Họa sĩ Thành Chương công bố phác thảo bức tranh bị tố đánh tráo
VOV.VN -Họa sĩ Thành Chương cho biết, hiện ông vẫn đang tiếp tục tìm thêm bằng chứng để khẳng định sở hữu của mình cho bức tranh “Trừu tượng” ký tên Tạ Tỵ.
Liên quan đến vụ việc bức tranh mang tên “Trừu tượng” của họa sĩ Thành Chương bị đánh tráo thành tranh của họa sĩ Tạ Tỵ được treo ở triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu trở về” của các danh hoạ Việt Nam thời kỳ Đông Dương diễn ra ngày 10/7 vừa qua tại phòng tranh của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, sáng nay (17/7), họa sĩ Thành Chương cho biết, ông đã tìm thấy bản phác thảo gốc của bức tranh này.
Họa sĩ Thành Chương công bố bản phác thảo bức tranh "Trừu tượng". |
Đây là một chi tiết vô cùng quan trọng trong việc xác minh ai mới là chủ nhân thực sự của bức tranh tại triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu trở về”. Trước đó, trả lời PV VOV.VN, họa sĩ Thành Chương cho biết, người mẫu trong bức tranh này vẫn còn sống, là họa sĩ Kim Anh – một người bạn của ông. Hiện họa sĩ Kim Anh vẫn đang làm việc và sinh sống tại TP HCM. Họa sĩ Thành Chương cho biết, ông vẫn đang tiếp tục tìm thêm bằng chứng để khẳng định sở hữu của mình cho bức tranh “Trừu tượng” ký tên Tạ Tỵ.
Về phía chủ nhân bộ sưu tập 17 bức tranh tại triển lãm – ông Vũ Xuân Chung vẫn chưa đưa ra bất kỳ phát ngôn chính thức nào. Trong khi đó, ông Jean-François Hubert chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của Hãng đấu giá Christie’s Hong Kong, người thẩm định và khẳng định 17 bức tranh là thật mới đây gửi đến báo Tuổi trẻ một bức ảnh đen trắng chụp 4 ông: Nguyễn Bá Đạm, Thái Bá Vân, Bùi Xuân Phái và Trần Quý Thịnh tại Hà Nội 1972, trong ảnh có bức tranh của Tạ Tỵ được treo trên cánh cửa. Có lẽ, điều ông Hubert muốn chứng minh đó là tranh thật từ tranh đến chữ ký, đến tác giả. Tuy nhiên, ngay khi bức ảnh được công khai đã bị “tố” là sản phẩm photoshop cẩu thả, lộ liễu.
Bức ảnh do ông Jean-François Hubert cung cấp với hình bức tranh ký tên Tạ Tỵ. |
Trên trang về nghệ thuật xưa, cũng như nhiều nhà chuyên môn về nhiếp ảnh đều cho rằng đó là bức ảnh ghép, chỉ ra những điều vô lý khi một bức tranh quý lại treo trên cánh cửa ra vào, hay bức tranh sơn dầu trên toan lại mỏng như tờ giấy và không khớp với các cạnh của cánh cửa… Ngoài ra, ngay sau đó họa sĩ Lê Huy Tiếp đã nhận được tấm ảnh gốc từ gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái và phía sau, trên cánh cửa, không có bức tranh nào cả.
Bức ảnh gốc từ gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái (Ảnh do HS Lê Huy Tiếp cung cấp). |
Trước diễn biến này, họa sĩ Thành Chương cho rằng vấn đề không còn ở phía ông Vũ Xuân Chung nữa mà bắt nguồn từ ông Jean-François Hubert, khi ông ấy là người chứng thực cho 17 bức tranh, đồng thời lại cung cấp bức ảnh ghép cẩu thả bức tranh ký tên Tạ Tỵ. Nếu là tranh giả, tại sao một chuyên gia thẩm định danh tiếng lại có thể có đánh giá nhầm lẫn nghiêm trọng như vậy. Hơn thế nữa, còn đưa ra bằng chứng là bức ảnh chụp năm 1972 ngay cả người không có chuyên môn cũng nhận ra là ảnh ghép?
“Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng vì liên quan đến chuyên gia quốc tế, không chỉ là việc thẩm định một bức tranh. Việc này gây hại cho những người yêu nghệ thuật, những nhà sưu tập Việt Nam cũng như quốc tế. Lâu nay, mỹ thuật Việt Nam vốn bị mang tiếng là làm tranh giả bán ra thế giới. Nhưng sau chuyện này, câu hỏi được đặt ra là, liệu có phải người Việt Nam làm không, hay những chuyên gia quốc tế có liên quan…?”, họa sĩ Thành Chương nói.
Ngoài ra, họa sĩ Thành Chương cũng bày tỏ băn khoăn về thái độ khó hiểu của chủ nhân BST – ông Vũ Xuân Chung, khi 17 bức tranh được ông này mua về với số tiền lớn bị “tố” là tranh giả, thay vì lên tiếng phản bác, thanh minh hay thừa nhận… thì lại im lặng. Ngay cả khi họa sĩ Thành Chương muốn gặp trực tiếp để chia sẻ thông tin về bức tranh ký tên Tạ Ty, ông Chung cũng không ra mặt.
Trước đó, họa sĩ Thành Chương cho biết, ông "dựng tóc gáy" khi nhìn thấy tranh mình vẽ lại ký tên Tạ Tỵ ở triển lãm. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Được biết, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM sẽ thành lập một hội đồng đánh giá lại hoàn toàn triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu trở về” với thành phần là những họa sĩ uy tín, nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu và các đại diện của Hội Mỹ thuật TP.HCM, Hội Mỹ thuật Việt Nam... và dự kiến sẽ có kết luận cuối cùng về độ thật - giả của các bức tranh vào ngày 19/7 tới. Họa sĩ Thành Chương cho biết, ông cũng sẽ bay vào TP.HCM làm việc với Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Họa sĩ Thành Chương cho biết: “Đây là việc làm cần thiết để bảo vệ nền mỹ thuật Việt Nam phát triển đúng đắn và loại trừ những đường dây buôn bán tranh giả tầm cỡ quốc tế. Ngay cả cơ quan an ninh cũng sẽ vào cuộc để điều tra. Chịu trách nhiệm trước tiên có lẽ là người xác nhận, người bán, để trả lời cho câu hỏi ai là người làm giả, nguồn gốc bắt đầu từ đâu..."./.
Họa sĩ Thành Chương bức xúc vì bị “cướp” tranh