống, cũng là động lực để em hoàn thiện bản thân và sống có ý nghĩa hơn.

Giây phút đăng quang của Ngọc

Từ hồi học phổ thông, Ngọc đã muốn được tìm hiểu về thế giới tâm hồn của mỗi người để có thể giúp đỡ được mọi người. Ngọc nhận ra, khi xã hội càng phát triển thì đời sống tinh thần của con người ngày càng được quan tâm. Vì thế, trong tương lai, ngành tâm lý sẽ có cơ hội để phát triển. Vì vậy, Ngọc tự mày mò tìm hiểu qua internet và đặt quyết tâm phải theo học ngành tâm lý.

Khi là sinh viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV, Ngọc nhiệt tình tham gia CLB Hoa Đá của trường, trợ giúp NKT. Là hội viên của Trung tâm Sống độc lập, Ngọc tham gia công tác tham vấn đồng cảnh của Trung tâm, tư vấn các kỹ năng sống cho NKT và viết tin, bài cho báo Nắng xuân, tạp chí Đồng hành - những diễn đàn của NKT.

Với những kiến thức tiếp thu được trong nhà trường và từ cuộc sống, Ngọc hiểu rằng: Ai cũng có thể bị tổn thương tinh thần, điều quan trọng là phải vượt qua nó. Từ đó, Ngọc nuôi ước mơ trở thành nhà trị liệu tâm lý, chữa trị vết thương tâm hồn cho người khác, cũng là để chữa trị vết thương tâm hồn cho chính mình.

Bây giờ, với ngôi vị của mình, Ngọc có điều kiện tham gia tốt hơn các hoạt động của NKT. Chia sẻ về dự án thành lập Dịch vụ trợ giúp cho NKT của mình, Ngọc bảo, nếu dự án đó thành công, em sẽ hướng tới một dịch vụ trợ giúp chuyên nghiệp. NKT hoàn toàn có quyền yêu và xây dựng hạnh phúc gia đình. Nhưng sự tự ti về khuyết tật cơ thể, lo sợ mình sẽ không mang lại hạnh phúc cho người mình yêu, ngay cả người yêu của họ không phải ai cũng có thể vượt qua được rào cản của gia đình, xã hội… đã khiến NKT bỏ lỡ cơ hội.

Ngọc mỉm cười: Em mong NKT hãy cứ tự tin đến với tình yêu của mình. Chỉ cần có một tình yêu đủ lớn thì không gì có thể cản trở NKT đến với hôn nhân.

Mọi thành công của Ngọc đều có bóng dáng của mẹ

Cứ đi rồi sẽ đến!

Để có ngày hôm nay, Ngọc đã trải qua một chặng đường dài gian nan, đầy thử thách. Cô chia sẻ, em quan niệm cơ hội do chính mình tạo ra, như em đã tự tạo cơ hội cho mình để được đi thi đại học. Nhớ thời thơ ấu, Ngọc bị cong vẹo cột sống bẩm sinh. Bố mẹ đưa Ngọc đi chạy chữa khắp nơi nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Khi đến chữa bệnh ở Viện Nhi Trung ương, cũng là lúc Ngọc chung sống với chiếc áo nẹp chỉnh hình, mà em gọi đó là "chiếc áo giáp".

Nhưng từ chỗ bất lợi khi phải mặc chiếc áo rất khó chịu đó, em đã biến nó thành lợi thế của mình, là điểm đặc biệt của mình để gây sự chú ý với thầy cô và các bạn. Ngọc là lớp trưởng suốt từ lớp 1 đến lớp 8. Năm 14 tuổi, em là 1 trong 8 bệnh nhân được chọn đưa sang bệnh viện Việt - Pháp phẫu thuật nắn chỉnh cột sống nhưng cũng là bệnh nhân duy nhất phẫu thuật thất bại, kết quả hai chân em bị liệt.

“Em như cây nến bị cong hai lần” - Ngọc nói. Nhưng khi bác sĩ thông báo mình bị liệt, bố mẹ sốc, còn em chỉ mỉm cười nói khẽ: Con vẫn ổn. Ngọc nghĩ, nếu lúc đó em chỉ cần có phản ứng bi quan thì bố mẹ em sẽ hoàn toàn sụp đổ. Ngọc còn hài hước rằng em trúng xổ số độc đắc đấy chị ạ, bởi cứ 2.000 ca phẫu thuật nắn chỉnh cột sống trên thế giới thì chỉ có 1 ca thất bại, và em rơi là con số 1 ấy.

Ngọc tâm sự: "Đã là số mệnh thì không thể thay đổi. Chúng ta chỉ còn cách thay đổi cái nhìn với số mệnh. Nếu ca phẫu thuật thành công, có thể cho đến giờ em vẫn là một cô gái bình thường, lấy chồng sinh con, cuộc sống bình lặng trôi đi. Em không bao giờ biết đến một thế giới rộng lớn hơn và cũng không ai biết đến em của ngày hôm nay, em cũng không có cơ hội được một lần đứng trên sân khấu tỏa sáng".

Ngay việc đi thi đại học của Ngọc cũng là cả một kế hoạch mà trong đó Ngọc đã vạch ra từng đường đi nước bước để tạo cơ hội cho mình. Ngọc kể: Cả gia đình em phản đối việc em đi thi đại học, bởi mọi người chẳng thể hình dung em sẽ xoay sở thế nào khi thiếu người thân. Nhưng bằng cách riêng của mình, em đã mở ra con đường để mình được bước vào cổng trường đại học.

Nhờ internet, em đã liên lạc với các thầy cô ở trường ĐH KHXH&NV, các bạn trong CLB Hoa đá về nhà em thuyết phục bố mẹ. Mặt khác, qua một người bạn giới thiệu, em đã viết mail gửi cho Trung tâm Sống độc lập, các anh chị ở đây đã đảm bảo với bố mẹ em sẽ cho người đến trợ giúp cá nhân (theo chương trình từ thiện của Nhật Bản dành cho NKT - PV) chăm sóc em. Em cũng nhờ bạn bè tìm cho mình một phòng trọ ở tầng 1 để thuận lợi cho việc đi lại của em bằng xe lăn.

Với kế hoạch ấy, Ngọc đã thuyết phục được bố mẹ đồng ý cho mình đi thi đại học. Hướng ánh mắt ra xa, Ngọc nói: Em nhận ra rằng, trong mọi việc, cứ đi thì sẽ đến. Cũng không nhất thiết cứ phải đi đường thẳng, đôi khi đi đường vòng sẽ tốt hơn.

Bệ đỡ là tình thương của mẹ

Ai chứng kiến đêm chung kết cuộc thi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết cũng không khỏi xúc động với phần thi tài năng của Ngọc.

Phần thuyết trình về người mẹ đã khiến cả khán phòng lặng đi, sau đó là từng tràng pháo tay không dứt. Có thể nào không xúc động bởi một người mẹ đã hết lòng vì con mình như mẹ của Ngọc. “Mẹ thể hiện tình thương yêu đối với em bằng cử chỉ, hành động cụ thể khi chăm sóc em, chứ không vỗ về em bằng những lời ngọt ngào. Khi còn nhỏ, em không hiểu hết điều ấy nên có những khoảnh khắc em trách mẹ, cứ tự hỏi tại sao mẹ nghiêm khắc với mình như thế?”.

Ngọc tâm sự về người mẹ, đôi mắt ngấn lệ: “Để rồi khi trưởng thành, em hiểu ra mẹ đã âm thầm đứng đằng sau mình như thế nào. Em yêu mẹ biết bao nhưng cũng không thể nói thành lời. Cho đến giờ, em vẫn chưa làm được gì cho mẹ. Khi mẹ lên đây thăm em, em vẫn để mẹ chải tóc cho em, để em thêm một lần được làm nũng mẹ, để mẹ cảm thấy rằng: Dù thế nào, con vẫn luôn cần đến mẹ”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thi hoa hậu tôn vinh vẻ đẹp người khuyết tật
Thi hoa hậu tôn vinh vẻ đẹp người khuyết tật

(VOV) - Từ ngày 12-14/4, lần đầu tiên cuộc thi tôn vinh nét đẹp của nữ thanh niên khuyết tật được tổ chức tại Việt Nam.

Thi hoa hậu tôn vinh vẻ đẹp người khuyết tật

Thi hoa hậu tôn vinh vẻ đẹp người khuyết tật

(VOV) - Từ ngày 12-14/4, lần đầu tiên cuộc thi tôn vinh nét đẹp của nữ thanh niên khuyết tật được tổ chức tại Việt Nam.

Lễ tôn vinh người lao động khuyết tật
Lễ tôn vinh người lao động khuyết tật

(VOV) - "Những người khuyết tật lao động rất chăm chỉ. Chúng tôi tuyển và trả lương cho họ bởi họ xứng đáng nhận được đồng lương như thế".

Lễ tôn vinh người lao động khuyết tật

Lễ tôn vinh người lao động khuyết tật

(VOV) - "Những người khuyết tật lao động rất chăm chỉ. Chúng tôi tuyển và trả lương cho họ bởi họ xứng đáng nhận được đồng lương như thế".

Đi tìm hoa hậu mang vẻ đẹp “Vầng trăng khuyết”
Đi tìm hoa hậu mang vẻ đẹp “Vầng trăng khuyết”

(VOV) - Cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp nghị lực, trí tuệ và những tài năng tiềm ẩn trong một cộng đồng người khuyết tật.

Đi tìm hoa hậu mang vẻ đẹp “Vầng trăng khuyết”

Đi tìm hoa hậu mang vẻ đẹp “Vầng trăng khuyết”

(VOV) - Cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp nghị lực, trí tuệ và những tài năng tiềm ẩn trong một cộng đồng người khuyết tật.

"Ngày mới" - triển lãm tranh của họa sĩ khuyết tật
"Ngày mới" - triển lãm tranh của họa sĩ khuyết tật

(VOV) - Mỗi người một cách vẽ, một chất liệu khác nhau nhưng bằng trái tim của người họa sĩ.

"Ngày mới" - triển lãm tranh của họa sĩ khuyết tật

"Ngày mới" - triển lãm tranh của họa sĩ khuyết tật

(VOV) - Mỗi người một cách vẽ, một chất liệu khác nhau nhưng bằng trái tim của người họa sĩ.